.

Về lại Điện Sơn - Kỳ cuối: Xóm Tây nghĩa tình

.

Bồ Bồ là một quả núi mọc lên như một hòn non bộ khổng lồ giữa đồng bằng, không cao, nhưng địch chốt đồn trên đỉnh núi nhìn rõ xung quanh các xã bị cày trắng Điện Tiến, Điện Sơn, Hòa Tiến, Điện Thọ, Điện Hòa. Từ nơi ở, anh em nhìn thấy lính Trung đoàn 51 chốt một đại đội trên đồi 55 triển khai quân. Bên kia bờ sông Yên chạy dưới chân núi Bồ Bồ, bọn Mỹ lết áp sát bờ sông. Du kích báo có một mũi quân từ ba-ra An Trạch-Lệ Trạch kéo lên. Sẵn sàng chiến đấu!

Đình Làng Diệm Sơn.
Đình Làng Diệm Sơn.

Đến vùng trắng, dù một chân tê liệt, thấy khỏe, Kháng cầm xách tiền, bò vọt lên bãi tranh. Bọn lính đuổi theo.

- Không được vô! Mìn dày đặc.

Trần Công Có kêu như lệnh!

Nghe rõ tiếng Trần Công Có, Kháng nằm ngửa thở.

Thằng gáo quần trên đầu. Tên Mỹ ôm súng mặt méo xẹo dòm xuống. Nằm trên xách tiền, theo Nguyễn Bá Tùng nói là 2 triệu đồng, Kháng bỗng ứa nước mắt. Không biết chi những việc gì trong số tiền 2 triệu này đây. Lúc Ngô Tấn Kháng chập chờn giữa thức và ngủ nghĩ về Nguyễn Bá Tùng, là lúc thằng tàu gáo phát hiện Hạnh chạy, đuổi theo quạt rẽ sóng nước con kênh, nện lựu đạn xuống sông Yên.

Sáu giờ sáng, địch xuất quân đến hơn 5 giờ chiều thì nghe tiếng dân làng kêu:  - Kháng ơi! Hạnh ơi!

Dân gọi tức là địch rút rồi. Kháng cầm xách tiền, cuốc xuống sông, ngoi lên mặt nước thở, lội vào bờ. Vừa đi khập khiễng, vừa chạy cà nhót, gọi: - Hạnh ơi! Hạnh ơi. Giọng Kháng khàn đặc vì nắng nóng, vì nước lạnh vì đói mệt. Kháng lại gọi to:

- Hạnh ơi! Hạnh.

- Em đây! Em đây.

Hạnh tin đúng là anh em mình, trồi lên, rúc ra khỏi lùm tre, lò mò cố bò lên bờ.

Nghe như tiếng khóc chỗ bụi tre nghiêng sà ra mặt sông, Kháng chạy đến. Trời ơi! Kháng gọi trời rồi nhảy ào xuống dòng nước ôm chầm Hạnh tha lên bờ sông. Hạnh bị say thuốc lựu đạn đừ ngắc, nằm im trên bờ đất cỏ để Kháng gỡ tóc rối bời trên đầu. Đâu còn mái tóc đen nhánh dài chấm lưng? Kháng lần gỡ tóc cháy sém, lông mày cũng cháy sém, mặt Hạnh tái nhợt. Hạnh gánh một két lựu đạn M26 mà không chết. Lạ. Có lẽ nhờ con mương nước thủy lợi, nhờ những cành tre, nhờ cỏ dại um tùm, và nhờ nước sông Yên, quê Hạnh!

- Tại răng em cột đầu tóc em lên cây ngái? Kháng nhìn tóc Hạnh rối bời, ứa nước mắt hỏi.

- Em không biết bơi, sợ chết trôi mất xác. Hạnh hé môi tím cười.

- Chết không sợ mà sợ mất cái xác chết!

Khi tỉnh người, nghe Nguyễn Bá Tùng hy sinh, Hạnh khóc như con khóc cha chết. Dù là đồng chí, song, Hạnh xem ông Nguyễn Bá Tùng như cha, như chú. Khi Nguyễn Bá Tùng làm Bí thư Khu 2 là Thủ trưởng của Ngô Thị Hạnh, của Nguyễn Văn Chi...

Hạnh nhớ, bấy giờ khó khăn ác liệt và cũng túng đói. Chạy lên núi đói, ăn tầm phục, môn dóc, thấy anh em ta nhổ cả gốc, ông la: hái lá ăn, chừa gốc lại, nhổ luôn gốc sau lấy chi ăn. Bữa mô ăn cơm mà không có chút rau thì ổng cười cười: Ăn cơm mà không có rau, như nhà giàu chết không có trống. Một hôm về làng thăm mẹ, mẹ làm cho Hạnh một lon lương khô bột ngũ cốc. Thấy Hạnh bưng lon lương khô ra mời, ổng nói,  bữa ni chú không phải Bá Tùng mà Tiến Tùng. Tiến Tùng (túng tiền) mà con Hạnh nó mang lương khô đãi thì tuyệt quá. Cả mấy tuần ăn gạo ướt và bắp thủm, nay ăn lương khô ngũ cốc có trộn sữa bột, tuyệt ngon. Hai ông ngồi xúc ăn một lúc thì trợn mắt ngã lăn ra la tức cái bụng. Hạnh sảng đớm, may có chút nghề y tá, Hạnh bảo hai ông cứ nằm yên, không được uống nước, uống nước nữa bột nở ra bể bụng. Sau này, mỗi lần thăm quê, gặp lại Hạnh, ông Nguyễn Văn Chi cứ nhắc lại lần ăn bột ngũ cốc ấy.

Tin ông Nguyễn Bá Tùng hy sinh lan nhanh cả Xóm Tây. Bà con chạy đến rất đông: ông Ba Đán, ông Sơn, ông Sáu Dận thợ mộc lo cưa ván ép, khép cái hòm cho ông nằm. Bà Hạc, bà Xuyến, bà Phụng, bà Mà, bà Ba Kình… người tìm vải, người xuống nỗng Lệ Sơn tìm cát trắng về liệm.  Nhà bà Phụng, nhà bà Mà là nơi ông Tùng thường ở lại.

Bà Trương Thị Mà là vợ của chủ tịch xã; bà Mậu, thường gọi bà Ba Kình, là nơi mà ổng về nhắn Nguyễn Bá Thanh lên thăm và chia tay cha đi ra miền Bắc…

Ông chết gần hàng chè tàu nhà xã Giản, gần mấy cây mù u to. Cây mù u mà anh em hay ra nằm hóng mát, có mấy bụi tre bị bom pháo tơi bời trước nhà bà Ba Kình bây giờ, gần nhà bà Bảy Đủ, sau nhà bà Mà. Anh em bảo vệ, du kích, cùng bà con chôn ông Nguyễn Bá Tùng bên đám đất gò đầy mồ mả, ngay trước ngõ nhà ông Sơn, ông Tạo. Dân làng mang hương đến thắp, lạy. Họ khóc. Bà con cứ tiếc, ông Tùng sống tốt với đồng chí, sống hiền với dân làng, sống không khoan nhượng với quân thù. Ông chết giữa đồng đất còn đầy vết bom đạn…

Hỏi lại chuyện “hồi xưa’’, đã 40 năm trôi qua rồi, nay đã ở tuổi 82, bà Hạc nói:

- Ảnh thường ở lại nhà tôi.

Bà chỉ cái giường cạnh bàn thờ, dưới chỗ này, ngày ấy có cái hầm chống pháo, nhưng, trong đó có một cửa rúc vô hầm bí mật. Khi chị Ba lên thì hai người ở lại đây. Hồi đó, chị Ba (Hoa vợ ông Tùng) bán thuốc lá dưới chợ khu dồn Lệ Trạch, anh Ba về bảo tôi xuống nhắn chỉ lên gặp. Lần đầu tôi xuống nhà ông già hỏi thăm chị Ba ở đâu. Tôi ra chợ Lệ Trạch, lại ngồi bên chị đưa tay choàng vai như hai chị em, nói ảnh về nhà tôi, ảnh nhắn chị lên chơi, rồi làm bộ thò tay vào bị áo chị: Có tiền cho em xin đồng. Miệng nói, mắt nhìn chị cười, tay thả lá thư cuốn lại bằng miếng trầu trong bị của chị. Rồi ôm vai nói cười, dặn khi đi thì phải bí mật.

Từ khu dồn Lệ Trạch có con đường xe lam chạy lên. Hẹn chị đi đến ngay ngõ nhà ông Thủ Thời có bến xe lam, xuống xe đi một khúc thì có tôi đón. Chị đẹp gái, cao, giòn giã. Dặn chị, ai hỏi thì nói “chị em bạn dì’’… Tui với chỉ thân lắm. Chỉ lên đây mấy lần gặp ảnh thì mới có thằng Bình. Hồi chỉ có mang, dân, lính dưới Lệ Trạch nói bà Hoa chửa hoang. Tội nghiệp, bả cắn răng làm thinh. Anh em mình nghe bọn địch nói vậy cũng bớt lo. Sợ hắn biết bà lên gặp ổng thì chết. Ông Tùng đã có Thanh. Đảng cho Nguyễn Bá Thanh ra miền Bắc để học và giữ cái mạng sau này về xây dựng lại quê hương. Sau nhiều gian nan, nhớ nhung, bà Hoa nghe được đi thăm chồng thì mừng cả đêm thao thức không ngủ. Giữa khu dồn, dân lành tốt bụng, nhưng, mật vụ, phượng hoàng giăng giăng nên mỗi lần rời khu dồn về làng là sợ đủ thứ, thăm được chồng, tiếp tế cho chồng và cuối cùng có thêm một con trai đặt tên Bình. Có được Thanh-Bình-điều ước mơ của ông của bà, nhưng bom đạn tơi bời băm nát làng quê của ông, hòa đàm Paris chưa có hồi kết, Nixon-Kissinger lật lọng, thì ông Nguyễn Bá Tùng hy sinh.

… Tôi về nơi gọi là Điện Sơn ngày ấy, đi từ Xóm 1 ra xóm Tây, cùng chị Ngô Thị Hạnh và anh Trần Văn Hạn, chiến sĩ từng bảo vệ cho ông Tùng, gặp lại một số những người từng trụ lại, công tác, chiến đấu bên chân núi Bồ Bồ, nhắc lại chuyện “hồi xưa’’, ai cũng buồn, vui, rịn nước mắt. Nhớ những chiến sĩ kiên gan đã ngã xuống. Nhớ những người dân chịu khổ chịu ác liệt nuôi giấu chở che cho cán bộ, bộ đội, du kích.

Chúng tôi dừng trước sân Đình làng Diệm Sơn uy nghi nhìn về núi Bồ Bồ. Chị Hạnh và anh Hạn cho biết, nhiều lần ông Nguyễn Bá Thanh, khi là Chủ tịch rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, về đất này thăm bà con, thăm những người đã cưu mang, bảo vệ cha mình, góp sức trùng tu Đình làng Diệm Sơn, ngôi đình từng là nơi các ông Nguyễn Bá Tùng, Nguyễn Văn Chi, Năm Dừa… về ở. Con đường chạy qua làng Diệm Sơn cũng đã được trải nhựa. Dân mừng lắm.

Nay, không còn tên xã Điện Sơn, nhiều người trong cuộc không còn. Song, về lại nơi đây sẽ nhớ về bao kỷ niệm và thêm hiểu bao điều!

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.