Bài Ngày cô khuất bóng được nhà thơ Ngân Vịnh viết bằng ngôn ngữ giản dị, chân thành.
Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ học trò viết về thầy, cô giáo cũ của mình tính ra không ít. Có những bài thơ cảm động như Thưa thầy của Hữu Thỉnh, hay một bài thơ trùng tên như vậy của Tạ Nghi Lễ; Lời ru của thầy của Đoàn Vị Thượng; Tuổi học trò của Ngô Văn Phú; Đọc thư thầy của Nguyễn Đình Ảnh; Nghe thầy đọc thơ, Bàn chân thầy giáo của Trần Đăng Khoa; Thăm thầy giáo cũ của Phạm Khoa Văn... Song, thơ khóc thầy, khóc cô từ biệt cõi đời thì không nhiều, thậm chí hiếm hoi. Ngân Vịnh, nhà thơ gắn bó trọn đời với xứ Quảng, có một bài thơ lay động lòng người có tựa đề Ngày cô khuất bóng.
Bài thơ viết theo thể lục bát, có 16 câu, diễn tả sự ra đi về cõi vĩnh hằng của cô giáo cũ. Dẫu biết đó là quy luật, song vẫn là một nỗi đau, nỗi đau mất một người thân, mất một nguồn tình cảm trân quý, nghĩa thầy trò, tình sư đệ sâu nặng. Nhà thơ chỉ dám nói “khuất bóng” nhằm làm giảm nhẹ sự mất mát.
Bốn câu đầu hầu như không có chút văn chương chữ nghĩa, chỉ thấy nỗi niềm: Khói sương mờ cõi hoàng hôn/ Ngày cô khuất bóng gió dồn bãi sông/ Nhìn trang giáo án bỏ không/ Ngọn đèn lụi bấc mênh mông đêm buồn...
Các câu thơ nói đến buổi chiều, có “khói sương” làm mờ cõi hoàng hôn. Khói sương của đất trời hay sương khói của lòng người? Gió dồn thổi trên bãi sông hay cơn sóng lòng dồn lên trong ngày cô khuất bóng? Cô đi rồi, trang giáo án bỏ không, nằm lại trên bàn. Những trang giáo án một đời gắn bó với nghề dạy học, gắn bó với bao lứa tuổi học trò. “Ngọn đèn lụi bấc” có thể là ngọn đèn - cuộc đời của cô ngắn ngủi và cũng có thể, như tục lệ dân gian, ngọn đèn dầu, ngắn bấc thắp lên, nhưng ánh sáng không che hết cái mênh mông, sâu thẳm của đêm buồn. Câu thơ da diết, tê tái.
Bốn câu tiếp theo, diễn tả tâm trạng của người học trò, trở về trong cảnh chiều tà: “nắng quái mưa tuôn”, “ngơ ngác”: Qua chiều nắng quái mưa tuôn/ Em về ngơ ngác con đường vắng cô/ Tiếng chuông chùa vọng mơ hồ/ Khoảng vườn nghe mỏng lá ngô rụng vàng.
“Lá ngô rụng vàng”, một điển tích chỉ mùa thu về, nghĩa chính là nói đến sự chia ly. Cô giáo cũ về cõi vĩnh hằng gợi nên nỗi buồn vô hạn nơi người học trò, vốn thương quý cô, cộng với tiếng chuông chùa đồng vọng vào buổi chiều, tiễn đưa một linh hồn, khiến các câu thơ chùng xuống, tưởng nghe cả những lá ngô đồng, rụng vàng khoảng vườn, mơ hồ, mỏng manh. Mỏng như chiếc lá. Mỏng như đời người.
Lại tiếp 8 câu thơ mô tả một cuộc đời thanh bạch, “không chen lấn, chẳng dọc ngang”, “sống nghèo với mái trường làng vậy thôi”. Bao thế hệ học trò, qua sự dạy dỗ của cô, khôn lớn, nên người, vào đời. Cô, một đời vẫn vậy, “buồn vui với bụi phấn”, “Lặng im sợi tóc bạc dần/ Con đò nối bến xa gần nhớ quên”. Người ta ví người thầy như con đò. Con đò ở yên một chỗ, lặng lẽ với trường lớp. Khách qua đò - những người học trò - tiếp tục rời bến.
Các dòng thơ được viết ra từ cảm nhận chân thành, trân trọng và lòng biết ơn. Sự tri ân của người học trò gửi yêu thương vào các từ “sống nghèo”, “buồn vui”, “bụi phấn”, “mái trường làng”, “nét mặt hiền”, “chả để lụy phiền cho ai”. Sáng trong, thanh sạch, chỉ vậy thôi mà sao xúc động lòng người.
Không ai không bước qua ngưỡng cửa học đường, ngưỡng cửa ấy để lại trong tâm thức mỗi người những bóng hình thầy, cô giáo thân thương, theo ta đi suốt một đời, không thể thể nào quên được.
Bài Ngày cô khuất bóng được nhà thơ Ngân Vịnh viết bằng ngôn ngữ giản dị, chân thành; nỗi mất mát là tiếng khóc thật, thuần khiết, cao đẹp.
NGÂN VỊNH Ngày cô khuất bóng Khói sương mờ cõi hoàng hôn |
HUỲNH VĂN HOA