.
Hồ sơ tên đường

Lê Phụng Hiểu ném đao nhận đất

.

Lê Phụng Hiểu không chỉ vâng mệnh di chiếu của vua Lý Thái Tổ mang quân cấm vệ dẹp “loạn Tam vương”, giúp vua mới Lý Thái Tông ổn định triều chính mà còn có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành hay quấy nhiễu phía nam Đại Việt để xã tắc bình yên.

Đường Lê Phụng Hiểu thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà.
Đường Lê Phụng Hiểu thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà.

Lê Phụng Hiểu người làng Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hóa; nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện không rõ năm sinh, năm mất của ông (có tài liệu ghi ông sinh ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ - 982). Ông không được đi học, nhưng sớm nổi tiếng là đô vật có sức khỏe dị thường.

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại câu chuyện kỳ thú về sức mạnh của ông. Bấy giờ, hai làng Cổ Bi và Đàm Xá nổ ra việc giành đất. Đàm Xá cậy đông, chiếm hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về Cổ Bi. Ông đứng ra giúp làng Cổ Bi, được dân làng thết đãi bằng nhiều mâm cỗ to; ông ăn xong, ngủ một giấc no say. Khi dân làng Đàm Xá đến tranh đất, ông tỉnh dậy, nhổ cây bên đường làm vũ khí rồi xông ra đánh đám trai tráng làng Đàm Xá. Khiếp sợ trước sức khỏe của ông, dân làng Đàm Xá từ đó không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.

Vua Lý Thái Tổ hay tin, cho người vời ông vào kinh đô Thăng Long cho làm tướng, sau thăng dần lên chức Vũ vệ Tướng quân.

Năm 1028, Thái Tổ mất, chưa tế táng xong thì ba hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử Phật Mã – người được vua di huấn nối ngôi.

Thái tử Phật Mã biết là có biến, bèn sai người đóng hết các cửa điện, rồi bảo rằng: “Ta đối với anh em không phụ bạc, nay ba vương làm việc bất nghĩa như thế, quên di huấn của tiên đế muốn mưu chiếm ngôi báu, các ngươi nghĩ thế nào?”. Các quan cùng xin Thái tử cho đem quân ra thành quyết được thua một trận.

Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, ông khảng khái rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức Vương mà rằng: “Các người dòm ngó ngôi cao, khinh dể tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!”. Nói xong, ông xông vào chém chết Vũ Đức Vương. Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương sợ quá bỏ trốn, quân của các vương vì thế mà tan rã.

Dẹp xong loạn Tam vương, Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tông và thăng luôn cho ông lên chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu. Từ đó cho đến cuối đời, ông một lòng phò tá nhà Lý, lập được nhiều công trạng lớn, đánh đuổi Chiêm Thành, giữ vững ổn định cho Đại Việt bên trong cũng như bên ngoài.

Năm 1044, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, ông hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Khi chiến thắng trở về, vua định ban thưởng chức tước, bổng lộc, nhưng ông từ khước, chỉ xin trèo lên núi Băng Sơn quê ông ném con đao lớn ra xa, nếu đao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp đến đó. Vua bằng lòng. Ông quăng đao xa hơn 10 dặm, rơi xuống tận làng Đa Mi, được vua ban ruộng đất trong tầm ném đó và tha khoản thuế phải nộp trên đất này. Từ đó, Triều Lý đặt ra lệ “Thác đao điền” (ruộng ném đao) để thưởng công cho các đại thần.

Sau đó, ông còn nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành và đều chiến thắng mới trở về. Ông sống hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân cho nước đều bàn với vua. Sau khi ông mất (thọ 77 tuổi), nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông.

Tên tuổi và công trạng của ông không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng. Nhiều làng xã ở xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, nơi ông từng lưu lạc thuở nhỏ và đóng quân đánh giặc, đã thờ ông làm Thành hoàng, tiêu biểu là đền Hòa Đình. Hằng năm cứ đến mùng 6 tháng 2 (âm lịch) đền lại mở hội. Trong các trò chơi dân gian có tục thi vật để tưởng nhớ đến Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1km, rộng 7,5m, từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường 10,5m, thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa VI ngày 12-1-2002 về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
  • Chiếc thuyền của lứa đôi Việt - Nhật
    Khu không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở Quảng trường Sông Hoài, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An đang trưng bày một chiếc thuyền buồm sơn son với lối kiến trúc cổ xưa khá đẹp. Đây là chiếc thuyền buôn do người Nhật Bản phục dựng để trưng bày ở thành phố Nagasaki từ nhiều năm qua nhằm thể hiện mối bang giao, tình hữu nghị hai nước Việt - Nhật đã có từ lâu đời.
    .
  • Chuyện ông Thất Sáu
  • Ruộng bậc thang 'ở lưng chừng núi'
.
  • Rượu Bàu Đá
    Công viên 29-3 Đà Nẵng từng diễn ra Festival "Làng nghề Việt 2009" với sự tham gia của 60 làng nghề tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Tôi nhớ về rượu lần đó có 3 đại diện gồm: rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen. Rượu Bàu Đá nổi trội ra sao mà được đại diện cho miền Trung? Hai loại rượu kia có gì đặc biệt? (Phan Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
  • Tháp Bánh Ít
.
  • Màu hoa đỏ tháng Tư
    Tháng Tư, giàn hoa giấy trước nhà ông Năm đỏ rực. Ai ngang qua cũng ngoái cổ nhìn rồi xuýt xoa khen chủ nhà mát tay trồng được giàn hoa đẹp quá. Mấy bà hàng xóm thường nói, ông Năm già rồi mà lãng mạn quá chừng, suốt ngày chăm chút cho mấy cây bông. Mỗi lần nghe, ông Năm chỉ móm mém cười mà không nói gì. Dưới giàn hoa giấy ông kê cái bàn tre, sáng nào cô con gái tên Hạnh cũng pha cho ông tách trà. Ông vừa nhâm nhi vừa ngó lên những cụm hoa khoe màu trong nắng rồi nghĩ ngợi xa xăm.
    .
  • Các khối lực lượng vũ trang hợp luyện diễu binh, diễu hành
  • Người má
.

Đọc nhiều

.
.