Những năm qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản và có ý nghĩa nhiều mặt trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, với vai trò động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, 5 năm qua, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư và đã trở thành điểm đến đầu tư nhiều triển vọng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Hoạt động thu hút đầu tư 5 năm qua của thành phố đã có sự chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Sản xuất ở Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine. Ảnh: THÀNH LÂN |
Thu hút đầu tư tăng cả lượng và chất
Trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với việc tổ chức thường niên “Diễn đàn đầu tư”; các chương trình “Tọa đàm mùa Xuân”; “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” cũng như việc ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố, Đà Nẵng đã có những cải thiện hết sức ấn tượng trong hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư.
Hiệu quả thu hút đầu tư thể hiện ở sự gia tăng quy mô vốn đầu tư xã hội và tỷ lệ xã hội hóa đầu tư trên địa bàn. Môi trường đầu tư được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, nguồn lực xã hội từ khu vực kinh tế tư nhân được khơi dậy, phát triển và dần trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Trần Phước Sơn, trong 5 năm qua, thành phố đã thu hút 52 dự án đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư 68.418,9 tỷ đồng và 523 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD. Trong đó, có 60 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 144,5 triệu USD và 607 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn 212,1 triệu USD.
Riêng trong 3 năm thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” (2018, 2019 và 9 tháng đầu năm 2020), thành phố đã có 334 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt gần 846 triệu USD, chiếm 63,9% về số dự án và 81% về vốn đầu tư thu hút giai đoạn 2016-2020.
Theo số liệu thống kê đến tháng 9-2020, thành phố có 339 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 120.898 tỷ đồng; 869 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,518 tỷ USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 32.169 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 219.914 tỷ đồng.
5 năm qua, thành phố cũng đã kêu gọi thu hút được nhiều dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao như dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ); dự án Nhà máy Niwa Foundry Việt Nam, sản xuất các bộ phận thủy lực (Nhật Bản); Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina của Công ty TNHH ICT Vina Dentium Đà Nẵng (Hàn Quốc); dự án Nhà máy số ESTEC (Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tử tự động Biển Đông - ESTEC)…
Ngoài ra, thành phố cũng đã xúc tiến các dự án trọng điểm thu hút vào thành phố như: khu đô thị đại học, công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, Khu Công viên phần mềm số 2, Khu Công nghệ thông tin tập trung số 2, 3 Khu công nghiệp Hòa Ninh, Hòa Nhơn và Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, cảng Liên Chiểu…
Với những kết quả thu hút đầu tư ấn tượng đó, vị thế thành phố động lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày càng được củng cố. Những kết quả trên phản ánh sự nỗ lực của chính quyền trong cải thiện môi trường đầu tư.
Đổi mới môi trường đầu tư
Không chỉ dựa vào lợi thế sẵn có, các ban, ngành của thành phố còn đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới xúc tiến, thu hút và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Huỳnh Liên Phương cho biết, thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư tại thành phố có sự chuyển biến rõ nét.
Thành phố đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thông qua liên kết, hợp tác với các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore... Song song đó, thành phố tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với từng đối tượng thu hút đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, các tập đoàn lớn trong nước; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư theo chuyên đề và đối tác cụ thể; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức như JETRO (Nhật Bản), BOI (Thái Lan), KCCI (Hàn Quốc), IE (Singapore), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM)...
Trong những năm qua, việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (CNC & CKCN) trên địa bàn thành phố không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trưởng ban Quản lý (BQL) khu CNC & CKCN Phạm Trường Sơn cho biết, thời gian qua, BQL đã tích cực phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố, Sở Công thương, Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư… thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư vào các KCN, khu CNC. Nhờ đó, tình hình thu hút đầu tư đạt những kết quả khả quan. Hiện nay, thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực...
“Bên cạnh các dự án được đã cấp phép được khánh thành và đi vào hoạt động, BQL Khu CNC và CKCN Đà Nẵng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xúc tiến và thu hút đầu tư như: Hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư các KCN mới; tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng; rà soát, công bố quỹ đất quy hoạch; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để Đà Nẵng nói chung, Khu CNC và CKCN trên địa bàn nói riêng thực sự là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư có uy tín, năng lực trong các lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao”, ông Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, chính quyền thành phố cũng đang nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tinh thần “Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã và đang được chuyển hóa từ nhận thức thành hành động ở tất cả lãnh đạo và các cấp chính quyền, ban, ngành và các địa phương.
Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án xây dựng nhà xưởng cho thuê trong Khu CNC Đà Nẵng của Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn vào chiều 22-9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã triển khai nhiều chính sách tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, chính quyền các cấp đều vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư qua việc đơn giản hóa các thủ tục, giải phóng mặt bằng nhanh gọn và giải quyết triệt để vướng mắc...
Trong thời gian tới, để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cấp, các ngành triển khai tiếp tục triển khai hiệu quả Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030, tập trung xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1) làm cơ sở kêu gọi đầu tư xây dựng các khu bến cảng, bãi chứa container, kho hàng, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, trang thiết bị và hình thành khu đô thị cảng. Đồng thời triển khai thủ tục đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2; khai thác có hiệu quả Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (giai đoạn 1); triển khai các dự án thuộc đề án Xây dựng thành phố thông minh... |
THÀNH LÂN