Biệt hiệu của quan Thượng đất Gò Nổi

.

Mặc dù việc quan thường ngày không liên quan đến văn chương nhưng Phạm Phú Thứ lại được hậu thế ngợi khen về tài thơ ca. Ông có nhiều tên hiệu, biệt hiệu, trong đó có một số biệt hiệu gắn với những thăng trầm trên bước hoạn lộ của ông.

Chân dung Phạm Phú Thứ (ảnh trái) và lăng mộ ông ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.  (Ảnh tư liệu)
Chân dung Phạm Phú Thứ (ảnh trái) và lăng mộ ông ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh tư liệu)

1. Phạm Phú Thứ (1921-1882) người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nằm trong vùng đất Gò Nổi lừng danh xứ Quảng. Ông ban đầu có các tên Hào 豪 (hào kiệt), tự Thúc Minh; Thứ 恕 (rộng lượng). Về sau, vua Thiệu Trị đổi lại tên chữ cho ông, đọc vẫn là Thứ nhưng viết 庶 (có nghĩa là đông đúc), tên tự là Giáo Chi (Dạy Người). Ông có nhiều tên hiệu, biệt hiệu như Trúc Đường (Nhà Tre), Giá Viên (Vườn Mía), Trúc Ẩn (Ẩn Trong Tre), Giang Thụ Sào (Tổ chim treo trên Cây ven Sông), Nông Giang Điếu Đồ (Người câu trên sông Lợi Nông). Khi mất, ông được vua Tự Đức ban tên thụy là Văn Ý Công.

Là một đại thần Nhà Nguyễn, Phạm Phú Thứ từng được cử làm Phó sứ trong Phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. Qua chuyến đi này, ông nhận ra rằng, chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi thảm họa lạc hậu. Sau khi về nước, năm 1866 ông được thăng chức Hộ bộ Thượng thư, tương đương với Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày nay.

Bộ Hộ, thời Lê sơ, giữ việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khóa, muối và sắt; thời Nguyễn giữ chính sách điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc, điều hòa nguồn của cải nhà nước... Việc thường ngày của Thượng thư Phạm Phú Thứ không liên quan đến văn chương, ấy vậy mà ông đã để lại cho đời một pho trước tác bằng chữ Hán ít người sánh kịp, ngoài ra còn cho khắc in để phổ biến một số sách thực dụng do người Trung Quốc dịch từ sách tiếng Anh ra chữ Hán.

2. Thuở thiếu thời, Phạm Phú Thứ ra trọ học ở Huế, lấy bút hiệu “Giang Thụ Sào” trong các tác phẩm của mình. Về điều này, tác giả Phạm Phú Phong trong bài “Học trò trong Quảng ra thi...” đăng trên Báo Quảng Nam ngày 3-1-2014 cho biết: “Nơi ở của Thượng thư Phạm Phú Thứ, thuở còn đi học là căn gác nhỏ ở một xóm lao động, theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế - NV), là ở ven bờ sông Hương, bây giờ là đường Trịnh Công Sơn, nơi ông hòa mình vào cuộc sống những người lao khổ và đã làm hằng trăm bài thơ về họ, ký bút danh là Giang Thụ Sào (Cái tổ chim treo trên Cây ven Sông), nay tuyệt nhiên không thể tìm thấy dấu vết gì”.

Giang Thụ Sào cũng đã được học giả, nhà báo Phan Khôi - đồng hương Gò Nổi với Phạm Phú Thứ - dẫn lại trong một câu chuyện văn chương khác.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, từ năm 1929, Phan Khôi mở mục “Ngự sử đàn văn” trên tuần báo Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn, đến năm 1936 mở trên tuần báo Sông Hương (do Phan Khôi sáng lập, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút) để chuyên dọn vườn văn, chỉ ra những sai sót về hành văn, về dùng từ đặt câu, về dùng thành ngữ, điển tích… trong các bài viết của đồng nghiệp trên báo chí, văn học.

Trên Sông Hương số 10 ra ngày 2-10-1936, ông Phan (ký tên là Ngự Sử) “mắng khéo” một tạp chí nọ là... nói bậy khi viết “Ải Vân quan, nhiều người gọi lầm là Hải Vân”! Bởi Ải Vân là tiếng Nôm, như thế thì không thể thêm chữ “Quan” vào được; mà “Hải Vân Quan” mới là tiếng chính thức, mới là đúng vậy. Để chứng minh điều này, ông dẫn câu đối chữ Hán của Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Tư Giản (người Đông Anh, Hà Nội) khóc đồng liêu Phạm Phú Thứ: “Giang Thụ Sào, liệt hậu tư, nhân thế gian nan thành độc vãng/ Hải Vân Quan, mộng trung lộ, giao du linh lạc thảng ngô suy”.

Bản thân Phạm Phú Thứ trong bài thơ “Ký yên sứ chính hành giới Bùi thị lang thiều thứ” cũng nhắc đến bút danh/biệt hiệu của mình: “Hàm giang bệnh khách Nam chi tứ/ Thái cúc trì quân Giang Thụ tân” (Ở Hàm giang khách bệnh nghĩ Nam chi mà nhớ quê hương/ Bẻ hoa cúc mà chờ người ở bờ Giang Thụ Sào).

3. Biệt hiệu Nông Giang Điếu Đồ của Phạm Phú Thứ liên quan đến quãng thời gian ông bị thất sủng, bị quở phạt vì trái ý vua. Bài viết giới thiệu về nhân vật Phạm Phú Thứ trên Cổng thông tin điện tử thị xã Điện Bàn (dienban.quangnam.gov.vn) cho biết, năm Tự Đức thứ hai (1849), Phạm Phú Thứ trở về kinh đô Huế lãnh chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua) ở Viện Tập hiền rồi ở Tòa Kinh diên (nơi giảng sách cho vua). Tại đây, thấy vua trẻ ham vui chơi, lơ là triều chính, trong lúc đất nước bắt đầu bị đe dọa bởi giặc Pháp, ông đã mạnh dạn dâng sớ can gián nhà vua với những lời lẽ thiết tha và thẳng thắn. Nội dung bản sớ đại lược là “Lễ đại đình ít thấy ra triều thị, nhạc nội uyển kèn trống suốt cả đêm, nhà Kinh diên lâu không tới giảng, chốn triều đình lâu không ban hỏi, thần tử ở bốn phương phủ huyện cũng lâu không được thừa chỉ thanh vấn. Lại nói: thái y phương thuốc điều hòa, thực cũng quá ư nghệ thuật, quần thần dâng sớ thỉnh an, vì tình khuất cả lời nói”.

Cho rằng Phạm Phú Thứ phạm thượng, bất kính, vua Tự Đức đã cách chức và giam ông ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Xét án, triều đình khép ông vào tội đồ (đày đi xa); song nhà vua cho rằng đó chỉ là “lời nói khí quá khích, không nỡ bỏ, nhưng răn về (tính) nóng bậy”, nên ông chỉ bị đày làm “thừa nông dịch” (lính trạm chuyên chạy về việc canh nông) ở trạm Thừa Nông (Huế).

Bạn bè thân thích, trong đó có cả Hoàng thúc của nhà vua là Tùng Thiện Công Miên Thẩm, đều lo cho số phận của Phạm Phú Thứ, nhưng ông không những tự tin về việc làm của mình mà còn sống rất lạc quan, lúc rảnh rỗi thì câu cá, ngắm cảnh, làm thơ, nên có biệt hiệu là Nông Giang Điếu Đồ (người câu trên sông Lợi Nông) và sáng tác tập thơ Nông giang Thi lục gồm 29 bài.

Giang Thụ Sào, Nông Giang Điếu Đồ cũng là cách nhà thơ - quan Thượng đất Gò Nổi hay tự gọi mình trong tác phẩm “Giá Viên toàn tập” của ông.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.