.

Hình dung cuộc chiến từ tấm bản đồ chiến sự 1858

.

Bản đồ chiến sự 1858 được phổ biến trên mạng được biết có nguồn gốc từ thư khố Pháp được giới thiệu trên Báo Đà Nẵng Xuân 2013 giúp chúng ta nhận ra nhiều điều về địa danh, các phòng tuyến được dựng lên chống lại âm mưu xâm lược đầu tiên của thực dân vào nước ta. Vì mới được tìm thấy nên sự tìm hiểu về tấm bản đồ này chưa nhiều ngoài một hai bài báo ngắn gọn.

 Phần trung tâm của tấm bản đồ chiến sự 1858.						  (Ảnh tư liệu)
Phần trung tâm của tấm bản đồ chiến sự 1858. (Ảnh tư liệu)

Nguyễn Tri Phương, trong cách nhìn của một người làm thư viện

Chuẩn bị nội dung cho hội thảo 155 năm trận đầu đánh Pháp, chúng tôi đọc lại các tài liệu và rất ngạc nhiên nhận thấy trong sách “Nguyễn Tri Phương đánh Pháp”, tác giả Nguyễn Khắc Đạm hầu như hình dung rất rõ các phòng tuyến đúng như sự mô tả của tấm bản đồ chiến sự này. Nguyễn Khắc Đạm là cán bộ phụ trách thư viện Viện Sử học, vì yêu mến và khâm phục tài năng, đức độ và tấm lòng yêu nước của Nguyễn Tri Phương mà dốc lòng thực hiện cuốn sách này; ngoài nguồn tư liệu chính là “Đại Nam thực lục” (ĐNTL) của Quốc sử quán triều Nguyễn và một số thư từ, tài liệu của người Pháp đã công bố nhiều trước đó, ông hầu như không có nguồn tư liệu trực tiếp nào mới, thậm chí ông còn nhầm địa danh, vị trí một số làng xã (như Mỹ Thị ở bờ đông sông Hàn trong một bản vẽ đã được ông hình dung ở bờ tây sông Hàn, Nại Hiên là Nại Biên...).

Thế nhưng, thật ngạc nhiên, trên những con chữ sử liệu đó ông phác họa lên những phòng tuyến và chỉ rõ phòng tuyến lũy hào nào được dựng vào lúc nào, trong trận nào, nhằm mục đích gì... hầu như trùng khớp hết với tấm bản đồ chiến sự 1858 vừa được phát hiện.

Tấm bản đồ được ghi chú rõ bằng tiếng Pháp ở dòng đầu tiên: “Tịch thu ở nhà một vị quan An Nam vào ngày 15 tháng 9 năm 1859”, có nghĩa là một năm sau khi chiến sự nổ ra. Thật đặc biệt, trong các sử liệu, ngày 15-9-1859 cũng chính là ngày quân Pháp tổ chức trận đánh lớn nhất, dẫn quân vào sâu nhất, phá vỡ phòng tuyến Nại Hiên (tức khu vực sau phòng tuyến Liên Trì từ Cẩm Lệ xuống Tuyên Sơn Nại Nam nay). Chúng tôi nghĩ tấm bản đồ này phải nằm trong khu vực Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hiện nay, vì đó chính là khu chỉ huy lớn nhất theo tấm bản đồ 1858 này. Việc tịch thu được tấm bản đồ quan trọng, và được vẽ rất đẹp này trong một trận hầu như là lớn nhất của quân Pháp vào phòng tuyến sâu nhất, bản thân nó đã giúp chúng ta hình dung sự ác liệt đến mức nào trong trận 15-9-1859 này.

Lúc này chắc chắn các phòng tuyến lực lượng hai bên đều đã định hình rõ và thông tin trên tấm bản đồ này là đủ để ta hình dung nên toàn bộ cuộc chiến trong 1,5 năm với rất nhiều trận đánh với thế giằng co quyết liệt.

Thế phòng ngự giằng dai và cuộc chiến đấu kiên cường của cha ông

Nhìn vào phần trung tâm của tấm bản đồ chiến sự 1858 đã được cắt gọn vào khu vực nội thành Đà Nẵng này chúng ta thấy rõ 3 phòng tuyến được dựng lên và tất cả đều hướng về phía cửa biển, phía địch quân tiến vào.

Ở phòng tuyến đầu tiên chúng ta thấy đường thành lũy phía gần bờ sông được chia làm hai, có một lũy được đánh số 53, chỉ đọc được chữ “hạ lũy”, đọc không rõ địa danh (đánh dấu bằng 2 vòng tròn). Lý do đó là: “Liền sau trận đánh ngày 8-5-1859, mặc dù thua trận nhưng Nguyễn Tri Phương đã nhanh chóng động viên quân, dân xây dựng phòng tuyến mới dài 1.500 mét ở ngay sát đằng sau phòng tuyến cũ mà lại có phần kiên cố hơn” (Dẫn lại theo Nguyễn Khắc Đạm, trang 19, chúng tôi nghĩ truy nguồn này trong ĐNTL và tư liệu từ phía liên quân Pháp-Tây Ban Nha cũng sẽ không khác). Chúng tôi đồ rằng, đoạn dốc từ đường Bạch Đằng lên đường Trần Phú kéo dài từ thư viện Đà Nẵng đến chợ Hàn chính là dấu vết của đoạn thành này.

Trong nguồn sử liệu “Xavin De Larclause. Bulletin de la Société de Etudes Indochinoíses số 3-4 trang 86”, Nguyễn Khắc Đạm cho ta biết một nguồn từ phía Pháp về thành lũy được dựng lên sau trận 8-5-1859 như sau, một sĩ quan tác chiến người Pháp nhận xét: “Sau ngày 8-5-1859 chúng ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa nhưng họ chỉ lùi có vài trăm thước để ẩn nấp trước mắt chúng tôi vào những chiến lũy mới được xây dựng kiên cố phi thường”. Cũng vị quan hai Xavin này, trong một bức thư gởi cho mẹ ngày 20-11-1859 có chi tiết: “Vị trí của ta so với người An Nam vẫn như cũ: Họ không tấn công nhưng cắt mọi đường liên lạc của ta với nội địa. Cả hai đều cùng ở thế phòng ngự”.

Trong những chi tiết khác, đối chiếu với nguồn sử liệu ta thấy có:

- Mô tả những chiến lũy, Nguyễn Khắc Đạm tổng hợp các nguồn sử liệu và mô tả như sau: “Phòng tuyến ngoài những pháo đài đặt rải rác, còn gồm một hệ thống cố thủ, có lũy cắm đầy chông, dài tới 3 cây số ở tả ngạn sông Hàn. Trước lũy Nguyễn Tri Phương cho đào nhiều hầm hào, hố bẫy cắm tre vót nhọn. Tường lũy được đắp dày và có khả năng chịu đựng được đạn trái phá của địch. Lũy cũng khoét lỗ châu mai để quân ta có thể nấp bắn” (sđd trang 12).

- Những dấu chữ X trên sông từ vị trí cầu Nguyễn Văn Trỗi này đến lối rẽ lên sông Cẩm Lệ: Lê Đình Lý từ khi tới mặt trận cho lập kè ngăn sông Cẩm Lệ. (sđd, trang 10).

- Về vai trò đội tượng binh trong trận Đà Nẵng chúng ta thấy trên bản đồ có vị trí số 37 được chú thích là “Bản Tượng”, khu vực Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nay, và cũng là khu chỉ huy chính mà Lê Đình Lý và Nguyễn Tri Phương đã đóng đại bản doanh trong trận chiến 155 năm trước. Và vị trí số 90 khu vực Mỹ Thị ở UBND quận Ngũ Hành Sơn nay, với chú thích “Binh tượng phương thiết... (một chữ nữa không rõ).

Phác đồ này, Nguyễn Khắc Đạm giúp ta hình dung toàn bộ cuộc chiến suốt một năm rưỡi với nhiều trận đánh cũng như các bước tiến lui của quân Pháp (ảnh trái) và ở cảnh đồ, Nguyễn Khắc Đạm giúp ta hình dung rõ hơn phòng tuyến nào được dựng lên lúc nào, trong thế trận nào. 								       (Ảnh tư liệu)
Phác đồ này, Nguyễn Khắc Đạm giúp ta hình dung toàn bộ cuộc chiến suốt một năm rưỡi với nhiều trận đánh cũng như các bước tiến lui của quân Pháp (ảnh trái) và ở cảnh đồ, Nguyễn Khắc Đạm giúp ta hình dung rõ hơn phòng tuyến nào được dựng lên lúc nào, trong thế trận nào. (Ảnh tư liệu)

Trong sử liệu voi được nhắc đến như sau: Tháng 8-1858: “Đem bốn thớt voi đến quân thứ Hòa Vinh” (ĐNTL, tập 7,  sđd trang 568). “4 giờ sáng ngày 15-9-1859 cuộc tấn công lớn nhất trong suốt cuộc chiến bắt đầu. Quân Pháp chia làm 4 mũi, một mũi đánh vào bờ trái, một mũi đánh vào bờ phải, một mũi tấn công đường lên Hải Vân, tàu chiến thì chạy dọc sông, nhả đạn vào tất cả các đồn lũy. Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân ta đón giặc bằng một trận pháo dày đặc, đồng thời cho một cánh quân ra phía tả ngoài chiến lũy để đánh tập hậu quân địch. Cánh quân này có 10 con voi chiến, trên mỗi voi đặt hai khẩu thần công và 6 người lính bắn thần công cùng súng trường… Cánh quân này dàn thành hàng ngang mà tiến. Trước sự xuất hiện bất ngờ của đội quân này, liên quân Pháp và Tây Ban Nha có phần hoang mang và phải sử dụng đến đội dự bị để đối phó”(Nguyễn Tri Phương đánh Pháp-Nguyễn Khắc Đạm, trang 23). Hy vọng sẽ đến lúc chúng ta hiểu được việc đặt 2 khẩu súng thần công trên mỗi thớt voi và 6 người lính ở trên nó là bố trí như thế nào. Theo như chữ “phương thiết” trong chú thích số 90 thì ta có thể hình dung một bành voi bằng thép đặt trên lưng voi chăng?

- ĐNTL ngày 30-8 chép “Chiến thuyền của Tây Dương 12 chiếc vào cửa biển Đà Nẵng. Trên Bản đồ Chiến sự 1858 ta thấy có đúng 12 chiếc có cột buồm, thực ra có chiếc thứ 13 đậu khu vực Nại Hiên Đông nay được vẽ phác, chưa hoàn chỉnh, hình như tác giả thấy sai nên muốn bỏ đi. Những xuồng không có cột buồm không tính.

- Về 4 chú thích có chữ “Tỉnh” kèm dấu phẩy trong phần chú thích chữ quốc ngữ, trang 568 sách ĐNTL, tháng 8-1858, có một câu của vua Tự Đức giúp ta hiểu chữ này: Vua sắc bảo rằng “Những chỗ không quan yếu lắm thì do tỉnh phái lính phòng bị; còn quân thứ cốt phải tập hợp nhiều binh lính, để phòng bị khi dùng đến”.  

- Về chú thích Tắc Mộc Lung, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy dịch là những lồng gỗ thả xuống sông làm kè tắc sông, nhưng đến nay chưa tìm thấy nó được làm bằng gì, vào năm nào. Chỉ thấy một sử liệu liên quan là khi Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng thì cũng ngày đó Tự Đức ra lệnh “Lấy xích sắt và dây sắt chắn ngang các cửa biển Thuận An, Tư Hiền” (ĐNTL, tập 7, trang 575. Hy vọng sẽ có tư liệu giúp chúng ta hiểu cái Tắc Mộc Lung này nhiều hơn từ hội thảo này.

Do tấm bản đồ được chụp công bố trên mạng từ một trang cá nhân, độ phân giải không cao nên có nhiều chữ mờ, đọc không rõ. Hy vọng sẽ đến lúc chúng ta nhìn được bản gốc hoặc với độ phân giải lớn hơn và sẽ rõ hơn nhiều chi tiết. Nhìn tấm bản đồ chiến sự 1858, do chính một người Việt Nam vẽ, chúng tôi thật ngạc nhiên về trình độ vẽ bản đồ của tác giả này. Hình như Đà Nẵng có Sơn Trà và Bà Nà, cũng như đỉnh núi Phước Tường là những đỉnh cao giúp người vẽ bản đồ xác định được vị trí cũng như tỷ lệ khá chính xác. Và còn hơn thế nữa, qua đó chúng ta như hình dung rõ thế phòng ngự giằng dai và chiến đấu kiên cường này của cha ông 155 năm trước trên chính mảnh đất Đà Nẵng này.

HỒ TRUNG TÚ

;
.
.
.
.
.