ĐNO - Hai năm qua, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác chi hỗ trợ người dân kịp thời theo chính sách của Chính phủ, thành phố; công tác an sinh xã hội, giúp đỡ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh cũng được các cấp chính quyền Đà Nẵng đặc biệt quan tâm.
Lực lượng chức năng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tặng quà cho người dân: Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Chung sức vượt qua dịch bệnh
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết số 39/2021/NQ-HĐND ngày 12-8 về chế độ đặc thù trong công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Ngoài các chính sách về chế độ phụ cấp chống dịch, thành phố còn hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2021-2022 với số tiền hơn 87 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho 19.741 hộ tiểu thương tại các chợ bị ảnh hưởng bởi dịch từ tháng 5 đến tháng 10 với tổng số tiền 30,13 tỷ đồng; hỗ trợ thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly y tế 40.000 đồng/khẩu/ngày; hỗ trợ chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 hơn 37 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ 100% tiền ăn cho đối tượng người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung; ủy thác 100 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng để cho vay chương trình giải quyết việc làm.
Trong điều kiện cả thành phố giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống Covid-19, song các gói hỗ trợ cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng Covid-19 vẫn được các cơ quan chức năng tiếp tục được triển khai thực hiện, nhằm chuyển tiền hỗ trợ kịp thời đến tay người dân.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), với tinh thần phải chăm lo, hỗ trợ kịp thời cho người dân, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, cũng như đề nghị UBND các quận, huyện giải quyết hồ sơ trực tuyến, triển khai chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND thành phố về việc hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 năm 2021.
Từ đó, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, cũng như an sinh xã hội. Việc chuyển tiền cho người dân có thể thực hiện theo hình thức chuyển khoản hoặc đưa trực tiếp thông qua các lực lượng chức năng ở địa phương. Tính đến ngày 17-8, Sở LĐ-TB&XH chi hỗ trợ gần 60 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng.
“Quan điểm của chúng tôi là dù khó khăn đến mấy cũng phải nỗ lực vượt qua để kịp thời chi trả các khoản hỗ trợ, giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn trước mắt để chung tay cùng thành phố chống dịch đạt hiệu quả cao nhất”, ông An nói thêm.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH thành phố, tính đến hết tháng 10-2020, qua hai đợt triển khai thực hiện chi trả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đã có 233.449 người được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng, góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân vượt qua khó khăn. Các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể đã nỗ lực hết sức, tranh thủ tối đa thời gian để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vượt qua năm 2020 đầy thách thức.
Ấm lòng lắm!
Từ ngày Covid-19 bùng phát, chị Nguyễn Thị Bé (trú tổ 66, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, làm nghề nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn) rơi vào cảnh thất nghiệp. Vốn là hộ nghèo, hoàn cảnh mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, mất nguồn thu nhập hơn một tháng qua, gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn hơn.
Cách đây không lâu, chị Bé được UBND phường Hòa Khánh Nam mời đến nhận 500.000 đồng tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, cùng 1 thùng sữa, 1 bao gạo và 1 thùng mì tôm, chị vui mừng khôn xiết. “Trong lúc khó khăn không làm ra tiền, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ tiền và lương thực, thực phẩm, tôi cảm thấy vui, ấm lòng lắm”, chị Bé chia sẻ.
Ở các khu cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực phong tỏa, đối mặt với nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, UBND thành phố quyết định chi hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày. Chị Trần Thị Trúc Hà (quê Hà Nội), trú tổ 80 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chia sẻ: "Ngày thường đã thấy người dân Đà Nẵng thân thiện, dễ mến. Khi Covid-19 bùng phát, tôi càng hiểu hơn sự quan tâm, đồng hành, động viên của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, gia đình tôi xúc động lắm. Ngoài được hỗ trợ tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày, vài ba hôm gia đình tôi còn được các cấp hội, đoàn thể tặng lương thực, thực phẩm. Mỗi lần nhận những món quà đầy ắp nghĩa tình trong lúc dịch bệnh khó khăn như thế này, gia đình tôi lại cảm thấy biết ơn".
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), trên địa bàn xã hiện có hai khu vực thực hiện cách ly y tế với gần 100 hộ dân. Cùng với việc tích cực vận động hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho những hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, chính quyền địa phương cũng kịp thời chi hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày cho những trường hợp trong khu cách ly y tế, giúp họ có bữa ăn tươi ngon hơn. Hầu hết người dân sau khi nhận được hỗ trợ từ Nhà nước, họ rất vui mừng, như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua dịch bệnh.
Covid-19 không chỉ khiến bao gia đình rơi vào cảnh khó khăn, các công nhân làm việc ở các công trình, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn thành phố cũng lao đao không kém. Chấp hành quy định của thành phố, nhiều người ở lại công trình hoặc nhà trọ để phòng, chống dịch. Với những đối tượng này, chính quyền địa phương cũng kịp thời quan tâm, giúp đỡ.
Sau khi tiếp nhận thông tin một nhóm thợ xây nhà (quê ở Quảng Bình) ở trọ tại đường Chính Hữu, phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) gặp khó khăn do không về quê được, tối ngày 16-8, lãnh đạo phường Phước Mỹ đã cử lực lượng đến thăm, động viên và hỗ trợ 10 kg gạo, 2 thùng mì và một số rau, củ, quả để họ ăn uống hằng ngày.
Những món thực phẩm như thế này sẽ được chuyển đến người dân khu cách ly y tế phường Nại Hiên Đông. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Không để người dân thiếu đói
Trong hai ngày 16 và 17-8, Sở Công thương điều phối nguồn lương thực, thực phẩm từ các doanh nghiệp tài trợ về các quận, huyện để hỗ trợ người dân. Cụ thể, quận Sơn Trà 157 tấn củ quả, quận Ngũ Hành Sơn 4.500 suất quà (lương thực và đồ khô).
Các quận, huyện Thanh Khê, Hải Châu, Hòa Vang nhận tổng cộng 475 tấn củ quả. UBND thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện chủ động làm việc với doanh nghiệp tài trợ để triển khai thực hiện kế hoạch phân bổ hàng hóa tới các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách; tuân thủ các quy định về phòng, chống Covid-19. Theo đó, 30.000 suất quà gồm thực phẩm, đồ khô sẽ được phân bổ cho 10.067 hộ nghèo, 4.147 hộ cận nghèo và 15.786 hộ khó khăn trên địa bàn thành phố.
Ngoài các nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm doanh nghiệp hỗ trợ kể trên, UBND các quận, huyện cũng có nhiều nỗ lực trong việc vận động, dự trữ hàng hóa để hỗ trợ người dân, bảo đảm không để xảy ra trường hợp người dân thiếu đói trong thời gian diễn ra dịch bệnh.
Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho biết, đến thời điểm hiện nay, chính quyền địa phương cấp phát lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. UBND phường dự trữ 5 tấn gạo, 200 thùng mì ăn liền, rau, củ, quả…để kịp thời hỗ trợ người dân, bảo đảm không để xảy ra trường hợp nào thiếu đói.
Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, thông qua các kênh hỗ trợ, UBND quận Thanh Khê hỗ trợ, chia sẻ nguồn lương thực, thực phẩm với người dân thuộc diện gia đình chính sách, khó khăn, neo đơn.
UBND quận Thanh Khê yêu cầu các phường dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, nắm cụ thể từng hoàn cảnh trên địa bàn mình quản lý, để kịp thời hỗ trợ người dân khi họ gặp khó khăn. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Công, qua nắm tình hình, hiện nay nguồn lương thực, thực phẩm ở quận Thanh Khê tương đối dồi dào, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có khó khăn đột xuất.
NGỌC ĐOAN