Đà Nẵng thay mặt cả nước lần đầu tiên “thử lửa” cùng tàu to súng lớn của phương Tây. Những viên gạch trên thành Điện Hải giờ đã xanh rêu, nhưng 155 năm trước đã từng thấm máu đào của biết bao anh hùng nghĩa sĩ.
Sau những loạt súng vang rền thành Điện Hải, hàng nghìn nghĩa sĩ đã ngã xuống và được quy tập vào Nghĩa trủng (NT) Hòa Vang năm Tự Đức thứ mười chín (1866) và NT Phước Ninh mười năm sau đó, Bính Tý - 1876. Đây chính là hai đài tôn vinh khí phách hùng anh của các anh hùng nghĩa sĩ, đồng thời là cột mốc đánh dấu sự thất bại ngay trận đầu của quân Pháp khi đánh vào Đà Nẵng 155 năm trước.
Nghĩa trủng Hòa Vang hôm nay (ảnh trái) và Nghĩa trủng Hòa Vang xưa. Ảnh: V.T.L |
Nghĩa trủng trong lòng dân
Ông Huỳnh Trung, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Khuê Trung, Trưởng ban Quản lý Khu di tích NT Hòa Vang, cúi xuống nhổ bụi cỏ nằm bên ngôi mộ lớn được cho là của một vị tướng đánh Pháp 155 năm trước. Nhìn những ngôi mộ xếp ngay hàng thẳng lối dưới nắng mai như đoàn quân trước giờ ra trận, tôi chợt rùng mình khi nhớ lại chính giữa chốn linh thiêng này đã vang vọng giọng đọc văn tế bi hùng trong lễ tưởng niệm Nghĩa sĩ do UBND quận Cẩm Lệ tổ chức 3 năm trước: Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn, tàu Tây dương bắn phá lũy An Đồn/ Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải…
Ông Trung còn giữ tấm ảnh chụp thời NT Hòa Vang cỏ dại mọc um tùm che khuất hàng nghìn ngôi mộ đất của nghĩa sĩ. Nhìn ảnh, tôi hiểu vì sao nhà báo P.H.P đã phải ám ảnh trước cảnh hoang tàn hiu quạnh nơi này mà rút ruột viết nên bài báo Có một NT nữa ở Đà Nẵng đăng trên Quảng Nam-Đà Nẵng Chủ nhật cách đây 17 năm trước với hình minh họa là cây mù u bên NT, trước miếu Bà.
Tôi từng gặp một vị cao niên làng Khuê Trung là ông Nguyễn Văn Đải (Năm Đải), những trăn trở của ông về ngôi-mộ-lớn-của-nghĩa-sĩ yên nghỉ ngay trong làng mình đã giúp tôi hoàn thành bài biên khảo Từ thành Điện Hải đến NT Khuê Trung đăng trong sách Đà Nẵng tiến vào thế kỷ XXI do NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2000 và sau đó là bút ký Khúc tráng ca mù u dự thi Cuộc thi ký về Đà Nẵng năm 2005.
Một thời, dưới chính sách hà khắc của thực dân Pháp, người dân chỉ đơn giản gọi nấm mồ các anh hùng nghĩa sĩ là Âm linh cô mộ, làng trí riêng 1,7 mẫu ruộng dành cho việc tu tảo phần mộ và lo cúng tế những anh linh cô độc này vào ngày 17-11 âm lịch hằng năm. Khi được hỏi, ông Năm Đải nói rằng, chưa ai giải thích vì sao tế nghĩa sĩ vào ngày 17-11 âm lịch, chỉ biết nó đã có từ lâu rồi. Về sau, do chiến tranh diễn ra ác liệt nên lệ này nhiều năm rơi vào quên lãng. Đến nay, lễ cúng tế vong linh nghĩa sĩ được tổ chức vào đêm 15-3 âm lịch trước lễ tế Tiền hiền làng Khuê Trung 16-3 âm lịch hằng năm.
Súng nổ vang thành Điện Hải vào ngày 1-9-1858, thế nhưng 43 chư phái tộc làng Khuê Trung lại chọn ngày 15 âm lịch làm ngày giỗ nghĩa sĩ. Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Trần Văn Phi cho rằng đó là cách ứng xử đầy đạo nghĩa, sau khi quận Cẩm Lệ được thành lập, cũng đã dựa vào lòng dân mà tổ chức Hội làng Khuê Trung và Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng vào hai ngày truyền thống của địa phương này. Không kể năm chẵn hay năm lẻ, năm nào cũng có lễ viếng hương tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ ngày xưa.
NT Hòa Vang nằm trong cụm di tích rộng 2.800m2, gồm cả Nhà thờ Tiền hiền Khuê Trung, miếu Bà, giếng Chăm. Mỗi lần đến lễ, bà con tổ chức rước nước từ giếng Chăm trước miếu Bà, đi quanh khu di tích rồi về dâng cúng cùng một lần tại 3 nơi này.
Nói thế, chứ đến ngày 30-8 vẫn có hoạt động để ghi nhớ chuyện xưa. Ông Trung mở sổ công tác ra: Ngày 30-8 sắp tới, UBND phường tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng 50 tân sinh viên toàn phường vừa đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các em tề tựu về viếng hương Nhà thờ Tiền hiền, NT Hòa Vang, nghe các vị cao niên giảng giải về lịch sử, văn hóa địa phương, xong về hội trường UBND phường nhận phần thưởng. Lệ này đã có lâu rồi...
Nghĩa trủng giữa lòng phố
Theo thông lệ hằng năm, sáng hôm Rằm tháng Bảy vừa rồi, anh Nguyễn Phi (còn gọi là Phú) sửa soạn lễ phẩm mang từ chùa Từ Tôn bên kia đường Huỳnh Thúc Kháng sang Nhà bia tưởng niệm NT Phước Ninh để cúng nghĩa sĩ. Là tổ trưởng tổ dân phố số 19 phường Nam Dương, quận Hải Châu, anh kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ khu di tích NT Phước Ninh. Anh dẫn lời Đại đức Thích Thiện Minh, trụ trì chùa Từ Tôn, cho biết, khi giải tỏa NT Phước Ninh để làm Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương, đơn vị thi công đã gửi cho nhà chùa hơn 40 bộ hài cốt. Vì thế, khi tổ chức hiệp kỵ mỗi năm 3 lần vào các ngày 8 tháng 2, 15 tháng 7 và 20 tháng Chạp âm lịch, nhà chùa đều đem lễ phẩm qua nhà bia cúng nghĩa sĩ.
Nghĩa trủng Phước Ninh nay chỉ còn một nhà bia tưởng niệm. Ảnh: V.T.L |
Ngày 27 tháng 7 vừa rồi, anh là một trong những thành viên cốt cán của ban tổ chức lễ cầu siêu và tế nghĩa sĩ NT Phước Ninh. Năm ngoái, cũng chính anh đứng ra vận động bà con quanh đó đóng góp 17 triệu đồng tu bổ toàn bộ nhà bia. Nhà bia tưởng niệm giờ đã ra “mặt tiền”, nhiều khách vãng lai đến tìm hiểu, nhưng ngặt nỗi, văn bia toàn chữ Hán, không ai hiểu được tích xưa. Anh đã đề nghị UBND phường Nam Dương lập một bản dịch nghĩa bài ký văn bia Nghĩa trủng do Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa Đà Nẵng cung cấp.
Theo văn bia được lập vào tiết Đông chí năm Bính Tý thì NT Phước Ninh do ông Hường lô Tự khanh Nguyễn Quý Linh, sung Chánh Thương biện hải phòng khởi xướng lập nên với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương. Quân binh và dân chúng đã “phát dọn gai gốc, cỏ rác, tìm nơi bờ bụi thu nhặt hài cốt tản mác đó đây, rồi dùng giấy, vải mà gói lại; đặt vào quan quách để đưa vào chung một khu vực, chôn cất thành nhiều lớp, có hơn 1.500 nấm mồ theo hướng đông nam - tây bắc, chung quanh xây thành đất cao bao bọc”.
Đến nay, sau mấy lần chỉnh trang đô thị, NT Phước Ninh chỉ còn một nhà bia tưởng niệm ở góc đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Thúc Kháng. Mộ nghĩa sĩ đã được cải táng lên Gò Cao trong Nghĩa trang Sơn Gà, xã Hòa Khương. Riêng hai ngôi mộ của hai vị Tiền bảo Nhị vệ Quản cơ Nguyễn Viết Thứ và Phó Quản cơ sung Tiền bảo Nhị vệ Hiệp quản Nguyễn Thượng Chất đã được chuyển về NT Hòa Vang từ năm 2009.
Ứng xử đúng đạo với lịch sử
Hôm rồi, một đồng nghiệp gửi email hỏi: “Một số người gọi NT Hòa Vang là NT Khuê Trung, gọi thế là do cách gọi của người dân hay xuất phát từ một văn bản quy định nào đó?”.
Đó là một câu hỏi hay, khi mà NT Hòa Vang, sau 2 lần thiên di, giờ không nằm trên địa phận huyện Hòa Vang mà ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Người dân thì thấy đâu gọi đó, không thể trách cứ gì khi bà con gọi “NT Khuê Trung” một cách gần gũi. Chỉ tiếc rằng, một số tác giả, trong một số bài báo, bài nghiên cứu nghiêm túc, cũng đã vô tình gọi đài tôn vinh khí phách hùng anh này là “NT Khuê Trung”.
Phía trước NT được tái lập trên đất Khuê Trung hiện còn một tấm bia sa thạch được lập từ năm Tự Đức thứ mười chín (1866) với 4 chữ Hán đại tự “Hòa Vinh NT”. Ông Năm Đải làng Khuê Trung cho rằng do chữ Vinh có nghĩa là vẻ vang nên người ta đã đọc trại Hòa Vinh thành Hòa Vang. Như thế, những nấm mộ nghĩa sĩ xưa dù có được di dời đến bất cứ nơi đâu thì gọi NT Hòa Vang vẫn là cách ứng xử đúng đạo với lịch sử.
Nhân nói chuyện chữ nghĩa, cũng nên nhắc lại rằng, rất nhiều người đã viết sai nghĩa trủng thành nghĩa trũng. Trong Hán Việt từ điển, học giả Đào Duy Anh đã giảng trủng là cái mồ xây cao (danh từ) và giải thích một số mục từ liên quan như Trủng trung khô cốt là xương khô trong mồ; Trủng lý tàng thư là cất sách trong mồ. Như thế, nghĩa trủng là ngôi mộ xây cao của nghĩa sĩ. Còn trũng là từ thuần Việt, có nghĩa là thấp (tính từ). Viết nghĩa trũng sẽ cho ra một từ vô nghĩa và không có trong tự điển.
Kết thúc bài viết này, xin ghi lại đoạn lý lịch di tích được viết trang trọng tại Bảo tàng Đà Nẵng: Có lẽ khắp nước ta không nơi nào có được một NT quy tụ đầy đủ các tướng sĩ quân dân đã hy sinh như NT Hòa Vang và NT Phước Ninh. Dấu ấn lịch sử của nó để lại thật sâu sắc, bảo vệ và biểu dương là nhiệm vụ của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ