Ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng đang phát triển nhanh, đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công nghiệp phần mềm Đà Nẵng cũng dịch chuyển về đầu tư, nguồn nhân lực lẫn giá trị gia tăng từ sản xuất gia công sang thiết kế và sản xuất hoàn thiện. Sản phẩm phần mềm “made in Đà Nẵng” xuất khẩu sang nước ngoài và là lĩnh vực mũi nhọn của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng vẫn còn nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển, nâng mình trên chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài 1: Những phần mềm phục vụ trong nước
Đà Nẵng là địa phương duy nhất có 11/14 lần liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index). Đây là chỉ số quan trọng giúp Đà Nẵng định hình trong việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Trong thành quả này có sự đóng góp lớn của các đơn vị, doanh nghiệp phát triển phần mềm, tạo ra những sản phẩm “made in Đà Nẵng”, phục vụ cho nhu cầu phát triển theo hướng số hóa của thành phố.
Công ty CP Công nghệ cao Sioux tham gia thiết kế, xây dựng các phần mềm phục vụ thành phố. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty CP Công nghệ cao Sioux. Ảnh: PHONG LAN |
Từ phần mềm quản lý cán bộ, công chức...
Từ năm 2014, Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng hệ thống chính quyền điện tử, tích hợp nhiều dịch vụ hành chính công như “Một cửa liên thông”, phần mềm Quản lý thông tin cán bộ - công chức - viên chức, phần mềm Quản lý văn bản điều hành… Song trước đó, thành phố đã có một thời gian dài chuẩn bị, thiết kế bộ khung chương trình, xây dựng những phần mềm “made in Đà Nẵng”.
Một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển phần mềm phục vụ thành phố là Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng (DNICT). Trung tâm ra đời từ năm 2006 với sứ mệnh thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của thành phố cùng các tỉnh bạn trong tiến trình cả nước hướng đến chính phủ điện tử.
Trung tâm được thành phố giao 4 chức năng, nhiệm vụ chính, trong đó có chức năng nghiên cứu thiết kế, xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan hành chính của thành phố. Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách DNICT chia sẻ, những năm đầu thành lập, trung tâm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm định hướng phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạn chế, nguồn nhân lực mỏng... cũng trở thành thách thức lớn với ban lãnh đạo trung tâm lúc bấy giờ.
Năm 2010, với sự hỗ trợ của Sở Nội vụ, DNICT đã nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình phần mềm Quản lý thông tin cán bộ - công chức - viên chức trên nền tảng mã nguồn mở. Đây được xem là cột mốc đầu tiên trong việc tin học hóa các quy trình quản lý Nhà nước của thành phố. Phần mềm này giúp theo dõi quá trình biến đổi thông tin của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong suốt quá trình công tác; giúp giảm chi phí, thời gian, công sức trong việc tra cứu tìm hồ sơ nhân sự. Sản phẩm sau đó đã được triển khai ngay tại Sở Nội vụ.
Hiện phần mềm đang vận hành ổn định, thông suốt với hơn 30.000 hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Đặc biệt, phần mềm cũng đã được triển khai cho nhiều tỉnh, thành phố khác với quy mô và số lượng hồ sơ lớn hơn hoặc tương đương như Cần Thơ, Tiền Giang, Bắc Giang, Hà Tĩnh… Ông Tuấn cho biết, các đơn vị sử dụng đều cho ý kiến phản hồi tốt về các tính năng, độ dễ sử dụng của phần mềm; đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ chuyên nghiệp và kịp thời của đội ngũ cán bộ DNICT trong suốt quá trình vận hành hệ thống.
Sau sự khởi đầu thuận lợi, nhiều phần mềm phục vụ thành phố tiếp tục ra đời với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) khác tại Đà Nẵng như: Công ty CP Công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh (quận Hải Châu), Công ty CP Công nghệ Tâm Hợp Nhất (quận Hải Châu)... Trong đó, nổi bật là các ứng dụng dùng chung (tại địa chỉ egov.danang.gov.vn) được sử dụng hiệu quả, góp phần lớn trong cải cách hành chính như: phần mềm Quản lý văn bản điều hành (được hơn 220 cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và hầu hết đơn vị sử nghiệp sử dụng), phần mềm Một cửa điện tử (tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã), phần mềm Nhân hộ khẩu (quản lý thông tin nhân, hộ khẩu thường trú và tạm trú), các phần mềm chuyên ngành (phần mềm cấp giấy phép lái xe và quản lý phương tiện, phần mềm quản lý cấp giấy phép đầu tư, phần mềm quản lý đăng ký kinh doanh qua mạng...).
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng Phạm Kim Sơn nhận định, Đà Nẵng đã xây dựng thành công mô hình Chính quyền điện tử đầu tiên ở Việt Nam. Kết quả là hình thành hệ sinh thái phát triển CNTT tại địa phương, trong đó không chỉ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, phát triển nguồn nhân lực CNTT mà còn xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp CNTT ngày càng lớn mạnh.
... đến những tiện ích cho cuộc sống hằng ngày
Những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp CNTT tại Đà Nẵng tham gia xây dựng các phần mềm cho thành phố. Năm 2017, Công ty CP Phần mềm Công nghệ cao Sioux (quận Hải Châu) phát hành ứng dụng “Góp ý Đà Nẵng” vào đúng dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng thành phố. Anh Nguyễn Xuân Huy, nguyên Giám đốc Công ty Sioux chia sẻ: “Công ty Sioux Việt Nam được thành lập từ năm 2012 với 2 sứ mệnh chính: làm cho thế giới thông minh hơn và làm cho cộng đồng địa phương tốt đẹp hơn”. Trong 4 năm đầu tiên tại Đà Nẵng, Sioux tập trung thực hiện các dự án công nghệ thông minh cho khách hàng nước ngoài. Đến năm 2016, khi lực đủ mạnh, công ty bắt đầu tổ chức các nhóm kỹ sư phục vụ cho mục tiêu thứ hai.
Việc Đà Nẵng xây dựng thành công mô hình Chính quyền điện tử sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, hình thành hệ sinh thái công nghệ thông tin địa phương. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty CP Công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh. Ảnh: PHONG LAN |
Công ty Sioux đã đề xuất với Sở Thông tin và Truyền thông để phát triển ứng dụng miễn phí “Góp ý Đà Nẵng” trên nền tảng di động. Sau hơn một tháng nghiên cứu giao diện lập trình ứng dụng (API) để ứng dụng có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu chung, các kỹ sư bắt đầu thiết kế giao diện và triển khai các chức năng. “Góp ý Đà Nẵng” ra đời sau nửa năm xây dựng và hoàn thiện. Với ứng dụng này, người dân thành phố có thể phản ánh, đóng góp ý kiến cho chính quyền. Dữ liệu từ ứng dụng được đồng bộ với phiên bản web của kênh “Góp ý Đà Nẵng”. Đơn vị vận hành là Trung tâm Thông tin dịch vụ công, thuộc Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm duyệt thông tin, đăng tải, theo dõi và đưa kết quả xử lý phản ánh lên ứng dụng.
Không dừng lại ở “Góp ý Đà Nẵng”, một năm sau, Công ty Sioux tiếp tục ra mắt ứng dụng miễn phí “DanaBus” giúp tra cứu lịch trình và vị trí các xe buýt công cộng tại Đà Nẵng theo thời gian thực. Anh Huy chia sẻ: “Những ứng dụng phục vụ thành phố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Sioux. Anh em công ty cảm thấy mình đóng góp được cho chính gia đình, bạn bè, hàng xóm và người dân địa phương. Động lực này có thể duy trì, thúc đẩy mình trên suốt con đường phát triển sự nghiệp”.
Ngoài Công ty Sioux, Công ty TNHH MTV Phát triển CNTT Enouvo (quận Sơn Trà) cũng là điển hình trong việc xây dựng các phần mềm, ứng dụng phục vụ thành phố. Sáng lập công ty là vợ chồng chị Trần Hạnh Trang và anh Phạm Sĩ Nguyên. Từng có thời gian dài học tập, làm việc tại Úc, song vì muốn cống hiến cho sự phát triển của quê nhà, chị Trang và anh Nguyên đã quay về Đà Nẵng và thành lập doanh nghiệp. Chị Trang cho biết, tầm nhìn của Công ty Enouvo là tạo ra những giải pháp hữu ích, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Năm 2017, Enouvo ra mắt ứng dụng “Thoải mái như ở nhà” (“Comfort as home”), giúp người dùng tìm điểm đặt những nhà vệ sinh miễn phí ở Đà Nẵng. Sau khi triển khai tại quận Hải Châu, ứng dụng này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Năm 2019 Enouvo lại tiếp tục ra mắt ứng dụng Kuuho (cứu hộ) nhằm giúp thông báo về các sự cố trên địa bàn thành phố. Ứng dụng biến chiếc điện thoại thành một công cụ thông minh, bảo vệ người dùng khỏi những nguy hiểm khẩn cấp. Đồng thời giúp người dùng có thể cung cấp đầy đủ thông tin cho các lực lượng cứu hộ, cộng đồng về tình thế nguy hiểm người dùng đang gặp phải.
Từ đó, người dùng sẽ nhận được sự giúp đỡ, giải cứu nhanh nhất từ những người có kỹ năng ở gần nhất. Chị Trang chia sẻ: “Qua những ứng dụng này, điều mình mong muốn nhất là tạo ra một cuộc sống tiện nghi hơn cho người dân Đà Nẵng. Nhờ công nghệ, chúng ta có thể tạo ra những giải pháp chi phí thấp để nâng cao chất lượng cuốc sống”.
PHONG LAN