Chỉ trong vòng 24h, 1.176 người tại Mỹ đã thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 và trên 27.000 ca nhiễm mới. Trong khi đó, Thủ tướng Anh sau khi nhập viện vì những triệu chứng dai dẳng của bệnh Covid-19 đã chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt vì bệnh tình diễn biến xấu đi.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể bệnh nhân vào xe tải lạnh được chuyển thành nhà xác tạm thời bên ngoài bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York ngày 4-4. Ảnh: AFP/Getty Images |
Theo website chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 7-4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.341.662 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 74.522 ca tử vong, và 278.168 bệnh nhân đã bình phục. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ: Trên 10.000 ca tử vong, nhưng có "tia sáng" tại "điểm nóng" New York
Tới 6h sáng 7-4 (giờ VN), Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc Covid-19 với 364.059 ca, trong đó ngày 6-4 ghi nhận thêm 27.386 ca nhiễm mới, 1.176 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân đã tử vong lên 10.792 trường hợp. Số ca đã bình phục tại nước này là 19.536 bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết số ca tử vong trên thực tế có thể còn nhiều hơn bởi nhiều trường hợp có thể bị phân loại là tử vong do viêm phổi do thiếu các kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2". "Chúng ta thực sự mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng", Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, bác sĩ chuyên về phổi tại Bệnh viện trường Đại học John Hopkisn ở Baltimore, nhận định.
Cùng ngày, một trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đã tử vong do SARS-CoV-2 tại Giáo xứ East Baton Rouge, bang Louisiana. Trước đó, một số bang của Mỹ cũng đã xác nhận các ca tử vong là trẻ sơ sinh khác do virus SARS-CoV-2.
Tại bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tới gần hết tháng 4. Phát biểu trước báo giới trong một cuộc họp báo trực , ông Cuomo cho biết, số người tử vong ở New York trong 24h qua là 599 người, chỉ tăng 5 ca so với ngày trước đó, và đây là ngày thứ hai số ca tử vong ở tiểu bang này không tăng. Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo cũng cảnh báo, tiểu bang vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp, và chưa thể dự báo chính xác về thời gian của đỉnh dịch, đồng thời kêu gọi người dân New York tuân thủ quy định giãn cách xã hội dù thời tiết ấm lên khiến nhiều người muốn được ra đường. Ông nhấn mạnh: “Bây giờ không phải là lúc lơ là”. Tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở tiểu bang New York tính đến ngày 6-4 là 4.758 người, tổng số bệnh nhân là 130.689 người.
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 5-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cũng theo Thống đốc Cuomo, mặc dù số người nhập viện vẫn tăng, song tỷ lệ gia tăng bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện trong 3 ngày qua đã có dấu hiệu giảm xuống trong khi số người hồi phục tăng lên. Một tín hiệu tích cực nữa là New York hiện nay đã dự trữ đủ máy thở và trước mắt chưa cần bổ sung thêm.
Cùng ngày, Ủy viên Mark Levine thuộc Hội đồng Thành phố New York cho biết, chính quyền địa phương đang cân nhắc có thể phải tạm chôn cất các bệnh nhân tử vong trong những công viên của thành phố nếu các nhà xác quá tải.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thống đốc tiểu bang Wisconsin Tony Evers ngày 6-4 đã ký một sắc lệnh hành pháp quyết định hoãn tiến hành cuộc bầu cử sơ bộ, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7-4.
Không chỉ tác động tới bầu cử, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế nước Mỹ. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đã ở mức 12 hoặc 13%, cao hơn mức cao nhất trong cuộc Đại suy thoái. Bà Yellen cho rằng nếu có một thống kê thất nghiệp kịp thời, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ lên tới 12 hoặc 13% vào thời điểm này và tiếp tục tăng lên cao hơn. Cũng theo chuyên gia kinh tế này, mức độ của sự sụp đổ kinh tế đã làm mất "ít nhất 30%" tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý thứ hai, nhưng con số thực tế có thể còn tồi tệ hơn.
Anh: Thủ tướng Boris Johnson vào khoa chăm sóc đặc biệt
Văn phòng Thủ tướng Anh rạng sáng 7-4 (giờ Việt Nam) cho biết, Thủ tướng Boris Johnson đã được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện St Thomas ở London sau khi bệnh tình của ông diễn biến xấu. Trước đó, vào tối Chủ nhật, 5/4 vừa qua (theo giờ địa phương), ông Johnson đã nhập viện sau 10 ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Phố Downing cho biết, Thủ tướng Anh đã có những triệu chứng "dai dẳng" của bệnh Covid-19, được hiểu là có tình trạng sốt. Ban đầu, ông nhập viện để tiến hành thêm các xét nghiệm, tuy nhiên, sức khỏe của người đứng đầu Nội các đã diễn biến xấu đi. Ông Boris Johnson hiện vẫn tỉnh táo và chưa cần đến máy thở, tuy nhiên đã được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt để đề phòng trường hợp cần hỗ trợ thở. Cũng theo thông tin từ Phố Downing, trước khi vào khu chăm sóc đặc biệt, Thủ tướng Johnson đã gọi điện cho Ngoại trưởng Dominic Raaab để yêu cầu ông đảm nhiệm vai trò thay thế "khi cần thiết".
Trong khi đó, theo Bộ Y tế Anh, có thêm 439 bệnh nhân tử vong tại Anh trong 24h qua, nâng tổng số ca lên 5373, và trong 208.837 người đã xét nghiệm, xác định 51.608 ca dương tính.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo qua video rằng ông bị nhiễm SARS-CoV-2, tại số 10 phố Downing, London ngày 27-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Andrew Bailey cho biết sẽ không sử dụng biện pháp in tiền để hỗ trợ chính phủ bất chấp việc các khoản chi tiêu ngày càng tăng để bảo vệ nền kinh tế trước những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Tây Ban Nha: Số ca tử vong tiếp tục giảm
Trong 24 giờ qua, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha đã tăng thêm 528 ca lên 13.169 ca, số ca nhiễm tăng từ 130.759 ca lên 135.032 trường hợp.
Dù Tây Ban Nha có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy, song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2-4 vừa qua.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đang lên kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng, bao gồm cả những người không có triệu chứng mắc Covid-19, trong bước đi đầu tiên nhằm nới lỏng dần lệnh phong tỏa. Cho đến nay, Tây Ban Nha mới chỉ xét nghiệm cho những người đã nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ giúp xác định được những người mang mầm bệnh nhưng lại chưa có triệu chứng.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Burgos, miền Bắc Tây Ban Nha ngày 2-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Italy: Đường cong dịch tiếp đà đi xuống
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 6-4 đã xác nhận thêm 3.599 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, và đây là số ca bệnh mới thấp nhất kể từ ngày 17-3, qua đó làm dấy lên những hy vọng về việc đại dịch Covid-19 ở quốc gia Nam Âu này sẽ giảm nhẹ nhờ lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc được thực thi từ ngày 9-3. Italy cũng ghi nhận thêm 636 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy, cao hơn so với 525 trường hợp được thống kê trong ngày 5-4, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 thiệt mạng lên 16.523 người - mức cao nhất trên thế giới. Tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Italy hiện là 132.547 người, trong đó có 22.837 bệnh nhân đã hồi phục.
Cùng ngày, Chính phủ Italy đã thông qua gói thanh khoản trị giá 750 tỷ euro nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19, trong đó huy động 200 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và 200 tỷ euro để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.
Nhân viên y tế đeo mặt nạ bảo hộ khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Bergamo, Italy ngày 3-4-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Na Uy tuyên bố đã kiểm soát dịch
Theo Chính phủ Na Uy, tỷ lệ lây truyền virus SARS-CoV-2, con số người nhiễm bệnh mới trên mỗi bệnh nhân, đã giảm xuống mức 0,7 - thấp hơn so với tỷ lệ 2,5 khi các biện pháp ngăn chặn như đóng cửa các địa điểm công cộng, cấm các sự kiện thể thao và văn hóa được triển khai hồi giữa tháng 3.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoie nhấn mạnh: “Điều này có nghĩa là chúng tôi đã đưa tình trạng lây nhiễm virus corona vào trong tầm kiểm soát”.
Đức chuẩn bị các biện pháp sau khi lệnh phong tỏa kết thúc
Chính phủ Đức đang soạn thảo một loạt biện pháp, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và nhanh chóng truy vết những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Giới chức Đức cho rằng các đề xuất này có khả năng giữ cho tỷ lệ người bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân Covid-19 ở mức dưới 1 người, đảm bảo cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường sau khi lệnh phong tỏa kết thúc vào ngày 19-4 tới. Tính đến 6h sáng 7-4 (giờ Việt Nam), số trường hợp mắc Covid-19 trên toàn nước Đức đã vượt ngưỡng 100.000 người, cụ thể đang là 100.132 người, và 1.584 trường hợp tử vong.
Nga: Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục trong một ngày
Theo thông báo ngày 6-4 của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Nga trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 954 ca mắc bệnh tại 49 tỉnh thành trên cả nước. Đây là mức tăng kỷ lục ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày tại nước này.
Cùng ngày, nhà chức trách Nga thông báo bắt đầu triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nhà có thu phí theo yêu cầu thông qua một hệ thống xét nghiệm có độ nhạy và tính chính xác cao. Kết quả sẽ được gửi qua email trong vòng từ 1-2 ngày.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm Covid-19 tại St. Petersburg, Nga ngày 2-4-2020. Ảnh: THX/ TTXVN |
Các nước châu Âu khác xem xét nới lỏng hạn chế
Trong bối cảnh số ca mắc bệnh có chiều hướng thuyên giảm, nhiều nước ở châu Âu thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế hay xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly vốn được triển khai nhằm làm giảm sự lây lan của dịch Covid-19. Áo thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 14-4 tới, song điều này còn phụ thuộc vào việc người dân có tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội hay không. Cụ thể, các cửa hàng nhỏ có diện tích từ 400 m2 trở xuống, các cửa hàng thiết bị và cửa hàng cây cảnh có thể được mở cửa trở lại với những điều kiện an toàn nghiêm ngặt. Kể từ giữa tháng Năm, các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác có thể sẽ hoạt động trở lại theo từng giai đoạn.
Trong khi đó, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần các biện pháp cách ly và những hạn chế nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng đang nỗ lực tránh làn sóng dịch bệnh thứ hai có thể gây quá tải hệ thống y tế. Đan Mạch - một trong những nước đầu tiên ngừng hoạt động và đóng cửa biên giới - đã trở thành quốc gia đầu tiên vào tuần trước đưa ra lịch trình dỡ bỏ các hạn chế. Chính phủ Séc đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp tỏa nếu trong những ngày tới, số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này tính theo ngày ổn định.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar (phải) phát biểu trong cuộc họp báo tại Armagh ngày 14-3-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Iran: Ngày thứ 6 liên tiếp giảm ca nhiễm mới
Dịch Covid-19 tại Iran đang diễn biến theo chiều hướng khả quan khi liên tiếp nhiều ngày qua ghi nhận số ca nhiễm mới giảm. Tuy nhiên, giới chức và các chuyên gia y tế nước này vẫn cảnh báo bệnh dịch chưa hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Iran vừa công bố, ngày 6-4 là ngày thứ 6 liên tiếp Iran ghi nhận số ca nhiễm mới giảm sau ngày 31-3 - thời điểm nước này ghi nhận số ca nhiễm mới lên con số kỷ lục 3.111 ca. Cụ thể, trong 24 giờ qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận thêm 2.274 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 136 ca tử vong. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm ở Iran đã lên tới 60.500 ca và tổng số ca tử vong do Covid-19 là 3.739 ca.
Hiện Iran cũng là quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của Bộ Y tế Iran, việc nước này liên tục ghi nhận số ca nhiễm mới giảm dần cho thấy hiệu quả của biện pháp giãn cách xã hội - hiện được nhiều nước áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tổng thống Iran Hassan Rouhani một lần nữa kêu gọi người dân nước này ở nhà, đồng thời cảnh báo Tehran có thể quay trở lại tình hình khó khăn do dịch bệnh nếu người dân không thực hiện nghiêm ngặt các quy định và hướng dẫn y tế.
Phụ nữ may khẩu trang và đồ bảo hộ chống dịch Covid-19 tại Tehran, Iran ngày 5-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Israel phong tỏa đất nước trong Lễ Vượt qua
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6-4 tuyên bố sẽ ra lệnh phong tỏa đất nước trong kỳ nghỉ lễ Passover (Lễ Vượt qua của người Do Thái). Theo đó, lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ 4h00 chiều 7-4 và kết thúc vào 7h sáng 10-4 (theo giờ địa phương) nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 trong kỳ nghỉ Lễ Vượt qua của người Do Thái.
Tính đến ngày 6-4, Bộ Y tế Israel đã xác nhận 8.904 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong ở nước này cũng đã tăng lên 57 trường hợp và có 140 bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 6-4 cho biết chính phủ nước này sẽ tung ra gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yen (989 tỷ USD), trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tác động tới nền kinh tế thứ 3 thế giới. Theo Thủ tướng Abe, quy mô của gói cứu trợ tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Gói cứu trợ này lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ, trị giá 56.800 tỷ yen mà Tokyo đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự kiến, chi tiết của gói cứu trợ sẽ được công bố trong ngày 7-4.
Các em học sinh trường tiểu học Senju Sakura đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 6-4-2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Cùng ngày, Thủ tướng Abe cũng đã quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với 7 tỉnh thành tại Nhật Bản, bao gồm Tokyo, từ ngày 7-4. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép thống đốc, tỉnh trưởng 7 tỉnh, thành nói trên yêu cầu người dân hợp tác trong công tác phòng chống dịch COVID-19 như không ra ngoài trong trường hợp không cần thiết.
Indonesia: 24 bác sĩ tử vong vì Covid-19
Bộ Y tế Indonesia ngày 6-4 xác nhận có thêm 218 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 2.491. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại Indonesia kể từ khi quốc gia này phát hiện ca bệnh đầu tiên cách đây một tháng. Ngoài ra,có thêm 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 209, trong khi có tổng cộng 192 đã khỏi bệnh. Đây là con số tử vong do Covid-19 cao nhất tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc.
Cùng ngày hãng tin Reuters dẫn nguồn Hiệp hội Bác sĩ Indonesia cho biết có 24 bác sĩ nước này đã tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2. Con số tử vong trong đội ngũ nhân viên y tế đã tăng gấp đôi kể từ tuần trước, sau những chỉ trích về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ tại Indonesia.
Cảnh sát mặc trang phục bảo hộ tại nghĩa trang Tegal Alur, Jakarta nơi họ giám sát việc chôn cất người tử vong vì Covid-19. Ảnh: AFP |
Philippines xem xét gia hạn phong tỏa đến hết tháng 4
Tại Philippines, có thêm 414 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tính đến cuối ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 3.660. Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 11 ca lên 163. Theo tờ Philstar, Tổng thống Rodrigo Duterte nhiều khả năng sẽ gia hạn phong tỏa trên đảo Luzon cho đến ngày 30-4.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi khử khuẩn tại Manila, Philippines, ngày 6-4. Ảnh: EPA-EFE |
Theo Báo Tin tức