Tiếp sức cho bệnh nhân chạy thận

.

ĐNO - Đều đặn mỗi tháng 15 buổi, bà Nguyễn Thị Trà Liên (SN 1965, nhóm Thiện nguyện Hiếu Hạnh - Chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng) tự tay nấu và phát hàng trăm suất ăn miễn phí, tiếp sức cho những bệnh nhân chạy thận ngoại tỉnh đang ở trọ trên đường Hải Phòng (quận Hải Châu).

Bà Nguyễn Thị Trà Liên đang chuẩn bị các suất cơm trưa để tặng bệnh nhân chạy thận. Ảnh: L.P
Bà Nguyễn Thị Trà Liên đang chuẩn bị các suất cơm trưa cho các bệnh nhân chạy thận. Ảnh: L.P

Có mặt tại ngôi nhà nhỏ trên đường Triệu Nữ Vương (quận Hải Châu) - nơi bà Liên thực hiện sơ chế, nấu đồ ăn, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm, chu đáo của bà trong những suất ăn dành cho bệnh nhân chạy thận.

Để có thực phẩm nấu cho hôm nay, bà Liên phải đi chợ, chuẩn bị từ chiều hôm trước. Từ 4 giờ sáng, bà Liên thức dậy sơ chế thực phẩm và bắt tay nấu, đóng hộp. Đến khoảng hơn 6 giờ sáng, mọi thứ được chuẩn bị xong và chuyển đến khu nhà trọ của bệnh nhân chạy thận, kịp giờ ăn sáng của bệnh nhân vào lúc 6 giờ 30 phút. Những ngày phát cơm trưa, bà Liên cũng luôn cố gắng phát cơm kịp giờ ăn trưa của bệnh nhân vào lúc 11 giờ hằng ngày.

Thực đơn các bữa ăn luôn được bà Liên linh hoạt thay đổi, biến tấu sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân chạy thận. Các món ăn khá đa dạng, từ cơm, bún, bánh cuốn, bánh bèo, mỳ quảng, sữa… 

Bà Liên cho biết, mỗi tháng, chi phí để nấu và phát các suất ăn khoảng hơn 6 triệu đồng. Để có nguồn kinh phí ổn định, duy trì hoạt động hằng tháng, một mặt, bà Liên vận động, kêu gọi từ mạnh thường quân. Mặt khác, bà Liên mở một quán ăn chay nhỏ để có kinh phí duy trì hoạt động nấu cơm.

“Mỗi tháng, bên cạnh số tiền mạnh thường quân hỗ trợ, tôi trích một phần kinh phí thu được từ quán ăn để nấu suất ăn cho bệnh nhân chạy thận. Đây là cách để hoạt động nấu và hỗ trợ suất ăn cho người bệnh duy trì đều đặn và ổn định; đồng thời qua đó, những thực khách của quán cũng chung tay hỗ trợ bệnh nhân”, bà Liên nói.

Hơn 9 năm nay, chị Phạm Thị Ái Vân (SN 1992, quê tỉnh Quảng Nam) gắn bó với Bệnh viện Đà Nẵng nhiều hơn ở nhà. Mỗi tuần, chị Vân đến bệnh viện chạy thận 2-3 lần theo lịch định kỳ. Thời gian còn lại, chị sinh hoạt trong căn phòng trọ chừng 15m2. Hơn 9 năm chạy thận khiến sức khỏe chị Vân yếu nên không làm gì ra tiền.

Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống đều phải trông cậy vào gia đình cũng không mấy khá giả. Chỉ tính riêng tiền thuê trọ, mỗi tháng đã hơn 4 triệu đồng. Vì thế, những bữa ăn của chị đều phải dè xẻn, tiết kiệm từng đồng. May mắn, chị Vân và những bệnh nhân chạy thận ở đây thường xuyên được bà Liên hỗ trợ bữa ăn hằng ngày nên tiết kiệm một phần chi phí.

“Cô Liên thường nấu và phát đồ ăn chay, đúng món tôi rất thích. Nhiều đợt, cô còn phát sữa, bánh ngọt cho tôi và mọi người. Chúng tôi không biết cảm ơn cô Liên bao nhiêu cho đủ”, chị Vân tâm sự.

Những suất cơm, sữa do bà Liên hỗ trợ đã giúp những bệnh nhân chạy thận và người nhà tiết kiệm một phần chi phí. Ảnh: L.P
Những suất cơm, sữa do bà Liên hỗ trợ đã giúp những bệnh nhân chạy thận và người nhà tiết kiệm một phần chi phí. Ảnh: L.P

Tương tự, với bà Võ Thị Hoa (57 tuổi, quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), 9 năm phải chạy thận là 9 năm bà không làm gì ra tiền. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều trông chờ vào sự giúp đỡ của mạnh thường quân.

“Từ đầu năm đến nay, cũng may có cô Liên hỗ trợ thức ăn và sữa, những bệnh nhân chạy thận như tôi đỡ được rất nhiều chi phí. Món nào cô Liên nấu cũng ngon, tôi luôn ăn rất no và ngon miệng”, bà Hoa bộc bạch.

Không chỉ tiếp sức cho bệnh nhân chạy thận, bà Liên còn thường xuyên tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, giúp đỡ người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… Trong đợt Covid-19 tái bùng phát trên địa bàn thành phố, bà Liên cùng các tình nguyện viên trong nhóm Thiện nguyện Hiếu Hạnh được thành phố tin tưởng, cho phép nấu hơn 1.000 suất cơm mỗi ngày để tiếp sức cho y, bác sỹ tại các bệnh viện.

Những ngày này, bà Liên đang tích cực kêu gọi, vận động và trực tiếp vận chuyển hàng trăm suất quà cứu trợ để giúp đỡ nhân dân các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị gặp khó khăn do mưa lũ. Vừa qua, nhóm Thiện nguyện của bà Liên được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố biểu dương là một trong những nhóm thiện nguyện tiêu biểu tham gia phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố.

“Tôi không ngại vất vả, chỉ mong bản thân có nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ, tiếp sức cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Tôi cho đi không mong gì hơn, chỉ mong được nhận lại nụ cười. Đó chính là năng lượng, là sức mạnh, động lực để tôi cố gắng hơn trên hành trình thiện nguyện”, bà Liên tâm sự.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.