* Đèn Hoa Kỳ có phải do Mỹ sản xuất? Khi chưa có điện, người Việt còn thắp sáng bằng các loại đèn nào khác? (Trần Hùng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
- Đèn Hoa Kỳ (Nam Bộ gọi là Huê Kỳ) là một trong những loại đèn được người Việt sử dụng khi chưa có điện như đèn măng-sông, đèn tọa đăng (đèn lớn để bàn, còn gọi là đèn bát vì có bình chứa dầu to bằng cái bát), đèn treo...
Đèn Hoa Kỳ. Ảnh: lazi.vn |
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa đèn Hoa Kỳ là đèn dầu hỏa nhỏ, có bấc tròn.
Đèn Hoa Kỳ được tác giả Nhất Thanh mô tả trong cuốn Đất lề Quê thói (Đại Nam tái bản, 1968, tr.258): “Cuối thế kỷ XIX, người Tây đem dầu lửa, cũng gọi dầu hôi, vào dùng và bán (...). Hãng bán dầu đã chế ra thứ đèn nhỏ, ngọn lửa vừa bằng ngọn đèn dầu chay, đèn được cho không kèm theo mỗi thùng dầu bán ra, để làm quảng cáo; không rõ lúc ấy dầu lửa từ xứ nào nhập cảng, mà cái đèn kia được gọi là đèn Hoa-kỳ (sic); ngày nay tại nhiều nhà nó vẫn là bạn cố tri bên cạnh cái điếu thuốc lào”.
Tác giả Võ Văn Dật trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975) (NXB Nam Việt, CA, 2007, tr.286), không chỉ mô tả tương tự “đèn Hoa Kỳ còn gọi là đèn hột vịt, loại đèn nhỏ, có bóng thủy tinh che gió, to bằng hột vịt” mà còn đưa ra xuất xứ của cách gọi đèn Hoa Kỳ khi cho biết đèn này được thắp sáng “bằng dầu lửa do SOCONY và Compagnie Franco-Asiatique nhập khẩu và cung cấp”.
SOCONY là cách viết tắt của Standard Oil Company of New York (Công ty Dầu Tiêu chuẩn của New York). Compagnie Franco-Asiatique viết đầy đủ là Compagnie Franco-Asiatique des Pétroles (Công ty Dầu khí Pháp-Á), viết tắt CFAP. SOCONY mang dầu lửa từ Mỹ sang bán cho người Việt, muốn bán được dầu với số lượng lớn, họ đặt làm một loại đèn nhỏ và phát không cho người mua dầu, một cách quảng cáo hiệu quả nhằm cạnh tranh với hãng dầu Shell của Anh bấy giờ. Từ đó, người Việt gọi loại đèn này là “đèn Hoa Kỳ” mặc dù không có dòng chữ “Made in USA” nào được ghi trên đèn như tất cả các sản phẩm chính hiệu do Mỹ sản xuất.
ĐNCT