Cùng với bến đò Chương Dương, cửa ải Hàm Tử đã đi vào lịch sử chống quân xâm lược Nguyên Mông của Đại Việt. Chiến thắng Hàm Tử quan là một trong những chiến công nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên và trong cả lịch sử Việt Nam.
Cửa Hàm Tử (hay Hàm Tử quan) xưa thuộc xã Hàm Tử bên tả ngạn sông Hồng, phía Nam Hà Nội. Nơi đây đã diễn ra trận quyết chiến giữa quân nhà Trần và quân Nguyên do Toa Đô chỉ huy trong cuộc Kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1285.
Cuối năm 1284, quân Nguyên chia hai đường ồ ạt kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trước thế mạnh của địch, vua tôi nhà Trần đã dùng kế “vườn không nhà trống” ở kinh thành Thăng Long và các vùng lân cận. Chẳng bao lâu, quân giặc rơi vào cảnh thiếu hụt lương thảo, đó là thời cơ để quân Trần bắt đầu phản công. Trần Nhật Duật được cử cầm quân chỉ huy trận đánh ở cửa Hàm Tử.
Trận Hàm Tử quan diễn ra trên đoạn sông Hồng từ ngã ba sông Luộc đến Thăng Long mà điểm tử chiến là khu vực từ Tây Kết đến Hàm Tử, Chương Dương. Hàm Tử lúc đó bao gồm toàn bộ binh thuyền, quân tướng của quân Nguyên và một bộ phận sinh lực quân được Thoát Hoan (đang đóng ở Thăng Long, trên bờ bắc sông Hồng) cử đến do nguyên soái Toa Đô, hổ tướng Ô Mã Nhi cùng hàng chục viên tướng lão luyện khác chỉ huy.
Quan quân Đại Việt quyết định đánh trận Hàm Tử nhằm phá tan tuyến phòng thủ của quân Nguyên trên sông Hồng, cắt đứt đường thủy quân Toa Đô từ Nghệ An kéo về Thăng Long để hội quân với Thoát Hoan.
Trước hiểm họa xâm lăng đến từ phương Bắc, quân dân Đại Việt một lòng quyết tâm đánh giặc. Đóng thuyền, sắm sửa khí giới, tồn trữ lương thực... Trần Nhật Duật khi nhận lệnh xuất quân chỉ có hơn một vạn quân nhưng khi đến Hàm Tử thì đội quân quyết chiến này đã lên tới trên năm vạn với gần bốn trăm thuyền chiến lớn nhỏ. Vô cùng xúc động, Trần Nhật Duật trỏ xuống lòng sông mà nói cùng quân sĩ: “Ta sẽ đại phá địch ở khúc sông này. Thề sống chết với giặc ở đây. Các ngươi hãy nhớ lấy”.
Binh thuyền của Toa Đô hăm hở tiến vào Hàm Tử, không hề biết là đại quân Đại Việt sẵn sàng tử chiến. Khi tất cả thuyền giặc đã lọt hẳn vào trận địa, Trần Nhật Duật cho nổ pháo lệnh tấn công. Bất ngờ rơi vào thế bị động, quân Toa Đô lúng túng, kinh hãi, không biết xoay xở ra sao giữa thế trận kinh thiên động địa. Quân ta càng đánh càng hăng, đại bác trên không chụp xuống, thuyền nhỏ dưới nước lăn xả vào tấn công.
Quân Toa Đô giữa lúc nguy khốn thập phần thì may có viện binh của Ô Mã Nhi đến kịp. Không ngoài dự tính, Trần Nhật Duật lệnh cho hổ tướng Nguyễn Khoái dẫn quân đánh thốc một trận tơi bời vào đoàn quân cứu viện của Ô Mã Nhi. Hơn ba vạn quân địch bị tiêu diệt và bắt sống, gần hai trăm chiến thuyền lớn nhỏ cùng với binh khí chất cao như núi. Trương Hiền, một chiến tướng của Toa Đô, đầu hàng. Toa Đô bị chém đầu tại trận, Ô Mã Nhi và Lưu Khuê thoát khỏi vòng vây, trốn trong một chiến thuyền nhẹ, chạy trối chết ra biển.
Chiến thắng Hàm Tử là khởi đầu của một loạt những chiến công vang dội nhằm bẻ gãy mưu đồ đen tối của đạo quân xâm lược, là một vết nhơ khó gột rửa của phương Bắc và là dấu son vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của một dân tộc anh hùng.
Hai trận đánh Chương Dương và Hàm Tử đã được lưu truyền hậu thế qua bài thơ bất hủ của chiến tướng Trần Quang Khải: “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/ Thái bình nghi nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san”. Trần Trọng Kim dịch thơ: “Chương Dương cướp giáo giặc? Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”.
Hai địa danh - chiến tích Chương Dương (hay Chương Dương độ - Bến Chương Dương) và Hàm Tử (hay Hàm Tử quan – Cửa Hàm Tử) đã được đặt tên đường phố trên cả nước. Tại Đà Nẵng, Hàm Tử được đặt tên cho con đường trên địa bàn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, nối từ đường Ngũ Hành Sơn đến đường Chương Dương (ảnh) theo Nghị quyết số 71/2008/NQ/HĐND ngày 4-12-2008 của HĐND thành phố.
LÊ GIA LỘC