Tái lập trừng phạt không có hiệu lực pháp lý

.

Cuối tuần trước, Mỹ tuyên bố chính thức khởi động “quy trình đảo ngược” (snapback) nhằm tái lập tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) trước năm 2015 đối với Iran. Lý do Mỹ đưa ra là Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA).

“Snapback” là tiến trình rất phức tạp, được dự trù trong nghị quyết LHQ năm 2015 về dỡ bỏ trừng phạt đổi lấy việc Iran ngừng chương trình vũ khí nguyên tử. Quy trình này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ nếu Tehran không tuân thủ những điều khoản trong thỏa thuận. Khi cơ chế này được khởi động, trong vòng 30 ngày, các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Iran sẽ tự động được tái lập.

Phản ứng trước quyết định đơn phương của Mỹ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố chưa đưa ra hành động nào về các biện pháp trừng phạt Iran do “có sự không chắc chắn” liên quan đến vấn đề trên. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, đã bác bỏ tuyên bố đơn phương của Mỹ về việc nối lại các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran. Ông Borrell coi JCPOA là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế “những hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại”.

Trong một thông cáo chung, các nhà ngoại giao của Pháp, Anh và Đức ghi nhận Mỹ không còn là một bên tham gia JCPOA khi họ rút khỏi thỏa thuận vào ngày 8-5-2018.

Có thể nói, hiếm khi nào giọng điệu giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gay gắt như thế. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí cáo buộc đích danh 3 nước Pháp, Anh, Đức là đã “chọn cách đứng về phía các giáo chủ” đang nắm quyền ở nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ông Pompeo chỉ trích việc Paris, London và Berlin hồi tuần trước đã không bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết do Mỹ đề nghị nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.

Theo hãng tin AFP, nếu các trừng phạt đó thật sự được tái lập, Iran có thể tuyên bố rằng JCPOA đã chết hẳn, hoặc có thể chờ xem kết quả bầu cử tổng thống Mỹ như thế nào, ông Trump có tái đắc cử hay không, rồi mới quyết định.

Chuyên gia về Iran Ellie Geranmayeh, thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại nhận định: “Chắc chắn ông Trump sử dụng “snapback” như một mưu toan vô vọng nhằm triệt tiêu thỏa thuận hạt nhân Iran trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ”. Theo chuyên gia này, dù kết quả như thế nào đi nữa, chiến lược của Mỹ “sẽ để lại những tác hại lâu dài trong Hội đồng Bảo an và khiến Mỹ càng thêm bị cô lập trong vấn đề hạt nhân của Iran”. Mới đây, Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 27 cá nhân và thực thể liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, trong đó có 5 nhà khoa học của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trong bài phát biểu được phát trên kênh truyền hình quốc gia Iran ngày 19-9, Ngoại trưởng nước này, ông Javad Zarif, khẳng định Mỹ sẽ không thể khôi phục các lệnh trừng phạt Iran, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt trên. Ngày 21-9, người phát ngôn Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi tuyên bố, việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số nhà khoa học Iran vì tham gia chương trình hạt nhân của nước này là hành động vô nghĩa.

Diễn biến trên cho thấy, Mỹ bị cô lập về thỏa thuận JCPOA khi các nước lớn khác, đặc biệt là những đồng minh châu Âu, khẳng định các biện pháp trừng phạt chưa được áp đặt trở lại và hành động của Mỹ không có hiệu lực pháp lý. Các quốc gia thành viên LHQ đều đang chờ xem các động thái tiếp theo của Mỹ là gì. Vấn đề là đến nay đa số thành viên HĐBA LHQ không công nhận Mỹ có quyền kích hoạt cơ chế “snapback” bởi chính quyền của ông Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.