Sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc

.

Ngày 9-7, thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, đơn vị này đã sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.

 Ảnh minh họa: TTXVN.
Ảnh minh họa: TTXVN.

Đây là nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 giao cho Viettel để thực hiện chiến dịch tiêm chủng Covid-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các giải pháp công nghệ chống dịch của Việt Nam đều là sản phẩm ứng dụng được thực hiện theo yêu cầu của Bộ Y tế. Các sản phẩm này do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia làm đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến kỹ thuật, công nghệ tham gia sản xuất, hỗ trợ, hợp tác. Trung tâm này chịu trách nhiệm thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Dự kiến, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh thành, với 19.500 điểm tiêm chủng. Thông qua chiến dịch, Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021 sẽ tiêm vắc-xin cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên và hết quý I/2022 tiêm được hơn 70% dân số.

Tham gia chiến dịch, Viettel được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng. Nhiệm vụ cụ thể là xây dựng nền tảng công nghệ quản lý toàn bộ chiến dịch; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, hệ thống chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vắc-xin); xây dựng tài liệu, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tỉnh về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và sử dụng nền tảng quản lý.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết: “Xác định việc triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm phục vụ cho lợi ích cấp bách của đất nước, của nhân dân, Viettel sử dụng tối đa nguồn lực để phát triển, triển khai hệ thống”.

Chia sẻ về nền tảng quản lý tiêm chủng, đại diện Viettel cho biết, nền tảng sẽ gồm 4 hệ thống: Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử", Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Khi nền tảng được vận hành, người dân có thể tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng tới tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Với ngành Y tế, nền tảng này giúp đảm bảo mục tiêu kép, vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch; hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành - tiếp vận (logistic)… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.

Thời gian tới, người dân sẽ được yêu cầu đăng ký tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”. Sổ sức khỏe điện tử là ứng dụng di động dành cho người dân được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế. Được xây dựng với mục tiêu giúp người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, từ đó chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân, ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” đã được cung cấp cho các thiết bị di động thông minh sử dụng 2 hệ điều hành phổ biến là Android và iOS.

Hiện thông tin tiêm chủng đối với nhiều người mới tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã được cập nhật trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử". Sắp tới, khi nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia được chính thức triển khai, dữ liệu về những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với đầy đủ thông tin sẽ được phía Bộ Y tế cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Như vậy, cơ quan quản lý có thể quản lý, theo dõi về tiến độ tiêm chủng Covid-19 của từng địa phương.

Đồng thời, với việc cập nhật thông tin trên các ứng dụng công nghệ khai báo y tế (như Bluezone, Vietnam healty declaration, NCOVI…) người dân sẽ được cấp mã QR code cá nhân, trong đó có cập nhật đầy đủ thông tin y tế của mỗi người. Bằng việc quét, kiểm tra mã QR code cá nhân, các đơn vị chức năng sẽ có thông tin y tế của từng cá nhân, phục vụ cho công tác truy vết, quản lý tiêm chủng Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, hộ chiếu vắc-xin…

Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” cùng với Hệ thống quản lý và chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 hiện là 2 nền tảng được Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia khuyến nghị sử dụng để vừa hỗ trợ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 nhanh, an toàn, thuận tiện, vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.