.

Miến chay

.

Hai vợ chồng già về hưu. Chút ít tích cóp phải để dành phòng khi biến cố. Trăm sự cuộc sống trông chờ vào hai cái sổ lương hưu. Không nhiều cũng chẳng ít, nghĩ thương những người không được như mình. Nhưng giá điện lên, giá nước tăng, giá gas cao chót vót, mớ rau mớ tép con cá miếng thịt chi chi cũng đua nhau vọt lên phía trước như đang trong một cuộc thi vô tiền khoáng hậu. Mỗi ngày một lần đi chợ, mỗi ngày vợ tôi một lần kêu trời. Nhưng trời chót vót trên cao, đâu có nghe thấy tiếng than của vợ tôi. Tôi thì ở dưới mặt đất, nghe lời vợ nhưng bất tài, nghĩ nát óc chẳng biết kiếm thêm như thế nào. Đã không kiếm được tiền thì chỉ còn một cách duy nhất là bớt tiêu, là mua những thứ rẻ tiền đắp đổi cho qua!

 

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Những thứ rẻ tiền? Rau củ thì chắc chắn rẻ hơn thịt cá. Những thứ rẻ mà bổ? Đậu phụ, nấm chắc chắn không thua cá thịt. Thật may, phụ nữ Việt là những người giỏi biến báo, không bao giờ chịu đầu hàng hoàn cảnh. Nói chung là thế, khai thác cái ăn càng thế. Còn may hơn nữa, gia tài ẩm thực Việt, cả mặn cả chay, còn chứng minh đôi bàn tay tài hoa hết mực của con cháu bà Âu Cơ. Không một chút băn khoăn, không một giây lưỡng lự, ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu đôi bàn tay đã nhanh nhạy thực hiện. Vợ tôi ngâm miến, thứ miến ngoài Bắc dẻo mà không nát. Lại ngâm nấm hương trong một cái chậu thau nhỏ khác.

 

Đậu phụ thì vợ tôi rán vàng thái miếng cỡ ngón tay. Cà rốt xắt sợi, giá rửa sạch… Khi mọi thứ xem chừng đã hòm hòm vợ tôi bắc chảo lên bếp. Đợi cho dầu ăn nóng già, vợ tôi nhẹ tay rải nhúm tỏi tây bơ-rô… Chao ôi, ông bà nói đầu xuôi thì đuôi lọt, mùi thơm quyến rũ và đầy hứa hẹn. Nhưng cái làm tôi ấn tượng thực ra không phải là mùi thơm từ cái chảo kia. Cả đời chưa bao giờ nấu chay, không hiểu sao vừa “nhập môn” vợ tôi đã biết rằng không thể dùng hành để phi. Nhiều người cứ nghĩ hành, tỏi… là thực vật, không biết rằng những gia vị này vốn cấm kỵ trong các món chay!...

Và khi dĩa miến xào chay yên vị trên bàn ăn, vợ chồng bà chị tôi ở Sài Gòn ra chơi chưa ăn đã hết lời khen ngợi. Tôi thì không thể thốt nên lời bởi cái miệng bận rộn thực hiện chức năng làm no cái dạ dày! Màu vàng của miến, màu nâu của nấm hương, màu đỏ của cà-rốt, vị béo của miếng đậu phụ… màu và vị xôn xao trong mắt trong miệng. Miến có thể chế biến thành nhiều món. Phổ biến và được ưa thích nhất có lẽ là miến gà, miến lươn – đặc biệt với những con lươn của xứ Nghệ. Nhưng đấy là với những cái miệng chưa nếm thử món miến xào chay. Còn như… ngon mà rẻ, có lẽ những lươn những gà kia phải nhường chỗ!

HOÀNG

;
.
.
.
.
.