Khôi phục kinh tế sau Covid-19

.

Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trước tình hình đó, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch hành động để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành và toàn hệ thống chính trị quyết liệt triển khai các chủ trương, biện pháp, giải pháp tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh, vực dậy du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các công trình động lực... nhằm khôi phục, ổn định phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang được thực thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục sản xuất. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: MAI QUẾ
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang được thực thi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi phục sản xuất. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: MAI QUẾ

Bài 1:  Doanh nghiệp tái khởi động phát triển sản xuất, kinh doanh

Ngay sau khi tình hình Covid-19 được kiểm soát, các cấp chính quyền thành phố đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp khôi phục kinh tế - xã hội, nhờ vậy đến nay, nhiều doanh nghiệp khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới… nhằm bước vào giai đoạn phát triển ổn định cũng như tăng tốc phát triển khi tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt.

Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của thành phố

Chỉ một thời gian ngắn ngay sau khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng tái khởi động. Đây là kết quả từ việc cả hệ thống chính trị thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như chủ động ban hành nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, nhằm thúc đẩy và hướng đến giải quyết nhiều vấn đề nội tại liên quan đến phát triển kinh tế của thành phố.

Ngày 19-5-2020, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình dịch được kiểm soát. Chỉ thị số 40-CT/TU yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội.

Tiếp đó, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 22-5-2020 về một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố trong tình hình Covid-19 đã được kiểm soát. Theo đó yêu cầu UBND thành phố khẩn trương xây dựng các kịch bản sớm khôi phục nền kinh tế thành phố trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đánh giá đầy đủ tác động tiêu cực của Covid-19 đối với các ngành, lĩnh vực; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, tập trung vào 4 lĩnh vực chính là đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; quảng bá và kích cầu du lịch, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.

Quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng và Nghị quyết 298/NQ-HĐND của HĐND thành phố, UBND thành phố xác định tập trung nỗ lực kích cầu du lịch, hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn…là những giải pháp cần triển khai ngay nhằm hồi phục kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm.

Cùng với việc hỗ trợ, thúc đẩy tái khởi động hoạt động sản xuất-kinh doanh, thành phố cũng chủ động trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước và tiếp cận với các DN FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau Covid-19. Ban Hỗ trợ xúc tiến và đầu tư thành phố cho biết đang đẩy nhanh hoàn thành thủ tục liên quan để hình thành dự án, khu, cụm công nghiệp mới; hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN đang được triển khai trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện để nhà đầu tư, DN được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu đãi, nhất là các chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất, đổi mới công nghệ, ưu đãi trong Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời đổi mới phương thức tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, châu Âu..., và tranh thủ nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với UBND thành phố Đà Nẵng giải quyết các kiến nghị cho chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào làm việc tại các dự án trong Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, vừa tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và bảo đảm công tác phòng, chống Covid -19.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện kích cầu thị trường nội địa nhằm tăng nhu cầu và sức mua trên thị trường trong nước, tạo động lực thúc đẩy sản xuất công nghiệp với việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm “đón đầu” lợi thế về thu hút đầu tư, mở rộng khai thác các thị trường mới...

Mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ

Từ tác động bởi Covid-19, nhiều DN sản xuất bắt đầu có những chuyển dịch trong thay đổi tư duy về chiến lược phát triển nhằm đón đầu những xu hướng mới khi trật tự của chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu đang toan tính lại.

Thay vì thói quen “bỏ trứng vào cùng một giỏ”, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì ngay khi tái khởi động trở lại, nhiều DN đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa; đồng thời chủ động đầu tư kinh phí cho những hình thức marketing mới nhằm mở rộng tìm kiếm ra các thị trường ở những khu vực ít được quan tâm như châu Phi, Đông Nam Á…

Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Hifl (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất và cung cấp bộ phận lọc gió cho ô-tô) cho biết, do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc về nguồn nguyên liệu (giấy lọc nhớt, dầu) nên khi sự cố Covid-19 xảy ra, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ hoạt động, công ty ghi nhận sản lượng hàng hóa tồn kho lên tới trên 50.000 sản phẩm, doanh thu sụt giảm gần 70%.

Tuy nhiên, cũng như ông Vũ, nhiều DN sản xuất trên địa bàn thành phố cho rằng, Covid-19 cũng là “khoảng lặng” cần thiết để nhìn lại và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cũng như mở ra cơ hội để mạnh mẽ chuyển mình, tính toán những phương án dài hơi và an toàn hơn.

Xu thế chung hiện nay là các DN đều chủ động mở rộng tìm kiếm ra các thị trường khác thay vì chỉ phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc về nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu, đồng thời, nhìn nhận đúng hơn vai trò của thị trường trong nước.

Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. TRONG ẢNH:  Công nhân làm việc tại Tổng Công ty  CP Dệt may Hòa Thọ.Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.Ảnh: KHÁNH HÒA

Để tái khởi động, Công ty CP Hifl đã chuyển hướng tìm kiếm các bạn hàng mới ở khu vực Đông Nam Á, cùng trong khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia vì chi phí đầu vào như giá nguyên liệu, thời gian vận chuyển… không có quá nhiều chênh lệch so với thị trường Trung Quốc trước đây và đã kết nối được với một số bạn hàng ở khu vực châu Phi và sẽ có những lô hàng xuất khẩu sang đây trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, DN chủ động đầu tư kinh phí hơn 1.500 USD để tạo ra một đường chạy marketing riêng cho mình trên trang bán hàng trực tuyến lớn của thế giới.

Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ thành phố Đà Nẵng thông tin, toàn thành phố có khoảng hơn 600 DN vận tải với 1.500 lái xe nhưng hiện chỉ có khoảng trên 30% DN “có việc” để làm. Đó là tìm kiếm các thị trường “ngách” mà lâu nay chưa tìm đến như: tăng cường vận chuyển hàng hóa, hành khách trong nội địa; tìm nguồn hàng qua online…

Đối với thị trường bên ngoài, do tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia còn diễn biến phức tạp nên một số DN tham gia vận chuyển hàng hóa qua Lào, Campuchia… dù doanh thu không đủ để bù định phí nhưng giảm được phần nào lỗ.

Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp trong phòng, chống Covid-19 hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng nhanh chóng bắt nhịp trở lại ngay đầu tháng 5-2020. Trước đó, trong thời điểm “căng” mình phòng, chống Covid-19, cả hệ thống chính trị ở từng cấp, ngành đều có sự chủ động trong việc nắm bắt, dự đoán chính xác tình hình để có kế hoạch phát triển kinh tế ngay sau khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát tốt.

Trong đó, có những giải pháp mang tính trước mắt như chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc triển khai các gói hỗ trợ cho DN; đồng thời, thúc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố. Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích cầu thị trường.

Tiến sĩ Trần Sĩ Chương, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI nhìn nhận: “Thực tế, Covid-19 đã làm thay đổi tư duy và thói quen kinh doanh của nhiều người. Hiện nay, không chỉ DN Việt Nam mà ngay chính DN nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đang chủ động tìm kiếm khách hàng thay thế khách hàng truyền thống. Riêng tại Đà Nẵng, thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh đã nhanh chóng được phục hồi.

Điều này cho thấy tâm thế chủ động trong ứng phó và vượt qua “khủng hoảng” của cả hệ thống chính trị các cấp cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân khi đứng trước những sự cố mang tính toàn cầu như Covid-19”. Theo Sở công thương, hiện hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn đang dần được khôi phục, một số dự án trong và ngoài Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đi vào hoạt động, mang lại những giá trị mới cho nền kinh tế thành phố trong những tháng cuối năm.  

Có thể khẳng định, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị quyết liệt, nhanh chóng triển khai các chủ trương, biện pháp, giải pháp tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo kết quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh, vực dậy du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy các công trình động lực... nhằm khôi phục, ổn định phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích