Ngôi chùa mang tên Âm Linh

.

Ở xứ đất Chung Mao, làng Phong Lục (nay là thôn Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cách trung tâm thị xã về phía bắc khoảng 5km có một ngôi chùa được dân làng xây dựng từ gần 200 năm trước và mang tên chùa Âm Linh.

Chùa Âm Linh (ảnh trái) và bia Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh phía trước chùa. Ảnh: H.S
Chùa Âm Linh (ảnh trái) và bia Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh phía trước chùa. Ảnh: H.S

Vào giữa thế kỷ XIX, thiên tai hạn hán kéo dài, ruộng đồng hoang phế, dịch bệnh khắp nơi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Tự Đức thứ hai (1849), đại dịch tả và sốt rét lan rộng khắp các tỉnh thành, “các hạt Nam, Bắc tổng số người chết là 589.460 người”. Đây là trận dịch lớn nhất có quy mô toàn quốc với số người tử vong cao nhất trong các ghi chép của triều Nguyễn.

Ông Phan Song (95 tuổi), cháu nội ông Phan Côn, người một thời giữ chùa Âm Linh kể lại: Cùng với dịch bệnh, nạn đói khủng khiếp khiến hàng trăm người bồng con dắt cháu kéo nhau đi khắp nơi xin ăn, nằm rải rác khắp các ngõ đường đầu làng cuối xóm. Lúc bấy giờ, theo lệnh vua, các làng đều phải lập kho lương để cứu đói. Làng Phong Lục có chùa Phật tại đất chung điền Tam Tộc (Phan, Nguyễn, Đỗ) ở vùng đất phía tây, tại đây bà con trong làng quyên góp và tổ chức phát chẩn cứu đói...

Nhà thơ Thu Bồn (tên thật là Hà Đức Trọng, chào đời tại xã Điện Thắng, nay là Điện Thắng Nam) đã khắc họa cảnh tượng thảm thương này trong bài văn tế: “Cơn dịch bệnh đói đau giày xéo/ Người chết không ai chôn/ Manh chiếu bó không tròn thân xác…”.

Thương xót những phận đời xấu số, bà con dân làng đã vận động đóng góp xây dựng một ngôi chùa bằng tre tranh để thờ phụng hương khói, hằng năm lấy ngày 25 tháng Chạp âm lịch làm ngày cúng giỗ (chạp mả). Vào ngày đó, bà con trong làng tập trung đến dẫy dọn và tế lễ.

Đến năm Thành Thái thứ 18 (1907), nhân chuyến kinh lý vào xứ Quảng, nghe tấu trình sự việc, nhà vua đồng ý cấp đất làm chùa và đặt tên là chùa Âm Linh để tưởng nhớ những nạn nhân đã khuất. Làng cắt cử một người thủ từ (giữ chùa) để lo việc hương khói vào các ngày Sóc, Vọng (mồng Một, Rằm) và tu tổ phần mộ, lo việc tế lễ hằng năm.

Chùa Âm Linh được xây dựng trên nền chùa cũ, cận giới hạn của 3 làng Lục Giáp (nay thuộc xã Điện Thắng Nam), La Thọ và Đông Hồ (nay thuộc xã Điện Hòa); tường xây gạch, mái lợp ngói có hoa văn theo kiến trúc cổ. Vùng đất này ngày xưa là rừng cây rậm rạp, hoang vu, trải dài theo hướng Nam - Bắc từ cây sộp Cấm Ông làng Phong Lục đến Cấm Dẻ làng Hà Thanh (xã Điện Hòa), dọc tuyến chỉ có độc một con đường và lưa thưa vài ngôi nhà nhỏ.

Những chuyện huyền bí linh thiêng lan truyền trong dân gian cùng với cảnh vật hoang sơ vắng lặng, tiếng dữ đồn xa đã thần thánh hóa, tạo nên sự kiêng sợ nên ít người qua lại, không ai dám đến gần chùa, nhất là vào ban đêm. Những yếu tố thuận lợi đó đã trở thành địa điểm sinh hoạt bí mật của cách mạng.

Ngày Quốc tế Lao động (1-5) năm 1930, cơ sở Đảng treo cờ đỏ búa liềm trên Cây Cốc (một địa danh có cây cốc cổ thụ cao nghệu ở làng Phong Lục), khẩu hiệu, truyền đơn tung ra khắp nơi với nội dung kêu gọi toàn dân ủng hộ cách mạng. Tháng 10-1930, các ông Phan Di và Phan Thanh đã vận động nhân dân tập hợp tại chùa công bố thành lập tổ chức Nông hội đỏ của làng Phong Lục và chọn chùa Âm Linh làm nơi hoạt động.

Do có địa thế nằm giữa hai làng Lục Giáp và La Thọ nên chùa Âm Linh trong những năm 1939-1945 đã đón các cán bộ cách mạng cấp trên về hoạt động, trong đó có ông Lê Chưởng - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 8-1938, Phủ ủy Điện Bàn quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản làng Phong Lục do ông Phan Di làm Bí thư, buổi sinh hoạt đầu tiên cũng được tổ chức tại nơi đây.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Âm Linh là nơi thường xuyên tổ chức họp hội và triển khai các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của Việt Minh, đồng thời nuôi giấu cán bộ lãnh đạo hoạt động. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa tiếp tục là chỗ dựa của cán bộ và lực lượng vũ trang trong quá trình hoạt động liên lạc với cơ sở và quần chúng nhân dân.

Chùa Âm Linh làng Phong Lục gắn liền với những sự kiện lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng làng xã. Do vậy, sau năm 1975, bà con đã vận động kinh phí trùng tu lại chùa bề thế, khang trang hơn trước. Chùa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 557/QĐ-UB năm 2007, một địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

HÀ SÁU

;
;
.
.
.
.
.