Bà ấy, chân to nhiều gân xanh, xem phim hay ngủ quên. Bà ấy, không biết cách đọc tin nhắn các con gửi về.
Có lần bà gọi điện, nói ở nhà trời mưa to, ngập sân rồi. Tôi bảo, tại nhà mình ở chỗ trũng, nước dồn hết vào đó. Bà ậm ừ, nói chuẩn bị đi nấu cơm đây, trưa ăn cháo nên chiều đói sớm. Tôi lại bảo, mẹ ăn cháo cho đẹp da xinh gái phải không. Bà hỏi lại cái gì, rồi cười ồ ồ lên.
Bà bị lãng tai, mỗi khi nói chuyện điện thoại phải bật loa ngoài, cả hai bên đều nói rất to, thành thử người ở xa điện về, có chuyện gì cả xóm cũng đều biết hết.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Bà tuổi con gà, cả đời chăm chỉ làm lụng kiếm ăn, kẹp 4 đứa con vào hai bên cánh mà chăn dắt lo toan suốt đời, ngay cả khi có đứa đã yên bề gia thất. Trừ đứa cháu lớn ra, ít khi bà cưng nựng các cháu vì trong lòng bà còn quá nhiều chuyện phải nghĩ, mà phần lớn toàn chuyện khó, chuyện buồn. Nhưng chỉ cần nghe đứa cháu nào bị ngã, bị đau là bà mất ngủ đêm ấy, rồi trách mắng bố mẹ chúng không trông nom cẩn thận. Tôi hiểu, cái thương của bà luôn nằm tận sâu bên trong, có vui cũng vui kín đáo trong lòng, không muốn bộc lộ ra ngoài. Tính cách bà như vậy.
Nhiều lần bà kể, trong 4 đứa con, bà đẻ đứa thứ ba khó khăn nhất. Hai đứa đầu lăn lộn mấy vòng, đứa út một hơi rặn là xong nhưng riêng đứa thứ ba phải quằn quại, hết vật vã trên giường lại tụt xuống đất, cô y tá phải dùng hết thủ thuật đỡ đẻ rồi nó mới ra. Sinh nó, lại vẫn là con gái, bố mẹ tôi bị áp lực với bà nội vô cùng vì bố tôi là con trai trưởng họ, nhất thiết phải sinh được con trai nối dõi. Thất vọng, cho nên sinh năm trước mà năm sau bố tôi mới đi làm giấy khai sinh cho nó. Bà bảo, con bé này lớn lên cuộc đời sẽ thăng trầm vất vả, tính cách ương bướng, khó bảo nhưng giỏi chịu đựng. Con bé ấy là tôi.
Hồi tôi học mẫu giáo trường làng, bà hay mua quà cho tôi, hôm thì bánh bao, hôm thì bỏng gạo, hôm thì bánh rán... Với trẻ con nhà quê, được ăn bánh rán hồi ấy là cả niềm ao ước. Cứ vào giờ ra chơi thứ nhất, tôi hay đứng vịn tay ở bờ thành để ngóng bà về. Con mắt cố rướn ra xa, từ mấy cái bóng nón nhấp nhô chỗ trạm y tế xã rồi lớn dần lớn dần, đến đoạn nhà ông Đãi thì tôi nhận ra bà. Trên vai bà là đôi quang gánh đã bán sạch rau muống, ở dưới chiếc sàng là một món nào đó cho bữa trưa của cả nhà và một chiếc bánh rán đường cho tôi. Bà luôn chiều chuộng tôi. Có hôm đi chợ về không thấy tôi đứng ngóng ở bờ thành, bà lại nhờ một đứa gọi tôi ra, chỉ để vuốt mái tóc ướt nhẹp mồ hôi và cho ăn bánh.
Nhiều năm sau đó, tôi vẫn được bà mua bánh cho ăn sáng, để ở đầu giường nơi tôi ngủ. Ngay cả khi tôi đã 30 tuổi, bà vẫn nghĩ tôi là con bé còn học mẫu giáo ngày nào. So với các chị em, tôi và bà không thường nói chuyện. Nếu có nói, một người ngồi ngoài hiên, một người ngồi trong buồng nói vọng ra nhưng tôi vẫn nhận biết gương mặt bà đang đổi sắc thế nào. Tôi không nói với bà nhiều mỗi khi hai mẹ con ở gần nhau nhưng mỗi khi nghĩ đến đều chảy nước mắt.
Bà là người duy nhất trên cuộc đời này khiến tôi vừa thấp thỏm lo âu nhưng lại bình yên tuyệt đối khi nghĩ đến.
Thời niên thiếu, tôi chăn trâu trên bờ nhìn bà cấy dưới ruộng. Bà hay kể cho tôi nghe chuyện thửa ruộng này thuộc về nhà tôi từ bao giờ, rồi cả chuyện chị hai tôi khi mới biết cấy, nghe tiếng bác dâu tôi cười từ đằng xa mà cười ngặt nghẽo theo, đến nỗi tay cầm nắm mạ dúi dụi xuống ruộng vì cười đau bụng quá không cấy được. Đến trưa, chị cả tôi mang cơm ra, bà nghỉ tay lên bờ. Lúc ấy, tôi mới nhìn rõ đôi bắp chân của bà, rất trắng và nổi rõ những đường gân xanh chằng chịt. Đôi chân ấy đã từng lội bùn cấy một mình hai mẫu ruộng suốt mùa. Bà bảo giống chân bà ngoại.
Rồi tôi cũng được bà tập cấy cho. Khi ấy mới thấy cấy được thành hàng cũng khó chứ không phải đùa. Tuổi thiếu niên, tôi biết làm tất cả công việc của nhà nông từ cấy gặt, nhổ mạ, phơi thóc đến chăn trâu cắt cỏ. Những đêm trăng sáng, tôi theo bố đi đánh cá. Bố tôi là một tay săn cá có tiếng trong làng. Mẹ tôi vẫn thầm tự hào vì điều đó. Bà phân loại giỏ cá của chồng, mang ra chợ bán một lúc là hết veo. Tôi thích ruộng đồng. Nơi ấy chứa đựng những ngày khó khăn nhưng hạnh phúc của bố mẹ tôi. Sau này dẫu có đi thật xa cánh đồng ấy, tôi vẫn nghĩ cơ thể mình thuộc về ruộng đồng bùn đất.
Đó là một cánh đồng xa ngút ngát. Thả trâu ở đó, chúng tôi thỏa thuê đi tắm sông, mò cua bắt cá mang lên bờ nướng. Đồng ruộng bây giờ khác rồi. Bê-tông, đô thị hóa. Máy móc phục vụ nông nghiệp cũng hiện đại quá rồi, không thủ công như ngày xưa. Thôn trang dần dần xa ngái.
Áng là địa điểm bà gặp chồng mình - bố của chúng tôi. Hai người nên duyên vợ chồng sau khi đi làm thủy lợi ở Áng cùng đội thanh niên của làng. Mấy chị em chúng tôi ít khi được nghe tường tận chuyện yêu đương, cưới hỏi của bố mẹ. Bà thường bảo, ngày ấy suy nghĩ đơn giản, không phức tạp như bây giờ, cảm thấy quý mến thì nên vợ nên chồng. Lấy nhau rồi thì suy nghĩ xem làm ăn kiểu gì để con cái không bị đói. Bà không ngại việc gì. Vào vụ thì cấy gặt, đập lúa. Hết vụ thì trồng rau bán. Lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Bố tôi lực điền, ngày làm đêm làm, hết bốc đá, nhổ mạ, cày ruộng đến đánh cá. Việc gì cũng thạo. Thi thoảng có nhắc chuyện với con cái, bà vẫn kể những ngày bố tôi đi bộ mấy cây số lên chợ thị trấn mua đồ ăn về chăm vợ đẻ. Dù đẻ hoài vẫn chỉ là con gái nhưng ông chưa bao giờ hắt hủi hay cục súc với bà. Bởi vậy, dẫu sau này bố tôi có trái tính trái nết, bà vẫn một mực thủy chung tận khổ bên cạnh ông.
Mùa xuân năm Canh Thìn, bố tôi mất. Chị cả vừa lấy chồng, chị hai ở xa. Tôi và em út tuổi còn thiếu niên. Bà thất thểu như một cái cây sau bão. Sau tang sự của bố tôi, đêm nào bà cũng khóc. Có một sáng sớm, khi tôi tỉnh dậy thấy bà vừa nấu cám, vừa khóc dấm dứt. Cái bóng người nhỏ thó bên cạnh nồi cám to vật vã, xung quanh toàn rơm rạ, không có chỗ nào để bấu vịn. Ánh lửa phát ra từ rơm rạ sáng chói thế mà lòng tôi nặng trĩu tối tăm. Tôi lờ mờ nhận ra nỗi mất mát quá lớn trong lòng bà, và sự hụt hẫng trơ trọi trong những ngày sắp tới. Tôi thương bà, nhưng chẳng thể chạy lại ôm bà được. Dường như có một luồng điện nào đó ngăn tôi lại, khiến tôi chỉ biết đứng im như tượng đá nhìn bà khóc từ phía sau.
Ông qua đời đã gần 20 năm, bà vẫn chưa từng mảy may đi thêm một bước nào nữa. Ông là người đàn ông đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời bà.
Vài năm sau đó, chị hai lấy chồng. Nhà chỉ còn ba mẹ con. Bà phải làm việc gấp mấy lần để có thể lo cho việc ăn học của hai chị em tôi. Biết bà làm việc cực nhọc cả ngày nhưng chúng tôi vẫn khiến bà mệt thêm. Tôi và đứa em út rất hay cãi nhau vì ganh nhau làm việc nhà. Có lần còn đuổi nhau quanh đống rơm, không đứa nào chịu đứa nào, đứa em khóc tùm lum. Bà đi làm đồng về, thấy em khóc liền lấy roi quất vào chân tôi, rất đau. Tôi hay bị ăn roi vì hay cãi và rất bướng. Những lần như vậy, tôi chỉ biết khóc và nông cạn nghĩ rằng bà không thương tôi. Người mẹ quê mùa thường ngồi bất lực sau mỗi lần đánh con mà không biết phải nói gì vì quá nhiều áp lực cuộc sống bủa vây. Nhưng sau này lớn lên, tôi mới nhận ra rằng, sự hy sinh mà bà dành cho tôi chẳng bao giờ tôi thấu hiểu được.
Cả đời bà chưa từng biết động cơ xe máy vận hành thế nào. Cũng không hề biết nhắn tin và đọc tin nhắn điện thoại ra sao. Lại càng chưa bước chân ra khỏi địa vực tỉnh lỵ bao giờ. Có lần tôi hỏi mẹ có thích đi Đà Lạt chơi không, con đưa đi. Bà bảo chỗ đó có nhiều cây không. Tôi nói có, nhiều thông. Bà lại bảo thôi, không thích thông, thích cây cau cây chuối hơn. Tâm hồn bà thuộc về những hương hoa đồng quê, vườn ruộng. Những thứ xa lạ cao sang khác có đập vào mắt thì cũng vô cảm, vì chúng không có nghĩa lý gì với bà.
Quần áo mua về bao giờ bà cũng mất công mang ra tiệm cắt chỗ này, sửa chỗ kia một tí thì mới ưng. Nhiều khi tiền sửa còn nhiều hơn tiền mua. Mà nếu không mang đi sửa thì cũng tự lấy kéo cắt, khâu vá cả buổi chiều. Sửa xong mang về thử, xoay mấy phút trước gương, hỏi có được không, cái cổ vẫn rộng quá thì phải. Mấy chị em tôi chỉ biết lăn ra cười, chả ai nói gì. Thử xong lại cởi ra, giặt sạch, cất vào tủ. Có khi mấy năm mới mặc một lần.
Bà coi đi chùa là một việc trịnh trọng. Thường sẽ hẹn mấy người cùng xóm, ăn tối xong xuôi, chọn bộ quần áo tươm tất nhất để mặc. Lại đứng soi gương mấy phút, vấn tóc chải đầu. Chỉnh sửa khăn áo cho đến khi có người gọi ngoài ngõ mới thôi.
Năm 60 tuổi, bà quyết định làm lại căn nhà. Bà bảo hướng nhà cũ xấu quá, kỵ tuổi. Vả lại cần độn cái sân lên cho khỏi tồn nước mùa mưa. Mấy đứa con đồng ý nghe theo. Một mình bà quán xuyến việc thợ thầy, vật liệu xây dựng. Tôi mừng thầm trong bụng vì sự quyết đoán của bà. Từ khi sinh ra đến giờ, bà mới là người luôn làm tôi bất ngờ về sức chịu đựng và sự tần tảo hy sinh. Một người mẹ nông dân, không được học nhiều nhưng cuộc đời của bà là một cuốn sách mà không bao giờ tôi có thể đọc hết.
Tôi luôn tò mò rằng bà có ước mơ không. Hình như hồi nhỏ, tôi đã gần như đoán được khái niệm của bà về hạnh phúc. Đó là khi chị cả tôi lấy chồng, cuộc sống khó khăn quá, từng đôi bông tai bố mẹ tôi tích cóp lần lượt ra đi. Rồi khi chị hai sinh đứa con đầu tiên, chồng không có ở nhà, bà đã khóc và tự trách mình vì đã không quan tâm được nhiều đến chị. Cả tôi và em út sau này, bà chỉ mong chúng nó xa nhà được ăn no mặc ấm. Hình như (lại hình như) bà không có ước mơ của riêng mình. Chỉ cần các con hạnh phúc yên ấm thì bà coi đó là hạnh phúc mà mình nhận được.
Men theo đoạn đường nhỏ hẹp, tôi về lại thăm bà. Nhìn qua bức tường đá loang lổ rêu xanh, tôi thấy bà đang lúi húi nhặt rau gần gác bếp. Hệt như một giấc ngủ no ngày bé, thức dậy thấy mẹ vẫn ở nhà, trọn vẹn và yên tâm.
BẮC KHÊ