Thêm hy vọng với vắc-xin Covid-19 "made in Vietnam"

.

Chỉ còn ít ngày nữa Việt Nam chính thức thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 lâm sàng trên người. Đây là sản phẩm vắc-xin đầu tiên của Việt Nam được Công ty CP Công nghệ dược Nanogen Thành phố Hồ Chí Minh (Công ty Nanogen) nghiên cứu, sản xuất. Thành công này là bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19.

Đến nay, vắc-xin của Nanogen bước đầu được cơ quan chuyên môn đánh giá có thể an toàn, có thể có tính sinh miễn dịch sau sản sinh kháng thể trước khi tiến hành bước thử nghiệm tiền lâm sàng (thử nghiệm trên người). Điều đặc biệt mà cơ quan quản lý và các nhà khoa học đánh giá cao đối với vắc-xin Covid-19 được thử nghiệm trên người là công nghệ sản xuất vắc-xin này dựa trên protein tái tổ hợp, sau đó can thiệp vào bộ gen để sản sinh ra kháng thể, khác hoàn toàn với việc dùng kháng thể (tức dùng virus bất hoạt hoặc virus sống). Do đó, đây là vắc-xin rất an toàn.

Vắc-xin ngừa Covid-19 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Reuters
Vắc-xin ngừa Covid-19 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Reuters

Theo quy trình thông thường, để cho ra đời một loại vắc-xin mới, đơn vị sản xuất bắt buộc phải trải qua rất nhiều giai đoạn, mất 7-12 năm. Trong trường hợp đại dịch và khẩn cấp, thời gian được rút ngắn xuống còn khoảng 12-14 tháng nhưng các đánh giá về chuyên môn, kỹ thuật để bảo đảm độ an toàn thì không được phép rút gọn. Điều này cho thấy dù tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là một công cụ quan trọng để giúp ngăn chặn đại dịch nhưng vẫn phải cẩn thận trong các thử nghiệm lâm sàng.

Dự kiến ngày 17-12, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiêm mũi thử nghiệm đầu tiên; giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18-50 tuổi tham gia, được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm (mỗi nhóm 20 người) với 3 liều dùng khác (25mcg, 50mcg và 75mcg). Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Giai đoạn 2 dự kiến vào tháng 3-2021, nghiên cứu trên số lượng rộng hơn (tối thiểu 400 người) để tiếp tục đánh giá độ an toàn và tính sinh miễn dịch. Trên cơ sở kết quả giai đoạn 2 sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với khoảng 10.000 người hoặc vài chục ngàn người.

Với quy trình nghiên cứu thần tốc, dự án vắc-xin “made in Vietnam” ngừa Covid-19 đang có triển vọng “về đích” sớm. Khi đánh giá về năng lực sản xuất vắc-xin của Việt Nam, một lãnh đạo Bộ Y tế tự hào chia sẻ: “Việt Nam có kinh nghiệm trong sản xuất vắc-xin. Chúng ta phải tự tin vào điều này”.
Việt Nam có truyền thống đáng tự hào trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Nước ta đã tự sản xuất được 12 trong 14 loại vắc-xin phòng bệnh lao, sởi, Rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-Rubella... của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Bên cạnh đó, Hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin quốc gia (NRA) của Việt Nam cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu vắc-xin trong nước. Như vậy, với việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19, trong đó có việc thử nghiệm vắc-xin trên người không phải là điều ngạc nhiên, mà theo chuyên gia Bộ Y tế, đó chính là năng lực của Việt Nam.

Đến nay, trên thế giới đã có 51 đơn vị sản xuất vắc-xin Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng và một số nước bắt đầu đưa vào tiêm chủng. Việt Nam là quốc gia thứ 52 ghi tên vào danh sách này. Theo lộ trình, đầu năm 2022, Việt Nam mới có vắc-xin Covid-19. Thành công này sẽ góp phần quan trọng thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: vừa chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Tại thời điểm này, cả thế giới vẫn đang căng mình chống dịch. Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại khi số ca nhiễm và tử vong vẫn không ngừng gia tăng. Các chuyên gia y tế đều khẳng định khi chưa nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin Covid-19, việc chống dịch sẽ còn nhiều nan giải. Do đó, sản xuất vắc- xin là ưu tiên của các quốc gia với hy vọng ngăn chặn được dịch bệnh, đưa nhân loại quay trở lại cuộc sống bình thường.

Việt Nam đã xuất sắc khi trở thành một điểm sáng của thế giới về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng những thắng lợi tiếp theo, trong đó có vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam”.

DIỆU THU

;
;
.
.
.
.
.
Xưởng in thẻ nhựa Hoàng Gia