Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng trong thời quan qua trên phạm vi cả nước, trong đó có lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng.
Đà Nẵng và Quảng Nam cần chủ động khai thác các nguồn nước thô không bị nhiễm mặn, các nguồn nước mới sạch, chất lượng, không bị ô nhiễm để bảo đảm sức khỏe, điều kiện sinh hoạt tiện nghi cho người dân; đồng thời chắt chiu, trữ nước ngọt…
Bài 1: Khai thác nước ngọt tại hệ thống thủy lợi An Trạch
Những năm qua, Đà Nẵng và Quảng Nam đã hứng chịu nhiều hậu quả của những bất cập về quy hoạch các hồ thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, đặc biệt là việc thủy điện Đăk Mi 4 chuyển hơn 50% tổng trữ lượng nước của lưu vực của sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Do vậy, Đà Nẵng cần nhanh chóng đầu tư các nhà máy nước khai thác nước ngọt từ hệ thống thủy lợi An Trạch để không còn lo lắng về nhiễm mặn và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đã thi công 3 tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, nhưng độ mặn tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ vẫn còn cao hơn 1.000mg/l. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cần giảm phụ thuộc vào thủy điện
Trong 10 năm qua và từ nay đến năm 2021, thành phố vẫn phải khai thác đến 95% trữ lượng nước thô tại hạ lưu của sông Vu Gia là sông Yên và sông Cầu Đỏ để cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Đặc biệt, từ năm 2012 đến cuối năm 2019, tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước xảy ra thường xuyên trong mùa kiệt, thậm chí còn xảy ra trong mùa mưa bão.
Nhưng các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng gần như không xây dựng thêm công trình phòng mặn chính thức nào cho 2 Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ và Sân bay. Trạm bơm phòng mặn An Trạch và đường ống chuyển tải nước thô từ đập dâng An Trạch về NMN Cầu Đỏ đã đưa vào sử dụng từ năm 2007 với công suất hoạt động tối đa thấp hơn công suất cấp nước của thành phố từ năm 2014, dẫn đến xảy ra thiếu nước trong nhiều thời điểm trong 6 năm qua.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Những năm qua, Đà Nẵng và các bên liên quan đã loay hoay tìm cách chống xâm nhập mặn. Trước mắt, các bên liên quan cần phối hợp điều tiết nước hợp lý cho Đà Nẵng khai thác ổn định nguồn nước thô, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố”. Hiện nay, Đà Nẵng đã khởi công dự án NMN Hòa Liên, nhưng trong tương lai, Đà Nẵng vẫn phụ thuộc vào nguồn nước từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
Theo định hướng nguồn tài nguyên nước mặt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng vẫn phải khai thác đến 60% trữ lượng nước thô từ sông Vu Gia - Thu Bồn để cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, việc vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa kiệt vẫn là giải pháp quan trọng.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho hay, về lâu dài, tình trạng nước biển dâng làm phạm vi xâm nhập mặn sẽ tăng dần theo từng năm, mà nguồn nước từ lượng mưa không ổn định và nhu cầu sử dụng nước ở hạ du cùng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngày càng cao. Trong khi đó, kinh nghiệm xử lý và sự chủ động trong ứng phó các tình huống hạn hán, xâm nhập mặn của các cơ quan, địa phương liên quan trong những năm qua còn chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Đặc biệt, tâm lý coi thủy điện là chìa khóa vạn năng để giải bài toán thiếu nước vùng hạ du của một số địa phương và đơn vị liên quan vẫn còn, ảnh hưởng lớn đến tính chủ động, hiệu quả và độ tin cậy, an toàn trong các phương án xử lý hạn mặn vùng hạ du. Ông Thế đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt việc thông tin và phối hợp giữa các chủ hồ thủy điện với các địa phương, đơn vị vùng hạ du.
Công ty CP Thủy điện A Vương sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý hồ thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6, A Vương 3, Za Hung, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2 và đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy chế phối hợp vận hành và cung cấp thông tin, số liệu khí tượng, thủy văn, vận hành hồ... để vận hành các hồ thủy điện bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất tốt hơn.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cần có những giải pháp công trình để kéo ranh giới nước ngọt về sâu vùng hạ du càng tốt để trong xanh hóa nguồn nước. Trước mắt, Đà Nẵng sớm thi công khép kín tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 trên sông Cẩm Lệ để giữ ngọt, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố trong 2 năm 2020 và 2021.
Khai thác nguồn nước không lo nhiễm mặn
Những năm qua, ý tưởng xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ luôn vấp phải sự phản đối của các chuyên gia, nhà khoa học. Chính vì vậy, dù dự án xây đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ đã có quy hoạch chuyên ngành từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.
Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, việc xây đựng đập không hiệu quả do nguồn nước lớn đã được giữ lại tại đập dâng An Trạch. Tuy vậy, UBND thành phố vẫn cho phép Dawaco thi công 2 tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ trong tháng 1 và tháng 3-2020 là nhằm ứng phó khẩn cấp tình trạng xâm nhập mặn trong năm 2020 và năm 2021, cho đến khi Dawaco thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng thêm trạm bơm và tuyến ống chuyển tải nước ngọt từ đập dâng An Trạch về NMN Cầu Đỏ.
Thủy điện Đăk Mi 4 chuyển hơn 50% trữ lượng nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện là nguyên nhân chính gây thiếu nước sinh hoạt, nhiễm mặn cho thành phố Đà Nẵng trong gần 10 năm qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho hay: “Hai tuyến đập tạm trên sông Cẩm Lệ chỉ làm giảm tình trạng xâm nhập mặn, chứ không ngăn mặn hoàn toàn. Có đập tạm rồi nhưng các hồ thủy điện xả nước ổn định thì độ mặn mới duy trì ở mức thấp, bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Các hồ thủy điện không xả nước trong một thời gian thì rất gay go, nhất là trong mùa nắng nóng sắp đến. Bây giờ nếu có đập ngăn mặn cứng ở trên sông Cẩm Lệ thì cũng phải phụ thuộc vào nguồn nước của các hồ thủy điện”.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng: “Chất lượng nước ở thượng lưu tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ luôn đối mặt nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn xả thải đô thị và công nghiệp. Nếu dùng đập tạm ngăn mặn này thời gian dài hoặc tiến lên xây dựng đập kiên cố thì vùng nước ở thượng lưu đập là nước ở giữa thành phố, chắc chắn là không bảo đảm về chất lượng. Do đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Dawaco khẩn trương xây dựng thêm trạm bơm tại đập dâng An Trạch và đường ống dẫn nước từ đập dâng về NMN Cầu Đổ để bảo đảm cấp nước về trữ lượng lẫn chất lượng cho thành phố”.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, trong những năm đến, thành phố sẽ xây dựng NMN An Trạch và NMN Bàu Nít khai thác nước ngọt từ hệ thống thủy lợi An Trạch để bảo đảm cấp nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho rằng: “Nguồn nước ở thượng nguồn ngày càng khó khăn và không thể dùng nước ngọt để đẩy nước biển dâng được nên việc Đà Nẵng xây dựng thêm trạm bơm, đường ống chuyển tải nước ngọt từ đập dâng An Trạch về NMN Cầu Đỏ và trong tương lai còn xây dựng thêm NMN Bàu Nít, NMN An Trạch là chủ trương đúng đắn. Nguồn nước ngọt tại đập dâng An Trạch và Bàu Nít rất lớn, nếu có khai thác tăng thêm 10%/năm thì 10 năm nữa vẫn khai thác không bao giờ hết nước”.
Để đáp ứng yêu cầu cấp nước cho thành phố Đà Nẵng trong những năm đến, bên cạnh xây dựng NMN Hòa Liên, đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) và hồ chứa trên sông Bắc (xã Hòa Bắc), thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng NMN Bàu Nít khai thác nguồn nước ngọt từ đập dâng Bàu Nít (thuộc hệ thống thủy lợi An Trạch) trước năm 2025, gồm: xây dựng trạm bơm nước ngọt tại đập Bàu Nít; tuyến ống dẫn nước ngọt dọc theo kênh Hà Thanh dài 1,7km; NMN Bàu Nít tại phía đông đường vành đai phía nam. Sau năm 2030, xây dựng NMN An Trạch khai thác nước ngọt trực tiếp tại đập dâng An Trạch để cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, qua từng giai đoạn, cũng sẽ tiến hành nâng công suất NMN Bàu Nít, NMN An Trạch, NMN Hòa Liên, NMN Hòa Trung và xây dựng mới NMN Đồng Nghệ khai thác nguồn nước hồ Đồng Nghệ. |
HOÀNG HIỆP