Về việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị lần thứ hai ở Đà Nẵng

.

Đầu tháng 7 tới đây, mô hình chính quyền đô thị sẽ cùng lúc được triển khai thực hiện ở ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh:  XUÂN SƠN
Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN SƠN

Có thể thấy ở đây cũng có một vài khác biệt giữa ba địa phương, chẳng hạn như Hà Nội chỉ triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với các phường, không triển khai ở các quận như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; hay như do Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi từ tháng 11-2019, có hiệu lực đầu tháng 7-2020 nên Thành phố Hồ Chí Minh được chính thức triển khai chứ không cần phải qua thí điểm như Hà Nội và Đà Nẵng hồi chưa có cơ sở pháp lý này; hay trong khi Hà Nội lần đầu tiên thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đây là lần thứ hai…

Những điểm tương đồng

Thế nhưng giữa ba địa phương vẫn có không ít tương đồng. Một là, khi triển khai mô hình này, cả ba địa phương đều xuất phát từ yêu cầu quản lý đô thị phải phù hợp đặc điểm của đô thị.

Hai là, cả ba địa phương đều phải bảo đảm hiệu quả quản lý tốt hơn so với mô hình chung, đều phải bảo đảm tối đa yêu cầu của cải cách hành chính cũng như đều phải đáp ứng cao nhất sự hài lòng của người dân.

Ba là, cả ba địa phương đều đồng loạt triển khai mô hình chính quyền đô thị ở tất cả các phường - đương nhiên cùng là cấp hành chính nhưng các phường ở Hà Nội là cấp dưới trực tiếp của một cấp chính quyền, còn các phường ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là cấp dưới trực tiếp của một cấp hành chính.

Có điều là cấp dưới trực tiếp của một cấp hành chính hay cấp dưới trực tiếp của một cấp chính quyền thì các phường trong mô hình chính quyền đô thị vẫn là nơi thể hiện rõ nét đặc trưng đô thị, vẫn là nơi sinh sống của đông đảo thị dân với yêu cầu cao về văn minh đường phố, vẫn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức của UBND phường nói riêng và của hệ thống chính trị trên địa bàn phường nói chung phải được chuyên nghiệp hóa - kể cả với người không chuyên trách.

Về phương diện này, do số lượng phường không nhiều, lại từng chủ động đào tạo một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp phường như bí thư và phó bí thư đảng ủy, như chủ tịch và phó chủ tịch UBND thông qua Đề án 89 hồi cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, Đà Nẵng có thể thuận lợi hơn. Tuy nhiên thời gian tới, nhất là sau bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chắc chắn cả ba địa phương đều phải hết sức coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ này, nhất là với cấp phường.

Phân cấp và kiểm soát quyền lực

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường nhưng không chỉ và không thể dừng ở cấp phường, bởi tác nghiệp trong mô hình chung với ba cấp chính quyền địa phương sẽ rất khác so với tác nghiệp trong mô hình chính quyền đô thị với một cấp chính quyền hai cấp hành chính như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hoặc hai cấp chính quyền một cấp hành chính như Hà Nội.

Chẳng hạn quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch UBND trong một cấp hành chính khác nhiều so với quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch UBND trong một cấp chính quyền, bởi bây giờ họ đã được quyền quyết định mọi công việc theo chế độ thủ trưởng - chứ không phải vừa có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với một số công việc lại vừa phải chấp hành quyết định theo đa số của tập thể ủy ban nhân dân như trong mô hình chung...

Từ đó cần hết sức quan tâm vấn đề phân cấp, phân quyền và vấn đề kiểm soát quyền lực đối với cấp hành chính, ngay cả với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vốn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong bảy năm từ năm 2009 đến năm 2016, cùng với Hải Phòng và bảy tỉnh khác, thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Vấn đề phân cấp, phân quyền trong mô hình chính quyền đô thị không đơn giản là giao thêm thẩm quyền giải quyết cho cấp dưới đối với những công việc trước đây vốn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên, bởi trong mô hình chính quyền đô thị có những công việc đòi hỏi phải được chính quyền cấp thành phố tập trung quản lý thống nhất, đồng bộ thì mới phù hợp với đặc trưng quản lý đô thị, chẳng hạn như về quy hoạch hay về hạ tầng giao thông…

Chỉ trên cơ sở những công việc được phân cấp, phân quyền hợp lý, người đứng đầu UBND của cấp hành chính mới có thể tiếp tục ủy quyền để nâng cao hiệu quả quản lý của cấp mình, chẳng hạn sắp đến ở Hà Nội, UBND phường trong mô hình chính quyền đô thị sẽ được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính…

Không phải ngẫu nhiên mà cuối tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị”; qua đó xác định cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện - đương nhiên phải bảo đảm yêu cầu tập trung quản lý thống nhất, đồng bộ phù hợp với đặc trưng quản lý đô thị như đã nêu trên.

Vấn đề kiểm soát quyền lực đối với chính quyền các cấp không mới, nhưng kiểm soát quyền lực đối với chính quyền của các cấp hành chính lại là vấn đề mới, kể cả với Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - hai địa phương lần thứ hai thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố sẽ được tăng cường, nhưng dường như chừng ấy vẫn chưa đủ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lạm quyền, lộng quyền của người đứng đầu UBND của một cấp hành chính không còn sự giám sát trực tiếp của HĐND cùng cấp.

Việc hạn chế tình trạng lạm quyền của người đứng đầu UBND của một cấp hành chính sẽ không thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự kiểm tra, giám sát đảng viên và cấp ủy viên thật sự hiệu quả của tổ chức Đảng cùng cấp và cấp trên trực tiếp; sẽ không thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp và cấp trên trực tiếp không chỉ đối với người đứng đầu UBND của một cấp hành chính mà còn với các đại biểu HĐND của cấp chính quyền cấp trên trực tiếp…

Huyện đảo Hoàng Sa - một phần không thể tách rời Đà Nẵng và Tổ quốc

Việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng lần này có phạm vi hẹp hơn so với lần thứ nhất, bởi huyện Hòa Vang cùng 11 xã trên địa bàn huyện lần này vẫn theo mô hình chung với ba cấp chính quyền. Sự tồn tại cùng lúc hai mô hình quản lý ở Đà Nẵng vào thời điểm này là phù hợp, bởi công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hòa Vang những năm qua dẫu tiến triển rất ấn tượng nhưng thực chất Hòa Vang vẫn chưa thật sự trở thành đô thị.

Do vậy, song song với việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở các quận và các phường, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang với chất lượng cao nhằm tạo tiền đề sớm thị xã hóa huyện Hòa Vang - khi ấy thị xã Hòa Vang cùng các phường trực thuộc sẽ được đưa vào diện thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Xin nói thêm rằng, trong quá trình thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng lần này, huyện đảo Hoàng Sa - đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực - đã được tạo điều kiện để trở thành một cấp hành chính, và cũng như chủ tịch UBND các quận, chủ tịch UBND huyện đảo lần này sẽ do chủ tịch UBND thành phố trực tiếp bổ nhiệm một cách hợp pháp như lần bổ nhiệm vào tháng 4-2009.

Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi về thăm quê và làm việc với Thành ủy Đà Nẵng ngày 10-4 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ân cần căn dặn: “Tôi đề nghị mỗi cán bộ lãnh đạo cho đến người dân, trước mọi hoạch định chính sách kinh tế, chính trị, ngoại giao, trong tâm trí luôn nhớ về một điều hệ trọng thiêng liêng: Đó là huyện đảo Hoàng Sa - một phần không thể tách rời Đà Nẵng và Tổ quốc chúng ta”.  

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.