Góc khuất mát dịu trong Chuyện đời Sương

.

Tiểu thuyết Chuyện đời Sương của nữ nhà văn Hàn Quốc Suh Song Nan mô tả sinh động về cuộc sống của cô dâu Việt nơi xứ người. Ở đó có những biến động bất ngờ, có những bất hạnh nằm ngoài dự liệu. Thế nhưng, người đọc vẫn tìm thấy những thông điệp giá trị về tình người như những góc khuất mát dịu.  

Ảnh: D.T
Ảnh: D.T

Chuyện đời Sương (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020) kể về hành trình đi tìm hạnh phúc của Nguyễn Thị Sương - cô gái trẻ làm nghề chèo đò ở một làng quê nghèo ven sông Cửu Long. Cô sống cùng ông bà nội trong một ngôi nhà được lợp bằng những lá dừa. Khác với mong muốn an phận của những người già, cô không chấp nhận sống một cuộc đời bình lặng bằng cách kết hôn với anh láng giềng tên Quốc, cũng nghèo, rồi trôi qua ngày tháng. Cô vui sướng và khấp khởi hy vọng vì lấy được chồng Hàn Quốc. Khi máy bay từ từ hạ cánh cũng là lúc cô bắt đầu một chương mới của cuộc đời.

Khác với những thành phố sầm uất ken dày bởi những ngôi nhà cao tầng từng được thấy qua tivi, nơi cô đặt chân đến là một làng quê hẻo lánh và lạnh giá trên núi cao, nơi chỉ có khoảng trên dưới chục hộ gia đình toàn người già sinh sống. Những cặp mắt dân làng không ngừng quan sát, dò xét cô gái ngoại quốc. Cuộc sống của một cô gái nghèo ở môi trường bất đồng ngôn ngữ chẳng dễ dàng. 

 
Chuyện đời Sương mang thông điệp về cái đẹp, về sự thấu cảm, sẻ chia giữa những con người không cùng hoàn cảnh

Sương buồn bã vì cái nghèo nối tiếp cái nghèo. Cô vỡ mộng vì người chồng cục mịch già hơn mình đến 20 tuổi. Cô còn chịu đựng rất nhiều nỗi sợ hãi khi ngày ngày bị mẹ chồng chì chiết và bạo hành vì chứng hiếm muộn. Thế nhưng, khi tất cả những bi kịch xếp tầng dựng lớp lên nhau như muốn dìm cô xuống đáy của vực sâu bất hạnh thì Sương mạnh mẽ bám rễ, tiếp tục giữ nét rạng ngời. Cô nhạy bén học ngoại ngữ, chịu khó tìm hiểu cách đứng bếp và nấu những món ăn Hàn Quốc với tinh thần cầu tiến nhất. Ngoài ra, cô còn là người làm đồng, làm công rất tháo vát.

Không biết tác giả Suh Song Nan có ngụ ý gì không khi chọn đặt tên cho nhân vật của mình là Sương, nhưng quả thật cô gái ấy, nàng dâu ấy cứ lặng lẽ như sương, dịu dàng như sương, ẩn hiện khắp nơi như sương… Cô đến đâu  dường như xuất hiện làn hơi ẩm mát dịu đến đó . Cô khiến mọi người xung quanh đều cảm thấy tĩnh tại và bình an.

Chuyện đời Sương nhưng không hoàn toàn kể về Sương, Sương cũng chẳng mấy khi tự bộc bạch về mình. Con người cô, tính cách của cô chỉ được hiển lộ thông qua những lời kể, những dòng hồi tưởng của những người sống xung quanh: người chồng Kim Jong Tae, anh hàng xóm câm Dong Joo, bà lão Park, vợ chồng nhà văn Jang và Lee Ryeong sống trong ngôi nhà trắng. Và, mỗi khi ai đó quay ống kính của mình về phía Sương, zoom cận vào để bắt lấy những khoảnh khắc tương tác giữa cô với môi trường sống thì cũng chính là lúc họ đang soi chiếu tâm tính của chính mình thông qua việc thể hiện thái độ với một cô gái ngoại quốc có tâm hồn trong trẻo.

Bà lão Park đã bỏ qua nỗi nghi ngờ của dân làng để lần lượt che chở cho Sương trong những đêm tối trời cô bị mẹ chồng đuổi đánh. Anh chàng câm Dong Joo cũng có cách đặc biệt để bảo vệ cô. Và cả đôi vợ chồng nhà văn Jang không đối đãi với Sương như một người làm công đơn thuần. Suh Song Nan đã chứng minh rằng, ngôn ngữ không hề là phương tiện duy nhất để bật mở cánh cửa tâm hồn giữa những con người xa lạ. Sương không đối thoại nhưng cô không hề cô đơn.

Chuyện đời Sương là tiểu thuyết bestseller (bán chạy nhất) tại Hàn Quốc, đoạt giải Văn học Sechong 2017 - giải Tác phẩm xuất sắc nhất thành phố Busan, có lẽ không chỉ nhờ nội dung hấp dẫn mà còn nhờ thông điệp giá trị mà nó hướng tới, đó là cái đẹp, đó là sự thấu cảm, sẻ chia giữa những con người không cùng hoàn cảnh. Và sự thấu cảm đôi khi cũng thầm kín như sương, không hiện hữu rõ ràng ở bất kỳ đâu nhưng lại dịu dàng có mặt khắp nơi bằng những làn hơi mong manh và mát dịu.

DIỆU THÔNG 

;
;
.
.
.
.
.