Thế nhưng, một điều rất băn khoăn là bên cạnh niềm tin vào sự đổi mới đó, nhiều người cũng thực sự ngạc nhiên khi việc TXCT vẫn diễn ra theo chiều hướng cũ, chưa thực sự thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ.
Một trong những biểu hiện đó là, mặc dù đã được những người điều hành nhắc nhở, rằng đây là hoạt động TXCT sau kỳ họp QH, các cử tri được thông tin về kết quả kỳ họp, chỉ nêu những kiến nghị của mình về những điều chưa được rõ hoặc những vấn đề liên quan đến Trung ương, đến chủ trương, chính sách, đến vấn đề chung của địa phương... nhưng rất nhiều cử tri vẫn tập trung cho những kiến nghị mang tính cá nhân.
Càng về các vùng ven thành phố, thì vấn đề này càng “nóng” lên; không chỉ bởi tốc độ đô thị hóa gắn với giải tỏa, đền bù, tái định cư mà còn là vấn đề nhận thức của người dân về thực hiện các quyền dân chủ của mình trong hoạt động TXCT. Mặc dù đã được người điều hành thông báo người dân có thể gửi đơn thư, kiến nghị vấn đề cá nhân đến thư ký tổng hợp cho Đoàn ĐBQH, nhưng nhiều người vẫn đăng ký phát biểu cũng nội dung đó; như là một cách để tăng thêm trọng lượng cho vấn đề, thu hút sự quan tâm của các đại biểu cũng như cử tri.
Những ý kiến này không chỉ làm kéo dài thời gian TXCT, mà còn làm cho hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH không khác nào hội nghị TXCT của đại biểu HĐND thành phố, xã trước và sau mỗi kỳ họp ở các địa phương. Ý kiến của cử tri lúc này được xem là đặt không đúng chỗ!
Song, bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri trước những vấn đề của đất nước, của dân tộc, liên quan đến những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội... mang tầm vĩ mô. Nhưng nếu đong đếm cho thật chính xác, thì có một sự thật là, dường như những vấn đề bức xúc mà báo chí nêu lên nhiều trước và trong mỗi kỳ họp, lại tiếp tục được các cử tri đặt ra trong những buổi TXCT với ĐBQH. Dường như, nhiều cử tri cho rằng, ĐBQH không có thời gian theo dõi dư luận xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng nên họ có trách nhiệm phải... nhắc lại!
Điều đáng nói là, có những nội dung mà ngay cử tri khi nói cũng không nắm chắc được. Mới đây, một cử tri nêu vấn đề lao động nhập cư người Trung Quốc trên các công trường khai thác bô-xít tại Tây Nguyên đã lập làng, sinh con đẻ cái rồi có thể đưa trở về nước hay không? Một đại diện của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đã chất vấn lại rằng vị cử tri đã đến tận nơi, chứng kiến tận mắt tình trạng đó hay chưa khi nêu lên ý kiến này?
Nói lên hai mặt của thực trạng trong hoạt động TXCT đó, để thấy rằng, nhiều cử tri tham gia thường xuyên, không thiếu vắng trong các cuộc TXCT nào, kể cả với ĐBQH hoặc ĐB HĐND các cấp nhưng chất lượng ý kiến vẫn chưa được nâng cao. Vẫn còn thiếu vắng rất nhiều những ý kiến tâm huyết của cử tri xuất phát từ thực tiễn của địa phương, từ đó nêu lên những điều chưa hợp lý nhằm góp phần cùng ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; vẫn còn thiếu vắng những ý kiến từ chính trăn trở, suy nghĩ mang nặng tâm tư, nguyện vọng trên tinh thần xây dựng của chính mỗi cử tri...
Cùng với việc tham gia các hội nghị TXCT để nghe thông báo kết quả kỳ họp, nắm vững vấn đề để tham gia định hướng dư luận xã hội trước những nội dung còn băn khoăn, còn có ý kiến trái chiều..., thì các cử tri cũng cần phải tự ý thức trong việc tìm hiểu, nắm bắt vấn đề, đề đạt những ý kiến, nguyện vọng có chất lượng để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TXCT.
Đồng thời, chính Quốc hội và các ĐBQH cũng cần phải có giải pháp tích cực hơn nữa trong việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, để gần dân hơn, để dân tin hơn, để thực quyền hơn... từ đó thực hiện tốt hơn chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động TXCT nói riêng và chất lượng Quốc hội nói chung!
Một nhiệm kỳ mới, công tác TXCT cũng cần đổi mới!
Anh Quân