Chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng sinh viên năm 2013 (UD’s Got Talent 2013), do ĐH Đà Nẵng tổ chức sẽ diễn ra vào đêm 12-5, tại Nhà hát Trưng Vương. “Tài lẻ” của các bạn trẻ tưởng chỉ giỏi trong học tập hay nghiên cứu khoa học khiến những ai theo dõi chương trình phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
16 phần trình diễn lọt vào chung kết trong tổng số 82 tiết mục dự thi dự báo sẽ “đốt cháy” cảm xúc của khán giả. Tuy nhiên, khó thể đoán ai sẽ trở thành Tài năng sinh viên mùa đầu tiên này khi tất cả họ đều ngang tài, ngang sức.
Song Vũ thể hiện tài năng qua bài múa dân gian hiện đại. |
“Món” gì cũng chơi được
Thưởng thức những màn trình diễn ảo thuật, nhảy breakdance, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, beathbox… rất điệu nghệ của sinh viên ĐH Đà Nẵng, nhiều người đã thốt lên: Đúng là “món” gì sinh viên cũng chơi được!
Với sân khấu mở, tạm hiểu là có bất cứ tài năng nào, các bạn sinh viên cũng có thể “quăng” lên sân khấu để thỏa sức tung tẩy và chia sẻ năng khiếu nghệ thuật với mọi người, UD’s Got Talent 2013 thu hút đông đảo người tham gia. Là một trong hai tiết mục múa lọt vào vòng chung kết, nhóm Song Vũ (ĐH Kinh tế) khẳng định tài năng với bài múa dân gian hiện đại được dàn dựng trên nền nhạc dân tộc kết hợp nhiều động tác khó nhưng được trình diễn hết sức uyển chuyển, biểu cảm tốt. Phạm Nguyễn Đan Thanh, thành viên nhóm Song Vũ cho biết, chỉ trong ba ngày tập luyện, hai bạn đã “cho ra lò” bài trình diễn đó. “Tất cả vì đam mê và nhờ một chút kinh nghiệm từng tham gia văn nghệ đội nhóm từ suốt các năm học cấp hai đến nay mà chúng em mới có được sự tự tin như vậy”, Đan Thanh chia sẻ.
Vượt qua nhiều tiết mục cạnh tranh ở thể loại nhóm nhạc, Forty One đến từ Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch gây ấn tượng mạnh khi làm mới tác phẩm quen thuộc “Hát với chú ve con” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Trong khi đó, là hàng hiếm tại cuộc thi, tiết mục song tấu đàn tranh khá điêu luyện trên nền bài hát “Mưa trên phố Huế” của Trần Hoàng Tuấn và Nguyễn Hà Khánh Linh (Trường ĐH Ngoại ngữ) đem đến một không gian âm nhạc dân tộc lắng đọng. Chia sẻ với chúng tôi ngay sau khi kết thúc bài biểu diễn, Trần Hoàng Tuấn nói: “Em học đàn tranh được gần nửa năm nay. Nhiều người rất bất ngờ, thậm chí bảo em “khùng” khi là con trai lại học đàn tranh. Tuy nhiên, em nghĩ, học gì không quan trọng, miễn yêu thích và giúp mình sống tốt hơn. Tụi em xem việc tham gia vào cuộc thi như một thử thách và mong muốn đem lại cho các bạn trẻ cái nhìn khác về nhạc cụ dân tộc”.
Sân chơi hấp dẫn
Ngoài các tiết mục hát, múa, sân khấu của UD’s Got Talent 2013 còn bùng nổ với nhiều phần thi nhảy hiphop, breakdance, beathbox. Vượt qua hơn 10 đối thủ ở cùng thể loại, Nguyễn Tấn Sanh đến từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chứng minh tài năng của sinh viên là vô cùng đa dạng và cũng không hề thiếu tính chuyên nghiệp. “Em tập beathbox gần một năm. Ban đầu chỉ tò mò, sau tập thử vài lần thì mê luôn. Em học hỏi kinh nghiệm ở một vài đàn anh đi trước rồi tự tập, sáng tạo ra bài diễn của mình”, Sanh cho hay.
Trần Hoàng Tuấn và Nguyễn Hà Khánh Linh tự tin với màn song tấu đàn tranh. |
16 tiết mục lọt vào vòng chung kết là những màu sắc riêng biệt. Điều đó chứng tỏ sự dày công tập luyện, tự tin với đam mê cháy bỏng của các bạn sinh viên Đà Nẵng. Anh Nguyễn Đức Tiến, Bí thư Đoàn ĐH Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi mà ở đó sinh viên được cháy hết mình cho niềm đam mê nghệ thuật; đồng thời là cơ hội để Đoàn, Hội đến gần hơn với sinh viên”.
Với những người tranh tài lần này, có nhiều lý do để các bạn tham gia cuộc thi như muốn thể hiện tài năng, thử thách sự tự tin của bản thân khi đứng trước đám đông, giới thiệu nét văn hóa dân tộc (nhạc cụ, võ Vovinam), nhằm gửi gắm thông điệp sống khỏe, sống có đam mê và ước mơ đến với mọi người hay chỉ đơn thuần là ham vui. Song, dù với lý do gì thì vẫn có thể coi UD’s Got Talent 2013 là một không gian nghệ thuật hiếm hoi để sinh viên thể hiện tài năng, sự sáng tạo bất tận.
KHÁNH HÒA