.

Con chữ và cuộc đời

.

Hằng đêm, tiếng đọc i, tờ của những lớp học xóa mù chữ (XMC) dành cho các chị phụ nữ lớn tuổi, những đứa trẻ phải bỏ học nửa chừng vẫn tiếp tục vang lên trong những ngôi nhà nhỏ giữa khu dân cư, những căn phòng mượn tạm nóng bức trong các khu chung cư dành cho hộ nghèo. Đóng góp không nhỏ trong hành trình XMC cho nhiều đối tượng ở các địa phương là các cô, các chị, những người chưa từng đứng trên bục giảng.

Cô Nguyễn Thị Bích đang hướng dẫn chị Nguyễn Thị Cường làm toán.
Cô Nguyễn Thị Bích đang hướng dẫn chị Nguyễn Thị Cường làm toán.

Cuộc đời ẩn sau con chữ

Đó là lời tâm sự rất thực lòng của chị Lê Thị Năm, 37 tuổi, ở khu chung cư dành cho hộ nghèo đầu tuyến Sơn Trà-Điện Ngọc. Chị Năm theo học lớp XMC của chị Nguyễn Thị Bích gần hai năm nay. Cách đây 1 tuần, chị và 9 học viên của lớp làm bài thi khảo sát lên lớp, tiếp tục một hành trình học chữ mà ba chục năm trước chị phải nghỉ giữa chừng khi mới vừa đọc thông, viết thạo. Tìm lại con chữ, với chị Năm, là như một cuộc đổi đời. Chị cảm thấy tự tin hơn khi cầm tờ báo, dù đọc còn chưa nhanh lắm; và khi đi làm, khi ra đường, “ai nói cái chi mình cũng hiểu, chứ trước đây chỉ biết cắm đầu đi làm, đâu có thể hiểu hết những điều người ta nói”.

Với chị Nguyễn Thị Cường, 45 tuổi, ở Thành Vinh 10, phường Thọ Quang, Sơn Trà thì việc đến lớp ngoài học chữ cho mình, để còn kèm cặp hai cậu con trai sinh đôi 14 tuổi cũng thất học. Đứa con trai lớn của chị năm này vào đại học cứ động viên chị: Má già cũng phải đi học, má đi học để hai em đi học theo.

Cứ thế, nắng cũng như mưa, ban ngày các chị ở lớp học này, người làm công nhân dọn vệ sinh, người đi gia công làm tôm, cá cho mấy cơ sở kinh doanh; nhưng đêm đến là sách, vở trên tay cùng học chữ. Có tuổi, cùng với tâm lý ngại ngần khiến cho việc học chữ của các chị đôi khi cũng vất vả không kém những công việc nặng nhọc họ làm hằng ngày.

Ở khu chung cư của chị Nguyễn Thị Bích hầu hết là những gia đình có thu nhập thấp. Nhiều người không tha thiết đến việc học. Với họ, kiếm tiền quan trọng hơn kiếm chữ. Vì vậy, chị Bích phải đến từng nhà vận động, năn nỉ họ đến lớp. Hơn hai năm đứng lớp làm giáo viên, chỉ có niềm tin mới giúp chị ở lại, bởi chị tin với tấm lòng của mình, mỗi chị em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn để học cho được cái chữ, còn biết cách nuôi dạy con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Những giáo viên như chị Bích, Ngày nhà giáo Việt Nam cũng trở nên xa xôi, bởi điều chị mong nhất mỗi đêm là lớp học đủ người, chứ không phải là một bó hoa hay lời chúc.

Gần 20 năm làm giáo viên của lớp học XMC… ở nhà, cô Trần Thị Ngọc Diệp cũng không nghĩ mình gắn bó với cái nghề không lương này. Hồi trước nhà cô ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, vì chồng bị tai biến mà phải bán nhà cho ông chữa bệnh, qua mua nhà ở khu nhà chồ phường Nại Hiên Đông. Cô kể, mở cửa ra là gặp những người hàng xóm ăn to nói lớn, đàn ông làm nghề biển, đàn bà và trẻ em từ 2-3 giờ sáng đã ra bến cá làm đủ thứ nghề kiếm ăn qua ngày. Mở cửa là cô gặp những gương mặt các em bé lấm lem, không biết chữ. Thế là cô gọi các em đến, dạy từng chữ cái, từng phép tính. Cô ra chợ Cồn mua giấy ký, về hì hụi đóng thành tập phát cho mỗi người.

Hôm tôi đến nhà, thấy cô đang bao tập vở cho bé Mỹ Hạnh, học lớp 2 trường Trần Hưng Đạo. Mẹ Mỹ Hạnh trước là học trò của cô, nhà 6-7 anh chị em đều đến lớp của cô học chữ, cô còn đi làm giấy khai sinh, đặt tên chị là Hồng. Đến hồi chị Hồng lấy chồng, anh cũng là dân vùng sông nước, không biết chữ, chị chở chồng đến để anh theo lớp cô Diệp.

Học sinh của cô Diệp có em Lê Thị Thanh đang học đại học năm thứ 4 ở Huế, mẹ của Thanh, chị Kim Thu học với cô đến hết lớp 5. Hồi đó, mỗi lần đi ngang khu nhà chồ, bé Thanh ló đầu ra gọi “o Diệp”, hỏi sao ở nhà, Thanh bảo mẹ không cho đi học. Cô bảo, xuống o nghe con; học xong lớp 1 cô đưa Thanh ra trường, bé năm nào cũng được học sinh giỏi, kể cả khi học phổ thông ở Trường Hoàng Hoa Thám. Năm ngoái, cô còn xin cho Thanh một suất học bổng trị giá 1 triệu đồng.

Chuyện học không bao giờ thừa

Giờ, cô Diệp dạy theo… nhu cầu của người học, đúng kiểu XMC cho những chị đã quá tuổi đến lớp, những người khi còn trẻ lo làm lụng nuôi con, đâu nghĩ đến mình. Cô dạy theo ngành nghề của từng người, giáo án linh động. Như chị Vân trước đây làm thuê ở chợ cá, giờ chị kiếm được một góc trong chợ để buôn bán, cần biết chữ để ghi sổ tên các loại cá, tên bạn hàng. Thế là cô dạy cho chị viết tên cá thu, cá nục… Có chị bán quán nhậu, cô dạy cách viết các món ăn. Những bài học, những trang chữ viết ra, ẩn đằng sau nó là mỗi cuộc đời, nhiều khi có cả nước mắt. Bởi, lớn tuổi, tay cầm bút cứng hơn, đâu dễ học như ước nguyện; bởi, càng nghèo, càng giàu lòng tự trọng… Nhưng nếu không học, thì cuộc đời các chị vẫn cứ trôi đi, bình lặng; nhưng trong một góc khuất, có khi họ thấy tủi thân vì người ta có thể đọc báo, đọc sách, hay đi hát karaoke, còn mình thì không… Vậy nên, cái lớp học nhỏ nhoi của cô Diệp, có chị ở đâu dưới Thọ Quang, Mân Thái, hay ở ngay Nại Hiên này, không biết họ nghe tin ở đâu, đạp xe đến xin học. Vợ học, chồng học, con cái theo học.

50 năm trước, bà Phạm Thị Vân  (tổ 29 Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) lúc đó mới 15 - 16 tuổi, ở trong đội văn công của xã Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam. Ban ngày tham gia sản xuất biểu diễn văn nghệ cho bộ đội xem, ban đêm bà cắp sách đến lớp học chữ. Kiên trì học, bà theo được đến lớp 6. Bà bảo, người có chữ thì biết sửa mình, hiểu biết hơn, sống cho tốt hơn. Nên chuyện học, ở vào thời nào cũng không bao giờ là thừa.

Hiện tại thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc TH và phổ cập THCS đúng độ tuổi và đang phấn đấu XMC cho 100% phụ nữ dưới 40 tuổi bị mù chữ. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đến tháng 6-2010, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi từ 15-45 biết chữ đạt 99,48 % (180.437/181.364 người).

Theo “Báo cáo phát triển con người, 2011” của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam (từ 25 tuổi trở lên) đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp 2 trở lên là 24,7% so với 28% là của nam giới. Số phụ nữ biết chữ hiện nay là gần 100%, trái ngược với con số gần 100% phụ nữ không biết đọc, biết viết sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.