Nỗi buồn thời Covid-19

.

1. 9 giờ sáng, chị P.T.K.Quỳnh vẫn mướt mồ hôi chạy theo cậu con trai 3 tuổi biếng ăn, dỗ dành, ngọt ngào rồi la mắng. Đã 6 tháng nay, cậu con trai nghỉ học vì mẹ… thất nghiệp. “Ở nhà không thì cho con nghỉ để giữ nó chứ đi học làm gì. Đã không làm ra tiền mà còn…”, mẹ chồng chị nói như vậy. Câu nói “không làm ra tiền” đeo bám tâm trí Quỳnh nửa năm nay, từ khi Covid-19 xuất hiện.

Doanh nghiệp phỏng vấn trực tuyến người lao động tại một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Q.T
Doanh nghiệp phỏng vấn trực tuyến người lao động tại một phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: Q.T

Quỳnh (30 tuổi) là kế toán, trú đường Hải Phòng, quận Thanh Khê. Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), nhiều năm đi làm việc nhưng chưa bao giờ Quỳnh thấy bất lực như giai đoạn hiện tại. Từ khi xã hội trở về “trạng thái bình thường mới”, Quỳnh đã nộp 20 bộ hồ sơ xin việc. Cứ thấy công ty nào tuyển dụng khối văn phòng, bán lẻ thì Quỳnh nộp hồ sơ. Nộp rồi chờ đợi. Nhưng trong mấy tháng chỉ có 2 đơn vị gọi phỏng vấn, là công ty kinh doanh về bảo hiểm và bất động sản!

Trước khi thất nghiệp, Quỳnh có công việc ổn định với thu nhập 8 triệu đồng/tháng tại một nhà hàng chuyên phục vụ khách nước ngoài (đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Chồng Quỳnh là kỹ sư xây dựng, mức lương của hai vợ chồng đủ chi tiêu. Covid-19 ập đến khiến mọi thứ đảo lộn. Các công trình đều “đứng” khiến công việc của chồng chị bị ảnh hưởng không ít. “Từ một người ít quan tâm chuyện bếp núc, chi tiêu trong nhà, giờ chồng tôi bảo, mỗi ngày, em dùng 100.000 đồng cho việc chợ búa, không được dùng hơn. Con trai lớn cho nghỉ trường tư, học trường công, con trai nhỏ cho nghỉ luôn, khi nào em có việc làm thì cho đi học lại. Cả nhà siết chặt chi tiêu cho đến khi ổn định trở lại”, Quỳnh kể.

2. Anh L.N.Vĩnh (31 tuổi) là giám sát bộ phận buồng phòng, khách sạn Mandila Beach. Hơn 8 năm lăn lộn trong ngành du lịch, làm việc tại các khách sạn 4-5 sao với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, chưa bao giờ Vĩnh thấy ngành du lịch ảm đạm như hiện nay. Những tháng đầu năm 2020, mặc dù thị phần khách giảm do Covid-19 xuất hiện rải rác ở các nước châu Âu nhưng khách sạn Vĩnh làm việc vẫn “full” (kín) phòng. Sang tháng 3, anh đi làm 15 ngày/tháng và các tháng còn lại thì chỉ làm 10 ngày.

Vì ngày nghỉ nhiều hơn ngày làm việc nên 2 tháng nay Vĩnh tranh thủ làm thêm nghề shipper (giao hàng). Ban đầu, anh khá ngại khi phải bịt bùng khẩu trang, quần dài, áo dài, dang nắng dang mưa ngoài đường. Nói về dự định tương lai, Vĩnh nhìn xa xăm: “Nếu du lịch chưa phục hồi, có lẽ gia đình tôi sẽ chuyển về quê (tỉnh Quảng Nam - PV). Tôi có thể xin làm công nhân hay buôn bán, kinh doanh gì đó. Dù sao thì giá cả ở quê vẫn dễ thở hơn ở thành phố”.

3. Chị L.T. Ái Trinh (31 tuổi), nhân viên kinh doanh tại một công ty du lịch chuyên thị trường khách Hàn Quốc. Từ tháng 2-2020, khi đại dịch bùng phát, công ty hủy hàng loạt đơn đặt phòng cũng như các chương trình tour, đóng cửa đến tháng 5. Từ khi ra trường đến nay, Trinh chủ yếu làm việc trong ngành du lịch và dịch vụ, khách sạn. Thu nhập chỉ còn 1/3, trong khi cậu con trai quay lại trường học thì các khoản chi phí hằng tháng vẫn phải trang trải. “Tôi dành hết khoản thu nhập cho việc đóng học phí và ăn uống sinh hoạt của con trai. Các khoản chi phí cho quần áo, đồ chơi, các hoạt động giải trí ngoài trường… hầu như phải cắt hẳn hoặc chi tiêu rất chừng mực. Tôi muốn có thu nhập ổn định như trước kia để chăm lo phát triển toàn diện cho con”, Trinh bày tỏ.

Hoạt động du lịch trong nước vừa mở cửa lại từ đầu tháng 6, thì nay, tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn biến hết sức phức tạp, mọi hoạt động của ngành này một lần nữa tạm ngừng. Trong những ngày không có ca nhiễm trong cộng động, chị Trinh tìm kiếm cơ hội ở một vài khách sạn, nhưng nhân sự ngành dịch vụ - khách sạn thất nghiệp rất nhiều, kể cả nhân sự có chất lượng - những người có kinh nghiệm lâu năm, nên sự cạnh tranh cho các vị trí công việc trở nên khốc liệt. Trong khi đó, mức lương đãi ngộ hầu như đều giảm một nửa so với mức chi trả bình thường cho một vị trí như trước kia.

4. Theo thống kê của Cục Thống kê Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm ở hầu hết các ngành, trung bình giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Khối ngành du lịch - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh. Điều này đã làm suy giảm động lực phát triển chung của toàn nền kinh tế. Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 trong 6 tháng qua đang có xu hướng tăng trưởng âm, quy mô giá trị tăng thêm của cả khu vực thu hẹp hơn 758 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Suy giảm kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động tại Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, không riêng gì Đà Nẵng mà tình hình việc làm khá ảm đạm trên cả nước. Trước lúc thực hiện giãn cách xã hội lần hai theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp còn khó khăn nên chưa tuyển dụng nhiều (nhất là mảng nhà hàng, khách sạn, lữ hành…). Tuy nhiên, tại mỗi phiên giao dịch tại trung tâm thường có khoảng 70-90 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 30-40 doanh nghiệp tổ chức phỏng vấn trực tiếp. Dù vậy, số lượng ứng viên chưa đủ cung cấp cho họ. “Việc này rất mâu thuẫn (tình hình thất nghiệp nhiều nhưng lao động chưa chịu đi làm?). Cái này người ta gọi là… tự thất nghiệp, bởi một số lao động trẻ muốn làm việc tự do, không chịu gò bó vào một công ty, bản thân không trang bị kỹ năng cần và chuyên môn thì chưa vững nhưng lại muốn chọn nơi lương cao việc nhẹ… Nếu không chọn được thì họ ở nhà bán hàng qua mạng, chạy Grab…”, ông Diệp nói.

Cũng theo ông Diệp, quan trọng là người lao động phải tự trang bị các kỹ năng cần cho công việc, ngoài chuyên môn vững còn phải có thái độ tốt (thái độ của người lao động đối với công việc được giao, thái độ đối với công ty, thái độ đối với đồng nghiệp - PV). “Người ta trước đây nói về lao động có năng lực thì thường nói đến tiêu chí 3K gồm: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhưng các nhà tuyển dụng nay thay đổi thành kiến thức, kỹ năng, thái độ”, ông Diệp cho biết.

Từ đầu năm đến trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội lần hai, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tổ chức 14 phiên giao dịch định kỳ, trong đó có 2 phiên di động tại quận Thanh Khê và Thành Đoàn Đà Nẵng. Số phiên giao dịch giảm so với những năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký tham gia các phiên giao dịch việc làm: 383 doanh nghiệp với 8.454 vị trí việc làm; trong đó, ngành Nông - lâm ngư nghiệp: 248 vị trí, Công nghiệp - Xây dựng: 4.243 vị trí, Thương mại - Dịch vụ: 3.963 vị trí. Nghề cần số lượng lao động lớn nhất là dệt may: 1.817 vị trí; bán hàng và tiếp thị: 1.640; cơ khí tự động hóa: 600; lao động phổ thông: 1.733. Trung tâm đã giới thiệu, kết nối 3.939 lao động tìm được việc làm.

(Nguồn: Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng)

Khi hết thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng sẽ phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến (ít nhất mỗi quý 1 phiên). Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, các quận, huyện mở nhiều phiên giao dịch di động để người lao động có nhiều lựa chọn, đặc biệt là lao động của các tỉnh, thành lân cận muốn làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng”

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng.

QUỲNH TRANG
 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích