Tình hình Covid-19 ở Đà Nẵng đang được kiểm soát

.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tình hình Covid-19 tại Đà Nẵng đang được kiểm soát, tâm dịch Bệnh viện Đà Nẵng về cơ bản được giải quyết.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 3, từ trái) trao quà lưu niệm cho đoàn công tác Bộ Y tế.                                 Ảnh: N.P
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 3, từ trái) trao quà lưu niệm cho đoàn công tác Bộ Y tế. Ảnh: N.P

Ngày 20-8, tại buổi gặp mặt chia tay giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế trước khi rời Đà Nẵng trở về Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, tóm lược lại các hoạt động, công tác hỗ trợ, tăng cường của đoàn công tác của Bộ Y tế trong suốt thời gian qua. Theo đó, với sự tăng cường lực lượng và trang thiết bị y tế, về cơ bản, đến nay, thành phố đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm, điều trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tình hình Covid-19 tại thành phố đã bước đầu được kiểm soát. Tuy nhiên, trong thời gian đến, chính quyền và nhân dân thành phố không được chủ quan, cần tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 như Chính phủ, địa phương đã ban hành trong thời gian qua.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ bày tỏ lòng cảm ơn đến đoàn công tác của Bộ Y tế cũng như cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã kịp thời cử đoàn công tác đặc biệt đến thành phố để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát, xét nghiệm và điều trị Covid-19; tư vấn giúp thành phố đưa ra các giải pháp, biện pháp kịp thời để ứng phó với tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố, trong đó có việc thực hiện giãn cách và tiến hành “làm sạch” các bệnh viện lớn như Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng để nhanh chóng phục vụ công tác khám, chữa bệnh của nhân dân thành phố.

“Đoàn công tác đã không quản khó khăn, luôn có mặt tại các điểm nóng, tuyến đầu để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ cho thành phố. Sự hỗ trợ của đoàn công tác đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại thành phố; năng lực điều tra, xét nghiệm và điều trị Covid-19 đã được nâng cao, đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh; đồng thời mong muốn trong thời gian đến đoàn công tác tiếp tục quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ thành phố trong công tác phòng, chống Covid-19.

Tập trung lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường hoạt động giám sát

Trước khi rời Đà Nẵng trở lại Hà Nội tiếp tục công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh phía bắc, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định, tình hình tại thành phố Đà Nẵng đến nay đã bước đầu kiểm soát được, tâm dịch là Bệnh viện Đà Nẵng về cơ bản đã được giải quyết.
Tuy nhiên, theo dự báo, tình hình dịch còn phức tạp, khó lường do dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng nên tuyệt đối không thể chủ quan.

Bệnh viện C Đà Nẵng đón bệnh nhân trở lại khám bệnh sau thời gian phong tỏa. 						Ảnh: N.P
Bệnh viện C Đà Nẵng đón bệnh nhân trở lại khám bệnh sau thời gian phong tỏa. Ảnh: N.P

PSG.TS Trần Như Dương cho rằng, kể cả khi số mắc mới về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Nguồn lây là người lành mang virus nhiều khả năng đã chui sâu, bám rễ tại một số nơi, vẫn là nguy cơ thường trực để lây nhiễm cho người xung quanh, có thể sẽ gây ra các ca mắc mới không rõ nguồn lây bất cứ lúc nào ở giai đoạn sau này. Chính vì vậy, việc phải duy trì giám sát liên tục, chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người sốt, ho, đau họng, cảm cúm tại cộng đồng và tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết. Đây là chỉ số giám sát theo dõi dịch rất quan trọng. Nếu phát hiện ca bệnh mới thì lập tức quây chặt, xử lý ổ dịch, truy vết cách ly F1 triệt để, không để dịch có cơ hội bùng nổ, phải dập tắt dịch ngay từ khi còn là đốm lửa nhỏ…

Vì vậy, theo PGS-TS Trần Như Dương, trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hoạt động của hệ thống giám sát; chú trọng đầu tư nguồn lực, nhân lực cho hệ thống giám sát ở tất cả các tuyến để có năng lực phát hiện ngay được ca bệnh, từ đó đáp ứng kịp thời, không để dịch có cơ hội bùng phát. Hệ thống này phải phát hiện sớm được ca bệnh nghi ngờ ở bất cứ nơi nào thông qua giám sát những người có các triệu chứng sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng cũng như tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Thành phố cần tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để phát hiện người bị nhiễm bệnh trong cộng đồng, tổ chức cách ly và truy vết, xử lý dịch kịp thời. Cũng theo PGS.TS Trần Như Dương, Đà Nẵng cần tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm, triệt để những biện pháp phòng, chống dịch tại những khu vực dân cư đã được “phong tỏa” hoặc khu vực đã “khoanh vùng kiểm dịch”, trong đó chú trọng việc người dân phải ở nhà. Tiếp tục thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn toàn thành phố cho đến hết chu kỳ 2. 

Tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do Covid-19

Tại phiên họp thường kỳ chiều ngày 20-8, sau khi nghe báo cáo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố, ý kiến đồng ý của Đảng đoàn HĐND thành phố, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chủ trương tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thêm 2 tháng (tháng 8 và tháng 9 năm 2020).

Cụ thể: Các đối tượng quy định tại mục II, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các đối tượng đặc thù của thành phố quy định tại Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 22-5-2020 của HĐND thành phố về một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Các đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm mở rộng của thành phố tại Quyết định số 2408/QĐ-UBND ngày 8-7-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt bổ sung nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do đại dịch Covid-19. (B.T)

Thêm 10 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh được xuất viện

Chiều 20-8, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 8 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi, gồm 7 bệnh nhân ở Đà Nẵng và 1 bệnh nhân ở Quảng Nam. 8 bệnh nhân được xuất viện gồm bệnh nhân số 503, 580, 660, 688, 704, 769, 921, 818. Trước đó, sáng cùng ngày, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng cho xuất viện 2 bệnh nhân số 635 và 421. Trước khi ra viện, các bệnh nhân đều được xét nghiệm SARS-CoV-2, kết quả từ 3-5 lần âm tính với chủng virus này. Ngoài ra, kết quả khám lâm sàng ghi nhận các bệnh nhân không còn các biểu hiện như sốt, ho, khó thở. Sau khi ra viện, các bệnh nhân được xe của bệnh viện đưa về và tự cách ly tại nhà 14 ngày theo hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh truyền nhiễm Covid-19. Đến thời, điểm hiện tại, ngành y tế thành phố đã điều trị khỏi 96 bệnh nhân nhiễm Covid-19. (PHAN CHUNG)

NGỌC PHÚ

* Tính đến 18 giờ ngày 20-8, Việt Nam có tổng cộng 1.007 ca Covid-19, trong đó 666 ca lây nhiễm trong nước. Số ca tử vong: 25 ca. Số ca điều trị khỏi: 542 ca.

;
;
.
.
.
.
.