NIỀM TIN VÀ KỲ VỌNG

Hòa Vang và những mùa quả ngọt

.

Hòa Vang lâu nay là chốn quê thanh bình cho người đô thị tìm về những khi mỏi mệt. Ai từng đến đây chắc chắn sẽ thấy Hòa Vang mỗi ngày mỗi khác. Sự “thay da đổi thịt” không chỉ hiện rõ trên những con đường thoáng rộng, trên ngôi nhà ngói mới, tấm áo thẳng thớm, sạch thơm và trên cả mâm cơm ngọt lành, tươm tất.

Người dân xã Hòa Châu chăm sóc vùng rau sạch mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.  Ảnh: DIỆP TRẦN NGUYỄN
Người dân xã Hòa Châu chăm sóc vùng rau sạch mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Ảnh: DIỆP TRẦN NGUYỄN

1. Sau 10 năm miệt mài với nghề nuôi chim cút, nay thu nhập mỗi tháng của gia đình ông Nguyễn Văn Tường (thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước) tròm trèm 15-18 triệu đồng.

Ông kể, những ngày đầu tập tành nuôi chim cút, ông chỉ dám đầu tư 2.000 con chim giống, cân đo đong đếm từng lượng thức ăn, đèn sưởi ấm chim non cũng đắn đo không biết nên mua loại nào cho phù hợp với thời tiết miền Trung.

Theo thời gian, trứng chim cút mang lại nguồn thu ổn định, ông mạnh dạn đầu tư lên gần 10.000 con, mỗi tháng xuất khoảng 600.000 - 700.000 trứng. Với giá thương phẩm từ 35.000 - 37.000 đồng/100 trứng đã mang lại cho ông nguồn thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của người dân trong khu vực.

Ngôi nhà mái ngói khang trang của ông Tường nằm trên con đường bê-tông rộng thoáng giữa thôn Trà Kiểm. Ở tuổi trung niên, cuộc sống của ông Tường vẫn chưa thôi tất bật, vẫn thức khuya dậy sớm lo cho đàn chim và dành thời gian gom trứng giao cho khách hàng.

Nhưng như ông nói, cực khổ xíu cũng được, miễn là có ít tiền nhàn rỗi trong nhà, nhỡ lúc đau ốm bệnh tật hoặc giỗ chạp đám quẫy cũng không phiền đến bà con, hàng xóm.

Nhiều thế hệ lãnh đạo xã Hòa Phước trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đau đáu nghĩ đến việc phải làm sao nâng cao chất lượng đời sống người dân. Những mô hình sản xuất hình thành, ngoài việc nuôi chim cút thu hút hơn 70 hộ tham gia, Hòa Phước còn gầy dựng lại vùng trồng hoa Nhơn Thọ, nghề thủ công từ tre…

Những năm gần đây, Hòa Phước từ xã thuần nông đã nghiêng về sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cung cấp nông sản sạch cho thị trường.

Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước nói, tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của người dân Hòa Phước khoảng 54 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần so với năm 2015. Trong đó, một số thôn như Trà Kiểm, Tân Hạnh, mức thu nhập bình quân của người dân ước đạt 60 triệu đồng/năm, cao hơn 10% so với mặt bằng chung toàn xã.

Hòa Phước cũng là xã đầu tiên của huyện Hòa Vang thành lập Hội Doanh nghiệp xã với trên 60 doanh nghiệp tham gia. Cũng theo ông Bình, hiện nay xã có 274 hecta lúa gieo 2 vụ, năng suất bình quân khoảng 64 tạ/hecta, trong đó các cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ tại Giáng Nam, Trà Kiểm, Tân Hạnh đạt hơn 65,5 tạ/hecta.

Một vườn hoa tại Hợp tác xã hoa, cây cảnh Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN SƠN
Một vườn hoa tại Hợp tác xã hoa, cây cảnh Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN SƠN

2. “Có rất nhiều lý do để người dân Hòa Vang mong chờ NTM gặt hái nhiều quả ngọt”, anh Đặng Công Chiến, một người dân Hòa Vang, có hơn 20 năm công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình Hòa Vang chia sẻ. Quả ngọt mà anh Chiến nói không chỉ hiện lên bằng cơ sở hạ tầng, nhà mới có tường rào cổng ngõ mà còn ẩn hiện trong từng nết nghĩ, nết làm, người dân không còn quá cơ cực theo kiểu “con trâu đi trước cái cày theo sau” hay “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.

Từng đó năm bám địa bàn, ghi nhận cuộc sống người dân, những người như anh Chiến có thể thấy rõ người Hòa Vang được gì trong quá trình xây dựng NTM. Hỏi, trước và sau xây dựng NTM, anh thấy địa phương nào ở Hòa Vang thật sự “thay da đổi thịt”?. Không mất một giây suy nghĩ, anh trả lời ngay: Đó là Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Phú - những nơi đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, đời sống kinh tế của người dân tăng lên khá rõ.

Mang chia sẻ này nói lại với chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, chị cười, cho hay cái thuận lợi của địa phương là đa số người dân đều hưởng ứng, đồng tình ủng hộ chủ trương xây dựng NTM. Trong vòng 5 năm, ngoài cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, công viên mini, hệ thống thủy lợi, bảo vệ môi trường…, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Hòa Phú khá nổi bật, tăng bình quân hằng năm 14,2%. Các mô hình trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi kết hợp phát triển kinh tế rừng trở thành nguồn thu nhập chính của người dân xã này.

Chuyện người dân Hòa Phú tập tành chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp sạch cũng rất thức thời. Như hộ ông Trương Ngọc Sơn mới đầu chỉ có ý định cải tạo lại khu vườn cho phù hợp với tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Sau được chính quyền xã động viên, huyện hỗ trợ đã quyết định đầu tư thêm 2 tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hay như ông Lê Cổ (thôn An Châu) quyết tâm phát triển kinh tế rừng với diện tích rộng hơn 50 hecta. Chị Lý nói chính quyền đã chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó có nhiều hạng mục dân sinh như công trình nhà vệ sinh, mạng internet, sóng điện thoại, kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nhiều tuyến đường vào núi được đầu tư tạo điều kiện cho người nông dân mang xe cơ giới vào tận rừng sản xuất, tạo nên những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hướng phấn đấu của bà con nông dân.

Ông Lê Cổ chia sẻ, NTM đã kéo gần khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị. Cuộc sống thay đổi theo hướng tích cực, niềm tin của con người vào chính quyền cũng nhiều thêm. “Những năm gần đây, người dân đã không còn đơn độc trong các định hướng phát triển kinh tế, từ nuôi con bò, con trâu đến trồng keo, gầy rừng đều được cán bộ xã, huyện tận tình hướng dẫn, kết nối đầu ra”, ông Cổ nói.

3. Có thể nói, chuyện xây dựng NTM không còn xa lạ đối với người dân Hòa Vang và có lẽ niềm vui lớn nhất của họ là có nguồn thu nhập nhàn rỗi dùng để tái đầu tư hoặc chi trả cho những khoản sinh hoạt phát sinh. Một trong những kết quả nổi bật của quá trình xây dựng NTM ở Hòa Vang là đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, tập trung nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, có thể kể đến hơn 200 hecta chuyên trồng lúa hữu cơ tại các xã Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Phước, Hòa Tiến, hay hàng trăm hecta trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao nằm rải rác ở các xã Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Phú, giúp suy nghĩ, cách tiếp cận về nông nghiệp nông thôn của người dân hoàn toàn thay đổi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban phân tích, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của Chính phủ đã góp phần tạo nên nguồn thu nhập ổn định cho người dân nông thôn thông qua các dự án, chương trình phát triển kinh tế bền vững theo hướng chuyên canh, liên kết vùng. Đồng thời, các mô hình sản xuất, kinh doanh đều hướng đến mục tiêu tạo lợi nhuận cao nhất cho người dân, từ đó lôi cuốn họ tham gia phong trào thi đua, sản xuất, tái cơ cấu nền nông nghiệp chất lượng cao.

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tập trung đầu tư phát triển những vùng, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế để nâng cao mức sống cho người dân là một trong những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ huyện Hòa Vang đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy cho biết, Hòa Vang sẽ tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong đó, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh sản xuất tập trung chuyên canh, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, huyện gắn sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ thông qua các danh mục, dự án thành phố ban hành và hình thành thêm 2-3 nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng ít nhất mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt chất lượng 3 sao trở lên.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.