Cây mai nhỏ trong sân

.

Tết coi vậy mà trôi nhanh dễ sợ. Hôm trước còn hò nhau dặn mua nếp, mua thịt về gói bánh, quay qua quay lại đã ăn tới khoanh bánh tét cuối cùng. Nhà nhà cũng bắt đầu khai trương, không khí bán buôn càng làm mọi người tươi tỉnh hơn. Mùa xuân dường như chín thêm, nắng vàng rực và thơm mùi vui mới, ai nấy hớn hở mời chào nhau rộn ràng buổi chợ.

Bà Tư dừng chân trước quầy cá của Hai Lé, phân vân nên mua mớ hủng hỉnh về kho tiêu hay mua mấy con cá lóc đồng mập ú ụ kia. Cá có trứng, nhìn ngon hết biết, nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, dẻ ra chấm với muối ớt đâm chan xíu nước canh mằn mặn cay cay là bá cháy…

- Mua đi má Tư, cá đồng chồng con đi câu hồi hôm. Cá này nấu canh chua ngon nhức nách nha! - Hai Lé cười hơn hớn, nắm đầu con cá lóc lên chỉ cho bà Tư thấy lườn trứng - trứng quá xá trứng nha!

Bà Tư bật cười, con nhỏ hay ghê, biết ý bà tính nấu canh chua. Tắt tiếng cười, bà xụi lơ, mình bà ăn cả con sao hết. Phải mà thằng Phùng về thì tốt, nó khoái món đó lắm. Có canh chua nó phải ăn tới nửa nồi cơm, bà nhìn nó ăn thôi cũng ngon miệng. Nhưng biết bao giờ nó về?

- Thôi má cầm về đi, kho hay nấu canh gì cũng ngon. Coi như con tặng mừng năm mới, nha má! - Hai Lé ngó bà Tư cái, dường như cô đọc được suy nghĩ của bà, mau lẹ đổi câu chuyện. - Má qua bên nhỏ Năm Ù mua mớ rau tập tàng về luộc hay nấu canh ăn mát thấu trời ông địa nha. Đi lẹ lẹ má, rau nó tươi rói bán chạy lắm lát là hổng có má mua đâu!

- Con nhỏ này, cho hoài bán buôn lời gì nổi con. Để tao trả tiền… - Bà Tư chưa kịp lần thun quần lấy ra cọc tiền cuộn ở trong, Hai Lé đã xua xua tay.

- Thôi má ơi, con mang ơn ba Tư hổng hết. Má đi nhanh con còn bán tiếp nè, để đây con lo nói chuyện bán hổng kịp là con bắt đền má nhen!

Bà Tư cười, lắc lắc đầu, cầm con cá xách đi. Ông Tư mất lâu rồi mà mọi người còn nhắc hoài. Hồi còn sống, nhà nào ở xóm này ổng cũng từng ăn cơm ké, bởi việc nhà nào cũng có tay ổng phụ. Dựng cột, dựng vách, vá mấy chỗ dột, hay cả chuyện giấy tờ lu bu này kia… vô tay ổng là xong hết. Cũng do vậy mà bà Tư được hưởng lây tình cảm chòm xóm. Như hồi Tết này nè, dù có một mình nhưng nhà bà không thiếu món gì hết. Mọi người tới lui tấp nập, phụ cái này làm cái kia, đem theo nào là bánh tét, nào là dưa hấu, nào là bông vạn thọ. Cũng rồi cái Tết tươm tất, thiếu mỗi thằng Phùng.

Ai cũng nói thằng Phùng y chang ba nó. Nhưng ba nó mấy khi đi khỏi xóm này. Còn nó chân chạy chân bay, chớp mắt đã không thấy tăm tích đâu. Nhanh như con cá rô lóc xuống đìa, như con chim bìm bịp trốn người. Không biết có chuyện gì không, mà bà gọi cho nó hoài không được. Tết nó gọi báo không về kịp, rồi mất luôn liên lạc từ đó. Thiệt tình hà!

***

Tụi con nít bên hàng xóm ngó qua rào xương rồng hóng cây mai nhà bà Tư. Nghe tiếng chó sủa, nhìn ra biết ý, bà nói vọng ra cổng:

- Chưa nở đâu tụi con ơi, chắc vài bữa nữa lận.

Tụi nhỏ dạ ran rồi tíu tít chạy đi, thiệt ngoan hết sức. Cũng tội, tụi nó là con những nhà ăn Tết trễ. Do ba má tăng ca, do thiếu tiền xoay chưa kịp, mà Tết tới muộn màng hơn. Khi mọi người đã xếp lại những rộn ràng xuân để bắt đầu lại công việc, nhà tụi nó mới bắt đầu ăn Tết. Mai trong xóm tàn hết, chỉ còn cây mai nhà bà Tư đầy nụ, dù lặt lá xê xích đâu có mấy ngày. Tụi nhỏ canh me mai nở, mặc áo mới xin qua đứng chụp hình làm kỷ niệm. Tết mà, phải có mai mới đúng điệu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bà Tư không biết nên trữ Tết trong nhà không. Mà trữ làm sao đặng. Tết có phải thứ gì hữu hình đâu. Tết không phải là củ kiệu, là dưa hấu, là bánh mứt, là mai, là mâm ngũ quả… Nhưng Tết là tất cả, từ những ngày Chạp lao xao lành lạnh bấc tới những buổi bận rộn dọn dẹp chuẩn bị, rồi thời khắc giao thừa, mùng một đầm đậm khói nhang viếng chùa, những ngày đuề huề con cháu vui vẻ đoàn tụ. Làm sao cất được những thứ đó? Bà chỉ có thể lưu giữ mấy thứ tượng trưng, như một tiếc nuối chờ con về sum họp.

Nhìn cây mai, bà Tư càng nhớ con hơn. Cây này thằng Phùng trồng, chiết ra từ cây mai nhà thầy giáo cấp ba của nó. Tại bà nghĩ nhiều, hay thật sự cây mai cũng đang ngóng đợi? Những chùm nụ lặng im cứ vậy, chẳng thèm trổ mấy bông. Lưa thưa vàng. Chầm chậm rụng, làm như thời gian bị đóng băng ở khoảng sân này, cố níu giữ mùi hương Tết lại. Như cái cách người ta ướp muối hay đông đá đồ ăn, nhưng làm sao giữ được mọi thứ mới nguyên trọn vị? So sánh có hơi khập khiễng, nhưng sự thật là vậy, làm sao có thể cất giữ thời gian?

Bà Tư đưa tay sờ tóc mình, chúng mỏng đi, những sợi bạc cạ tay nham nhám. Những lời chúc mừng không làm chúng đen lại được. Một năm trôi qua, bà già thêm một chút. Có là gì đâu, ai rồi cũng vậy. Chỉ là một bà già lẩm cẩm, nhớ con mình quá, thơ thẩn nghĩ ngợi vậy thôi.

Con cá lóc Hai Lé cho, bà nuôi tạm trong lu mấy ngày, thấy tội quá đem thả nó xuống ao rồi. Một mình, bà cũng đâu ăn uống gì nhiều. Nồi thịt kho còn, luộc mớ rau chấm cũng được. Đổi món thì kho cá hủng hỉnh. Bà thèm quá. Không phải thèm ăn. Thèm chộn rộn trong bếp, nấu món này món kia cho con. Cực chút mà vui, còn gì vui hơn niềm vui một người mẹ nhìn con mình ăn những món mình chăm chút nấu, ngấu nghiến ngon lành.

Cây mai vừa rụng vài bông nữa, nhưng nụ vẫn đầy ăm ắp.

***

- Mai gì kỳ, nở mà hà tiện, nhí nhí bông. Tết nhất ra có mấy cái bông hà. Coi mai nhà tui kìa, mùng một, mùng hai nở tưng bừng khói lửa nhìn ưng con mắt hết sức! - Bà Chín qua chơi, thấy cây mai xanh nụ lại cằn nhằn.

Bà Tư chỉ cười, đứng lên rót trà, biết bà bạn già mượn mai chửi người.

- Qua gửi bà mớ bánh bò nè. Bánh bò rễ tre nha, thơm rượu, ngon lắm à. Tự tay tui làm chứ hổng phải ba cái đồ mua sẵn nhe! - Bà Chín để bịch bánh bò xuống, ngó ngó xung quanh.

- Cảm ơn nhen. Phải có thằng Phùng, nó mê món này lắm. - Bà Tư cầm bịch bánh, mân mê. Con bà mà thấy chắc khoái chết, mình nó ăn hết nguyên bịch dễ ợt.

- Lại nhắc tới ông thần đó hoài. Đi cho đã có thấy về chi đâu! - Bà Chín cằn nhằn. - Thiệt á nha, hai cha con giống hệt! Hồi xưa bà ưng ổng chi cho khổ hổng biết.

- Ủa chứ hổng phải ai đó hồi xưa cũng mê tính hào hiệp của chồng tui, mà ổng thì lỡ mê tui nên mới chịu lấy chồng, ai vậy ta? - Bà Tư cười tủm tỉm chọc bà bạn già mặt đang đỏ dần lên.

- Quỷ già dịch hà, lôi mấy cái chuyện đó hoài đi nha. Nay ăn cơm với gì, cho tui ké với coi! - Bà Chín kiếm chuyện đánh trống lảng.

- Hèn chi hồi tối chuột xạ kêu quá trời, tui trông coi khách nào thì ra là khách qua ăn chực! - Bà Tư cười khùng khục, ngó ra coi cây xoài trong sân còn đọt non không - Ê, ăn bánh xèo hông, còn mớ đọt xoài, với đọt lụa ngoài vườn gói là nhức răng nha! Để tui đi pha bột.

- Thôi để lát tui phụ. - Bà Chín vịn vai bà Tư lại. - Ngồi xuống tui hỏi chuyện này cái.

Bà Tư tròn mắt, ngồi chờ coi bà bạn già muốn hỏi chuyện gì. Chắc chuyện liên quan tới thằng Phùng chứ hổng đâu hết. Mà thiệt, nói đâu có đó, bà Chín mở miệng ra là nhắc thằng nhỏ ngay lập tức!

- Thằng Phùng đó, bà nghĩ có khi nào nó làm gì xấu rồi hổng dám về hông?

- Bậy bạ không hà. - Bà Tư giả bộ giận. - Bà ẵm nó từ hồi nhỏ, thuộc lòng tính nó rồi mà hỏi đâu không vậy?

- Vậy chắc là do tui quá… - Bà Chín đổi giọng trầm ngâm, tiu nghỉu như đứa trẻ con bị phạt.

Bà Tư kéo ghế sát lại, chồm tới chờ nghe. Bộ có chuyện gì bà chưa biết hả ta? Đâu có, chuyện gì bà Chín cũng kể bà nghe hết mà.

- Năm ngoái á, tui đi thành phố khám bệnh có gặp thằng Phùng. Tui kéo nó lại cằn nhằn một trận. Nói mày không biết lo má mày, toàn đi lo chuyện thiên hạ không vậy con. Còn kêu Tết nó ráng kiếm tiền về sửa nhà, may đồ mới cho bà này kia. Hổng biết có phải do đó mà nó đi miết hông. Chắc nó ham tăng ca mấy ngày tết, tui nghe nói lương làm tết cao lắm nha bà! - Bà Chín nói một hơi.

Bà Tư lặng lẽ suy nghĩ. Ừ chuyện này cũng có lý. Bởi vì thằng Phùng là đứa biết suy nghĩ, nghe rầy vầy có khi ảnh hưởng nó thiệt. Nhưng bà không trách bà Chín. Bà tự trách bản thân mình. Bà không nhớ rõ lắm, nhưng hình như, trong một lúc mệt mỏi nào đó, bà cũng nhằn con mấy câu tương tự vậy. Trời ơi à, bà nói cho đỡ bực, chứ có đòi hỏi gì đâu. Không biết thằng nhỏ nghĩ gì, rồi làm gì, mà tới giờ chưa chịu về hổng biết nữa?

Bà Tư ngó ra cây mai, nụ vẫn còn chi chít. Những nụ mai không chịu nổi nữa, he hé cánh rồi.

***

Đùng một cái, cây mai bừng nở vàng rực, bất ngờ như người ta bắn pháo Tết. Đám con nít xúm xít qua chụp hình, làm rộn cả một khoảng sân. Bà Tư nhìn đám đông lúp xúp trong sân, kheo khéo chụp sao cho mai không rụng, tủm tỉm cười. Giờ nhà bà như có lại chút không khí Tết, từ những nụ cười của đám con nít.

Thấy có người đứng xớ rớ ngoài cổng, bà Tư nhíu mắt mà chẳng biết ai, đành nói vọng ra:

- Vô chụp hình mai hả tụi con? Vô đại đi nha, con mực hiền khô à nó hổng cắn đâu.

Bóng người phì cười, bước vội vội tới. Giữa nắng xuân chan hòa, chảy xuống rọi bừng sáng gương mặt chàng trai màu da rám nắng, giọng nói dấu yêu cất lên làm tim bà Tư suýt nghẹn:

- Con biết mà má. Đi lâu quá má hổng nhìn ra con luôn hả?

- Thằng quỷ sứ! - Bà Tư nói được mấy từ đó, lẹ lẹ giang tay ôm đứa con lâu ngày mới gặp vô lòng. Ôi nó sực nức mùi nắng, cháy khét loe hoe vàng những lọn tóc. Mùi bụi đường còn vương, chắc thằng nhỏ hổm rày cực khổ nhiều rồi.

- Con… chào má! - Giọng ai lí nhí sau lưng thằng Phùng làm bà Tư ngỡ ngàng.

Bà Tư giờ mới để ý, con trai dẫn về một cô gái lạ hoắc. Nhìn hiền lành lắm, chắc nắng nôi đường xa làm mặt cô gái ửng đỏ hết lên. Hay là tại… Nhớ lại câu chào của cô, bà Tư bật cười, đập vai thằng con:

- Thiệt là tình thằng quỷ sứ hà!

***

Cây mai cuối cùng đã thắng. Nó kiên cường neo đậu thời gian. Nó đã giữ được những bông mai rực vàng đậm sắc xuân, chờ bừng lại mùa Tết.

Nhà bà Tư rộn ràng hơn bao giờ hết. Nghe tin thằng Phùng về, mọi người lũ lượt kéo qua thăm hỏi. Như Tết lại bắt đầu, ai nấy đem theo món này món kia, hớn hở. Nồi thịt kho thơm lừng trên bếp. Lò được nhóm ngoài sân bắc cái nồi bự chảng chuẩn bị luộc bánh tét. Và bánh mứt. Mọi thứ lủ khủ, đủ đầy.

Vui nhất là con bà Tư đã về. Thằng nhỏ nhìn chững chạc hơn hẳn, dù mới có mấy tháng không gặp. Nó còn dẫn bạn gái về ra mắt bà. Con nhỏ ngoan hiền hết sức. Tuy không phải người giỏi giang, nhưng con nhỏ chăm làm lắm. Việc gì khó, nó cũng ráng học cho biết để còn phụ bà Tư, phụ mọi người. Bà có rầy, làm khách mà việc gì cũng đụng tay đụng chân chi cho cực hà. Thì nó giả bộ tủi thân, nói vậy má coi con như người ngoài rồi. Nghe mà thương hết sức!

Thằng Phùng giúi cọc tiền vô tay bà Tư, kêu bà sắm đồ mới, coi sửa lại cái nhà. Bà Tư mắt rưng rưng, đỏ hoe, muốn khóc tới nơi. Vậy là bà Chín nói đúng thật. Ơi là trời à, thằng nhỏ khờ hết sức. Chắc nó ráng lo kiếm đủ tiền rồi mới dám về.

Phùng ôm má, đôi bàn tay chai sần của anh vuốt vuốt xoa cơn xúc động của má. Anh nhẹ nhàng, thủ thỉ:

- Con xin lỗi má, con lo giấy tờ cất nhà tình thương cho kịp mấy cô chú ăn Tết. Xong rồi, con mới tranh thủ kiếm tiền về cho má nè. Con bự chảng rồi mà để má lo không hà, con phải lo lại cho má nữa chứ.

Không thôi dì Chín rầy con chết - Phùng quay qua nháy mắt với bà Chín. Bà bật cười, chửi thầm, thằng này nói chuyện khôn hết sức.

- Má có cần tiền bạc gì đâu hả con? Con về ăn Tết với má là má vui rồi. Má chờ con hà. - Bà Tư rơm rớm nước mắt.

- Con cũng xin chuyển công tác về tỉnh mình luôn. Khỏi đi xa nữa, má khỏi trông tin con nữa! - Phùng cười, lau nước mắt cho má.

Bà Tư mừng lắm. Mọi quyết định của con bà đều ủng hộ. Ừ, về thì về. Ba má con hủ hỉ với nhau, vậy là vui.

Bà Tư giờ có thể yên tâm ăn Tết rồi. Tết muộn chút cũng đâu có sao đâu. Tình cảm làng xóm đuề huề vầy, con cái về sum họp vầy, Tết là đây chứ đâu. Bánh trái đủ đầy, có cả cây mai đang bung nở vàng rực ngoài sân, dường như chưa có mùa Tết nào bà thấy tưới mới và lâng lâng đến vậy. Xóm làng có dịp ăn Tết lần nữa, chung vui cùng nhà bà Tư. Mọi người hấp háy mắt nhìn nhau, đón chừng sang năm có thêm đám cưới để mừng.

Cây mai nhỏ trong cũng hòa niềm vui, cười bằng màu mai vàng ấm mắt, những đóa bông vàng khẽ rung rinh trong gió, như vẫy chào người về.

PHÁT DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.