Vẻ đẹp Sơn Trà

Về với núi Sơn Trà

.

Người mê chụp ảnh tại Sơn Trà đến nay có hàng chục, thậm chí hàng trăm. Ngoài niềm say mê với voọc Chà vá chân nâu, những khung hình giờ đã được tô điểm thêm bởi cây cỏ, chim muông và các loài hoa bốn mùa khoe sắc…

Có những hôm người chụp ảnh may mắn thấy voọc chà vá chân nâu nhẩn nha ngay trong tầm mắt.TRONG ẢNH: Hai tay máy đang “săn” cảnh đàn voọc chạy qua đường.  Ảnh: LÊ VĂN THỌ
Có những hôm người chụp ảnh may mắn thấy voọc chà vá chân nâu nhẩn nha ngay trong tầm mắt.TRONG ẢNH: Hai tay máy đang “săn” cảnh đàn voọc chạy qua đường. Ảnh: LÊ VĂN THỌ

1. Bán đảo Sơn Trà cuối tháng 5 chìm trong sắc lá non tơ. Tại cung đường dẫn lên Bãi Cát Vàng, tôi gặp Lê Văn Thọ (từng công tác tại Báo Thanh Niên, nay đã nghỉ hưu) cùng một nhóm bạn tay ôm máy chăm chú nhìn lên tán cây cổ thụ bên đường. Thỉnh thoảng, âm thanh cửa trập máy ảnh vang lên giòn giã rồi im bặt. Những lúc như thế này, tôi có cảm giác họ đang nín thở chờ khoảnh khắc voọc Chà vá chân nâu chuyền cành. Quay sang tôi, anh nháy mắt: “Tụi nó mới xuất hiện trên mấy nhánh đa nhưng xa quá. Chờ chúng xuống dưới xíu nữa thì tha hồ chụp”.

Nói anh Lê Văn Thọ ăn, ngủ với Sơn Trà quả thật không sai. Cùng chiếc xe máy cũ mèm, mỗi ngày anh rong ruổi lên núi “săn voọc”. Khi thì anh đi từ sáng sớm, lắm hôm là chiều muộn, bất kể mưa hay nắng. Người ta luôn thấy một Lê Văn Thọ hay cười, tay ôm máy ảnh, mắt ngó nghiêng lên tán cây rừng, dõi theo từng “dấu hiệu” từ đàn voọc trên núi Sơn Trà. Anh bảo có hôm chụp say sưa, về nhà “đổ ảnh” ra mới phát hiện mình vừa chụp được hình ảnh mẹ voọc sinh con trên cây sung, dây rốn còn đỏ hỏn, cảm giác hạnh phúc vô cùng. Mỗi ngày, trên Facebook cá nhân, Lê Văn Thọ đều đặn đăng tải hình ảnh anh chụp ở Sơn Trà, khi thì voọc, khi chim chóc, hoa rừng. Mỗi hình ảnh đều kèm theo những câu thơ “tự chế” hóm hỉnh, vui tươi liên quan tới chuyện chụp choẹt: “Chiều nay mấy nhiếp không lên/ Để tui ụp đã bắt quên đường về/ Chiều tà cảm thấy buồn ghê”, “Chiều nay mười mấy mống (người) rình/ Cuối cùng bỏ chạy chỉ còn mình tui/ Rình thì chấp nhận hên xui/ Hên thì trúng đậm, xui thì trật quơ”.

Một tháng có 30 ngày thì hơn 25 ngày chị Đặng Thu Thủy (từng công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, nay đã nghỉ hưu) có mặt ở Sơn Trà. Nhiều người nói đùa, chị Thủy mê voọc hơn mê chồng, chị nghe, cười... gật đầu cái rụp. Không mê không thể có chuyện ngày nào cũng đi. Có lần đi núi, do mải nhìn theo đàn voọc, chị trượt chân ngã phải bó bột nằm nhà mấy tháng trời. Chị bảo đó là khoảng thời gian buồn nhất, vì “rất nhớ tụi voọc, nhớ Sơn Trà mà không thể lên thăm được”.

Chị Đặng Thu Thủy gây ấn tượng với người khác bởi dáng vẻ phong trần, da ngăm, khuôn mặt mộc, tóc bạc, đầu đội mũ tai bèo, quần jean, áo khoác, vai đeo chiếc máy ảnh to đùng. Với phong cách này, chị Thủy đã rong ruổi trên các cung đường Sơn Trà hơn 5 năm qua. Chị thuộc từng cánh rừng, từng nếp sinh hoạt của voọc, đâu là con cái, con đực, biết mùa phối giống, sinh sản và những khu vực voọc thường hay lui tới. “Gia tài” ảnh voọc của chị Thủy giống thước phim quay chậm, sinh động và gần gũi. “Có lần tôi quan sát cảnh hai bố con nhà voọc vui chơi với nhau. Voọc bố đẩy con ra xa rồi ôm sát, chúng bắt rận, ôm hôn và giận dữ. Càng nhìn ngắm chúng tôi càng thấy thế giới của loài voọc thật sinh động và tình cảm, không khác chi con người”, chị Thủy chia sẻ.

2. Theo kinh nghiệm của người chuyên chụp ảnh voọc, muốn nhìn thấy chúng nên lên núi tầm 6-9 giờ sáng hoặc sau 16 giờ; còn ở những khung giờ khác, voọc thường di chuyển sâu vào rừng để kiếm ăn. Tuy nhiên, không phải cứ lên núi là thấy voọc. Có người đi năm lần bảy lượt không thấy nhưng có hôm “hên” gặp từng đàn voọc ngồi nhẩn nha ngay trong tầm mắt.

Nhà báo Lê Hải Sơn công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, một tay máy “săn” ảnh Sơn Trà từ năm 2013 nói rằng, chiếc ba lô đi núi của anh bao giờ cũng nặng từ 30-35kg, đó là sức nặng của máy ảnh và ống kính các loại. Muốn chụp hình động vật hoang dã, người cầm máy cần kiên nhẫn, nắm bắt các yếu tố kỹ thuật, tìm hiểu đặc tính loài vật. Đối với các “mẫu” ở xa hàng chục mét, người chụp cần có máy ảnh tiêu cự lớn, hiện đại, dễ dàng “bắn liên thanh” hàng chục tấm trong một thời điểm nhất định. Đó cũng là lý do khiến nhiều người vì mong muốn có được bức ảnh voọc ưng ý đã không ngần ngại đầu tư máy ảnh với ống kính tê-lê “khủng” có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Với nhiều tay máy, Sơn Trà quen thuộc, gần gũi trong từng nhịp thở. “Thôi về với núi Sơn Trà/Đánh đu với voọc, la cà với cây” là những câu thơ mà anh Hồ Trung Tú (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) dùng đề tựa cho vài bức hình tuyệt đẹp ở Sơn Trà trên trang Facebook cá nhân. Không ít lần, anh thốt lên với bạn bè gần xa: “Sơn Trà đẹp quá, phải không?”. Dõi theo hình ảnh anh Hồ Trung Tú lưu lại sau những chuyến vào rừng, dễ dàng nhận thấy trong mắt anh, Sơn Trà không chỉ có voọc Chà vá chân nâu, mà còn là xuyến chi trắng xinh, là hoa ngọn nến, thàn mát, sim, lim vàng hay những chú chim di cư như sẻ đồng ngực hồng, oanh Nhật Bản, chim hoét Nhật Bản… Trong đó, mỗi loài đều tạo nên sức hút riêng.

Đơn cử như chim oanh Nhật Bản (hay còn gọi oanh mặt đỏ) có tên tiếng Anh là Japanese Robin, một loài chim trong sách đỏ thế giới. Giới săn ảnh chim Việt Nam không mấy người chụp được nó. Cuối năm 2019, loài chim này bay về Sơn Trà tránh rét và rất dạn người nên nhiều anh chị em nhiếp ảnh chụp được chim ở cự ly gần, lên nét có thể đếm được những sợi lông màu vàng đồng rất đẹp.

3. Thật khó kể hết tên hàng chục “tay máy” xuất hiện ở Sơn Trà mỗi ngày, gần 1/3 trong số đó là nữ. Có người là dân nhiếp ảnh chuyên nghiệp, nhưng cũng có người là dân kinh doanh hay thợ xây, cán bộ hưu trí… Máy móc đủ loại, từ ống ngắn đến ống dài, Nikon, Canon có cả.

Ngay cả chuyện vì sao bỏ thời gian lên Sơn Trà hằng ngày chỉ để chụp voọc hoặc chim chóc, hoa rừng được họ lý giải dí dỏm rằng: Ánh nắng mỗi ngày mỗi khác, bông hoa hôm nay nhìn thế nhưng ngày mai đã khác rồi. Họ sẵn sàng ghi lại hình ảnh một con voọc từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành. Chờ mùa chim di cư về Sơn Trà để tìm lại con - chim - năm - cũ.

Từng cành cây, ngọn cỏ đều trở nên thân quen mà nếu không lên một ngày sẽ thấy nhớ. Chị Đặng Thu Thủy nói rằng, ngày nào chị cũng lên Sơn Trà, cũng đi qua đi lại đoạn đường quen thuộc đó mà tâm trạng vẫn cứ bồi hồi, xúc động. Hay anh Hồ Trung Tú, ngày đầu tiên trở về Đà Nẵng sau chuyến du lịch Mỹ cũng là ngày anh vác máy lên Sơn Trà để “chụp như chưa bao giờ được chụp”.

Từ những người xa lạ, Sơn Trà đã gắn kết những tay máy cùng sinh hoạt chung trong Fanpage “Hội ảnh voọc Sơn Trà”, là nơi chia sẻ mọi khung hình, mọi cảm xúc trong những lần lên núi; là nơi họ cùng nhau lên ý tưởng thực hiện tập sách ảnh Sơn Trà, hoặc hỗ trợ nhau tổ chức những cuộc triển lãm về voọc Chà vá chân nâu - biểu tượng của thành phố Đà Nẵng thời gian qua.

Không ít lần, chính những người cầm máy đã âm thầm thông báo với cơ quan chức năng về tình trạng săn bắn thú rừng, bẫy chim rừng, giải cứu những loài động vật bị thương, mắc bẫy hoặc “giải cứu” rừng Sơn Trà khỏi nguy cơ hỏa hoạn… Tay máy Bùi Thanh Lang nhớ lại, vào khoảng tháng 5-2019, khi anh cùng nhóm bạn đứng chụp đàn voọc cách miếu Cây Đa chừng 30m thì phát hiện khói nghi ngút dọc nơi sườn núi, có mùi cháy khét.

Mọi người chia nhau đi tìm và phát hiện lửa đang cháy vào lớp thực bì. “Khi tôi leo tảng đá phía trên miếu thì phát hiện tàn nhang trên miếu rơi xuống bén lửa cháy lớp thực bì, bên cạnh là một đống giấy vàng mã do người dân mang lên miếu cúng để lại. Cũng may ngọn lửa vừa bén và tôi kịp thời dập tắt nếu không hậu quả sẽ khó lường”, Bùi Thanh Lang chia sẻ.

Vài năm nay, vào thời điểm cuối năm, nhóm chụp ảnh Sơn Trà lại lặng lẽ sắm mâm lễ cúng tất niên tại miếu Cây Đa, như một lời cầu nguyện núi rừng luôn chở che, yêu thương và cho họ những bức hình tuyệt đẹp…

                         TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.