So với nhiều địa phương khác trong vùng, Đà Nẵng không có nhiều thế mạnh về nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp gieo trồng xanh, sạch mà năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản Đà Nẵng ngày càng gia tăng.
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã La Hường đang chăm sóc giống mướp hương đặc sản của vùng rau La Hường. Ảnh: KHANG NINH |
Nằm dưới chân cầu Cẩm Lệ, vùng rau La Hường là một trong những vùng rau an toàn đầu tiên và có quy mô lớn tại Đà Nẵng. Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã La Hường dẫn chúng tôi đi thăm một vòng vùng rau, rồi dừng lại ở ruộng rau muống đang lên xanh mướt. Rau muống là “đặc sản” của La Hường. Vốn là giống rau muống nước, song những năm gần đây, bà con La Hường đã tìm được cách trồng loại rau này trên ruộng đất cát, tưới bằng nguồn nước ngầm lấy từ giếng khoan.
Ông Hoàng nói: “Nhờ vậy mà rau muống La Hường giảm được nguy cơ nhiễm vi sinh vật từ nước. Rau muống trồng trên đất cát khi luộc lên cho ra nước xanh trong chứ không bị đen. Còn chế biến xào tỏi, làm nộm thì cũng giòn, ngon hơn rau muống nước”. Ngoài rau muống, La Hường còn có đặc sản ớt xanh (chính vụ là từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch), cay, thơm và ít hạt; mướp hương sử dụng giống truyền thống, nhưng nhờ chất đất và phương pháp canh tác phù hợp nên có mùi thơm rất đặc trưng.
Ông Hoàng cho biết, vùng rau La Hường có khoảng 7,5ha diện tích trồng rau ăn lá và các loại rau, củ, quả, 2ha còn lại cho hoa màu (đậu phụng, mè...). Trước khi thành lập hợp tác xã, bà con nơi đây chỉ trồng rau vụ đông xuân. Đến năm 2012, sau khi chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng, giếng, điện, khung lưới... thì La Hường được phủ xanh gần như quanh năm, chỉ trừ mùa nước lụt (tháng 8 đến tháng 10 âm lịch).
Vụ đông xuân có súp lơ, cải, tần ô, hành hương, rau thơm, rau quế... Vụ hè thu lại có rau dền, rau ngót, mồng tơi, rau lang... Đặc biệt, có 5ha rau được trồng theo chuẩn VietGap, trở thành nền tảng xây dựng thương hiệu rau an toàn La Hường. Mỗi năm, La Hường cung cấp khoảng 350 tấn rau cho thị trường Đà Nẵng, chủ yếu vào các siêu thị mini, bếp ăn trường học, doanh nghiệp...
Theo ông Hoàng, một trong những yếu tố quan trọng xây dựng nên thương hiệu La Hường chính là những phương pháp khoa học kỹ thuật được áp dụng trong trồng trọt. Cách đây nhiều năm, bà con nông dân nơi đây vẫn dùng nước ao, hồ để tưới, dùng phân urê để bón cây, đến khi rau lên đẹp thì cắt bán. Theo lý thuyết, nếu bón rau bằng phân urê thì ít nhất 14 ngày sau mới được thu hoạch, nhưng lúc đó rau lại không còn độ non nên khó bán.
Sau khi tham gia các khóa tập huấn do thành phố tổ chức, bà con nhận thấy việc bón phân urê không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn khiến đất nhanh bạc màu. Hiện các nông dân ở La Hường chỉ dùng phân urê cho các giống cây dài ngày, còn đối với rau ngắn ngày thì dùng phân bò, phân heo ủ hoặc các chế phẩm sinh học khác.
Ông Hoàng nói: “Ban đầu cũng rất khó để thay đổi tập quán sản xuất của bà con, song mưa dầm thấm lâu, bà con nhận ra việc ứng dụng công nghệ mới cho ra sản lượng cao. Dù chi phí có tăng lên nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi trả để có được sản phẩm chất lượng tốt. Hợp tác xã cũng bao tiêu khoảng 20% sản lượng, đồng thời tìm cách kết nối tư thương để giải quyết đầu ra cho nông dân”.
Hằng năm, bà con La Hường lại tiếp tục tham gia các lớp tập huấn để tìm hiểu về các chế phẩm sinh học mới, cách phân biệt thuốc thật hay giả, các phương pháp trồng trọt hiệu quả và bền vững. “Hiện giờ, điều chúng tôi mong muốn nhất là được hỗ trợ cách xử lý nguồn nước. Thường vào mùa khô, sông bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm của vùng rau làm giảm sản lượng”, ông Hoàng chia sẻ.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, kỹ thuật trong nông nghiệp có thể bắt đầu từ những điều rất nhỏ, song lại có tác động lớn đến nhận thức của nông dân và chất lượng của nông sản. Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân trên địa bàn thành phố.
Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ, riêng trong giai đoạn 2013 - 2019, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng (đơn vị trực thuộc sở) đã tổ chức gần 60 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mô hình cho nông dân và các hợp tác xã, trong đó có những khóa tập huấn về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc và dung dịch dinh dưỡng cho rau theo hướng hữu cơ, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm bào ngư, quy trình phòng trừ sâu bệnh hại trên cây rau...
Bên cạnh đó, nhiều dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được triển khai hiệu quả tại Đà Nẵng, điển hình như dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đề án phát triển bưởi da xanh” tại huyện Hòa Vang, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thành phố Đà Nẵng”...
Đầu tháng 10, dự án Trung tâm Công nghệ sinh học kết hợp cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật giai đoạn 2 do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư chính thức được khởi công trên tổng diện tích gần 79.000m2 tại phường Hòa Phát và phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Đây được xem là dự án động lực trọng điểm của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển của Trung tâm Công nghệ sinh học hướng tới phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chọn sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp là 1 trong 5 mũi nhọn cần được ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển của thành phố. Đây cũng là cơ hội để khẳng định vị thế nông sản Đà Nẵng trên thị trường trong nước và thế giới.
KHANG NINH