ĐNO - Với mong muốn đem lại sự trong lành vốn có của Sơn Trà, tranh thủ thời gian rảnh, anh Đào Đặng Công Trung (SN 1978, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lại rong ruổi khắp các cung đường ở bán đảo cùng chiếc xe máy cũ để nhặt rác. Công việc này được anh duy trì hơn 8 năm qua.
Anh Trung kiên trì nhặt rác tại bán đảo Sơn Trà suốt 8 năm qua |
Lên Sơn Trà lần đầu vào năm 2003, anh Công Trung “nghiện” ngay sự hoang sơ, trong lành của nơi đây. Tuy nhiên, trong lần quay lại tiếp đó, khoảng năm 2007-2008, anh Trung thấy rác bắt đầu xuất hiện. Đến khoảng cuối năm 2010, nhận thấy lượng rác ngày một nhiều hơn, anh Trung quyết định bắt đầu công việc đi nhặt rác ở Sơn Trà.
Với làn da rám nắng cùng chiếc áo thun, quần lửng, đi cùng là chiếc xe máy cũ, vài bao ni-lông, cây gắp rác, anh Trung trông giống một nhân viên môi trường hơn là Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ du lịch Trung Hà Thanh - Danang Ocean Tour.
Trung bình 5 ngày/tuần, 2 lần mỗi ngày, trước và sau giờ làm, không kể trời nắng hay mưa, anh Trung đều đặn lên Sơn Trà nhặt rác. Sáng tầm 6 giờ 30 đến 8 giờ, chiều tầm 17 giờ 30 đến 18 giờ 30.
Anh bảo: “Những hôm trời nắng, đi nhặt buổi chiều, lúc xuống núi trời vẫn còn sáng. Còn những hôm mưa, lúc nào xuống núi cũng đã tối đen, mây mù giăng kín, nguy hiểm, nhưng với tôi, Sơn Trà như nhà mình nên không cảm thấy sợ chút nào, chỉ sợ bị hư xe. Mọi ngóc ngách trên Sơn Trà tôi đều thuộc như lòng bàn tay, bao nhiêu ổ gà, bao nhiêu khúc cua, ở khúc cua đó có cây gì tôi đều biết”.
Mỗi lần đi nhặt, anh mang về khoảng 10-15 kg rác, chủ yếu là hộp xốp, chai nước, lon bia, lon nước ngọt, mảnh vỡ của xe máy, ly trà sữa; trong đó chai nước và ly trà sữa chiếm khoảng 80%. Tất cả những rác thu gom được, anh mang về phân loại và bỏ vảo thùng rác.
Theo anh Trung, hai điểm “nóng” về rác là khu vực hồ Xanh - trước chùa Linh Ứng và khu vực Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Bắc-Ghềnh Bàng, Mũi Nghê. Hai khu vực trên có hướng nhìn về thành phố rất đẹp, là điểm đến thú vị, cuốn hút không chỉ khách du lịch mà cả người dân Đà Nẵng lên đây ngắm cảnh, chụp hình nên lượng người tập trung về hai khu vực này khá đông và thường xuyên.
“Mọi người mang đồ ăn, thức uống lên, sau khi sử dụng thì cũng vô tư vứt rác tại chỗ. Chiều qua tôi vừa nhặt một bao đầy chỗ này mà sáng nay lên nhặt tiếp vẫn có nhiều rác”, anh Trung vừa nói, vừa dùng cây gắp rác, gắp những hộp xốp, chai nước, ly trà sữa lẩn dưới những đám cỏ ngay trước khu vực chùa Linh Ứng.
Không chỉ nhặt rác ở Sơn Trà, anh còn có thói quen nhặt rác ở khu vực xung quanh nhà, những nơi anh đến và đặc biệt, anh còn đưa thói quen này của mình trở thành một hoạt động trong các tour của công ty. Trong mỗi tour, anh Trung đều trang bị bao bọc rác, găng tay, cây gắp rác cho mỗi du khách và dành ra 5-10 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến.
Với những tour đi biển, đảo thì công ty của anh sẽ đổi những chiếc túi ni-lông mà du khách mang theo sang túi cói để ngăn chặn những chiếc túi ni-lông ấy sẽ vô tình bị vứt lại đâu đó, gây ô nhiễm môi trường.
Việc nhặt rác trong suốt 8 năm qua của anh Trung không chỉ giúp Sơn Trà xanh hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến những người xung quanh.
Anh Phạm Duy Điền (SN 1990, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) là một trong số đó. “Lúc biết anh Trung đi nhặt rác ở Sơn Trà, tôi từng nghĩ chắc cũng chỉ được mấy hôm. Nhưng đã 8 năm trôi qua, anh ấy vẫn làm và xem đó như niềm vui của mình. Tôi và nhiều bạn trẻ khác đã bị thuyết phục bởi sự kiên trì và hết lòng trong việc giữ màu xanh cho Sơn Trà của anh Trung. Vì vậy, chúng tôi quyết định đồng hành cùng anh trong những lần đi thu gom rác”, anh Điền nói.
Điều anh Trung mong muốn hiện nay là làm sao để lan tỏa ý thức giữ gìn môi trường cho du khách. Anh hy vọng rằng, ai đến Sơn Trà cũng chỉ để lại những dấu chân. Mọi người mang đồ ăn, thức uống theo khi lên Sơn Trà thì hãy vui lòng mang rác theo khi về, hay ít nhất là bỏ rác đúng nơi quy định.
Bài và ảnh: MAI HIỀN