CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XXII ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Chính quyền đô thị: Mô hình để Đà Nẵng phát triển bền vững

.

Thực hiện mô hình Chính quyền đô thị (CQĐT) là cần thiết để thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra.

Thực hiện Chính quyền đô thị với mục tiêu thông suốt, hiệu lực, hiệu quả sẽ thúc đẩy Đà Nẵng phát triển bền vững. Trong ảnh: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG THU
Thực hiện Chính quyền đô thị với mục tiêu thông suốt, hiệu lực, hiệu quả sẽ thúc đẩy Đà Nẵng phát triển bền vững. Trong ảnh: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN TRUNG THU

Từ thực tiễn nhu cầu phát triển thành phố

Nêu các lý do thực hiện mô hình CQĐT là nhu cầu phát triển tất yếu của Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết: Thứ nhất, điều này phù hợp với Điều 111 Hiến pháp và cụ thể hóa quy định Khoản 14 và Khoản 17 của Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thứ hai, tiếp tục thực hiện việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thứ ba, phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn quản lý nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít (có 6 quận) nên thí điểm mô hình này tạo thuận lợi nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thứ tư, đây là mô hình mà thành phố Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009-2016.

Tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra rằng trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế còn có một số hạn chế. Những hạn chế, bất cập kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Chính trị tiếp tục xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là trung tâm, đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương: “Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình CQĐT phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố” và “cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”.
Căn cứ chủ trương của Bộ Chính trị và nhiệm vụ trọng tâm được phân công, Sở Nội vụ đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 13181-QĐ/TU ngày 12-7-2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình CQĐT.

Tại Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 19-6-2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại thành phố Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021 theo Nghị quyết số 119/2020/QH14.

Bảo đảm quyền làm chủ của người dân

Mô hình CQĐT mà Đà Nẵng được phép thí điểm tổ chức là mô hình 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Chính quyền thành phố được tổ chức gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố là UBND quận (không tổ chức HĐND quận), là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố.

Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại thành phố là UBND phường (không tổ chức HĐND phường), là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố, UBND quận. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của thành phố Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Mục đích của việc thí điểm mô hình CQĐT tại thành phố Đà Nẵng phù hợp với tính chất, đặc điểm trong quản lý đô thị mà không làm giảm vai trò của cơ quan dân cử. Vai trò của HĐND và mỗi đại biểu HĐND thành phố tiếp tục được củng cố, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện vai trò giám sát, chức năng đại diện cho cử tri thành phố, qua đó bảo đảm quyền đại diện và phát huy dân chủ của người dân. Việc thực hành quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn tiếp tục được thực hiện thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở cơ sở và thông qua vai trò của cả hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó có Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Để tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở quận, Nghị quyết đã bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận. Đồng thời, để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND thành phố, Nghị quyết quy định HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Khi thí điểm mô hình CQĐT, cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố thay đổi theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Mỗi Ban của HĐND thành phố sẽ có không quá 2 phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách để tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố. Nghị quyết cũng quy định bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố và của Chủ tịch UBND thành phố để phù hợp với mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính quận, phường.

UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng

Điểm mới và hết sức quan trọng khi thí điểm CQĐT tại quận, phường là quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND. Theo đó, UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu UBND quận, chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận.

Đối với phường, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường cũng tương tự UBND quận. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường.

Việc quy định UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng nhằm bảo đảm sự phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại quận, phường khi không tổ chức HDNĐ quận, phường; với đặc thù trong quản lý đô thị là tính thống nhất, tập trung xuyên suốt, các công việc được xử lý nhanh chóng, kịp thời, giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực, tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường. Mặc dù làm việc theo chế độ thủ trưởng nhưng hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND đều đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và sự giám sát của người dân nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cơ quan, chức danh này.

Khi thực hiện thí điểm CQĐT, mô hình tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến phường, xã không thay đổi so với hiện nay. Tuy nhiên khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT yêu cầu đặt ra phải tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm giám sát, kiểm soát quyền lực.

ĐOÀN SƠN

;
;
.
.
.
.
.