Ngư dân mong hỗ trợ tàu cá gặp tai nạn trên biển

.

Mỗi chuyến ra khơi khai thác hải sản, các ngư dân đối diện với bao rủi ro, vì thế cần sớm có cơ chế hỗ trợ cho các tàu cá gặp nạn trên biển. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc.
 

Mỗi chuyến tàu ra khơi khai thác hải sản luôn đối mặt nhiều nguy cơ rủi ro, tai nạn nên cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân khắc phục nhanh thiệt hại để tái sản xuất. Trong ảnh: Ngư dân  Đà Nẵng xuất bến Thọ Quang ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Mỗi chuyến tàu ra khơi khai thác hải sản luôn đối mặt nhiều nguy cơ rủi ro, tai nạn nên cần có cơ chế hỗ trợ ngư dân khắc phục nhanh thiệt hại để tái sản xuất. Trong ảnh: Ngư dân Đà Nẵng xuất bến Thọ Quang ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo báo cáo số 1 do Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố ban hành ngày 5-6-2020, lúc 23 giờ đêm 4-6-2020, qua mạng thông tin liên lạc biển, Đồn Biên phòng Phú Lộc nhận được thông tin của thuyền trưởng Đào Ngọc Minh Thành (sinh năm 1979, trú tại tổ 37, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) về việc tàu cá ĐNa 90369 TS bị chìm tại tọa độ 16o24’N-109o58’E (nằm trong vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi), cách Đà Nẵng 101 hải lý về phía đông bắc.

Qua công tác cứu hộ, cứu nạn, 4 lao động trên tàu cá ĐNa 90369 TS đã được tàu cá ĐNa 90945 TS cứu vớt an toàn sau khi tàu ĐNa 90369 TS bị chìm. Theo thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90369 TS Đào Ngọc Minh Thành, nguyên nhân chìm tàu là do va chạm với một vật thể lớn đang trôi trên mặt biển trong đêm tối có sóng cao và gió mạnh, làm vỡ vỏ tàu, nước tràn vào, không khắc phục được. Tàu bị chìm xuống đáy biển với độ sâu hơn 1.000m nên không trục vớt được. Toàn bộ phương tiện, tài sản bị chìm theo với tổng thiệt hại lên đến 5,4 tỷ đồng.

Tàu cá ĐNa 90369 TS đã được chủ tàu là ông Đào Ngọc Minh Tâm (sinh năm 1977, cùng trú tổ 37, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) mua bảo hiểm thân tàu trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 30-12-2019 đến 30-12-2020 gồm: vỏ tàu, máy móc, trang thiết bị với tổng số tiền 4 tỷ đồng. Hiện chủ tàu đã hoàn thiện các thủ tục nhưng chưa nhận được số tiền bảo hiểm thân tàu.

“Việc ra khơi đánh bắt hải sản gặp rất nhiều rủi ro, trong đó có nhiều vật thể lớn trôi trên biển như: gỗ, container... dễ phá hư lưới, vỡ vỏ tàu. Dù có tham gia bảo hiểm thân tàu với chi phí lớn nhưng vẫn không thể bù đắp nổi thiệt hại do tai nạn chìm tàu. Do đó, ngư dân chúng tôi mong thành phố có cơ chế hỗ trợ thêm để giảm bớt một phần thiệt hại về tài sản, nhất là ngư lưới cụ, do sự cố tai nạn trên biển”, ông Đào Ngọc Minh Tâm nói.

Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, ngư dân Hồ Văn Đời (trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đã nhiều lần liên hệ với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương và trực tiếp hỏi đại diện một đơn vị bán bảo hiểm để đề nghị được mua bảo hiểm thân tàu cho tàu cá ĐNa 90315 TS do ông làm chủ, theo chính sách hỗ trợ của HĐND và UBND thành phố, nhưng vẫn chưa được mua bảo hiểm thân tàu.

Đến sáng 27-6, tàu cá ĐNa 90315 TS của ông Hồ Văn Đời khi đang hoạt động tại khu vực cách Đà Nẵng khoảng 60 hải lý về phía đông thì bị sóng đánh vỡ be, tàu và toàn bộ trang thiết bị, ngư lưới cụ bị chìm xuống đáy biển sâu.

“Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chúng tôi đưa tàu đi đánh bắt được 5 chuyến biển. Cứ mỗi lần về bờ, tôi đều liên hệ để mua bảo hiểm thân tàu nhưng đơn vị bán bảo hiểm cứ trì hoãn, hẹn tới hẹn lui. Bây giờ tàu tôi đã bị chìm, thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân có tàu cá gặp tai nạn để giảm bớt thiệt hại và có điều kiện để khôi phục sản xuất”, ngư dân Hồ Văn Đời bày tỏ.

Ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cho rằng, đơn vị chỉ đề nghị UBND thành phố quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cho những tàu cá được xác định là do thiên tai trên biển như: ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới... Còn những trường hợp tai nạn do rủi ro khác thì Chi cục Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu, đề xuất. Trong khi đó, theo Chi cục Thủy sản, đối với các tàu cá bị tai nạn trên biển, nhất là các trường hợp tàu chìm, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn ngư dân làm các thủ tục theo đúng quy định để được hưởng bảo hiểm thân tàu, còn những thiệt hại khác ngoài bảo hiểm thì thành phố không có nguồn hỗ trợ kinh phí lớn, nên một số trường hợp chỉ được hỗ trợ mang ý nghĩa động viên tinh thần cho ngư dân.

Theo UBND quận Sơn Trà, trong những năm qua, có một số trường hợp tàu cá của ngư dân trên địa bàn quận bị chìm do tai nạn trên biển. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, thành phố, quận và phường đều có những hỗ trợ với khoản kinh phí để động viên ngư dân khắc phục khó khăn. Chẳng hạn, trong năm 2019, UBND thành phố có quyết định hỗ trợ 40 triệu đồng cho ông Nguyễn Kim (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) có tàu cá ĐNa 37013 TS bị sóng to, gió lớn đánh chìm vào rạng sáng 2-1-2019 với ước tính thiệt hại 550 triệu đồng.

Ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nói: “Về sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai, hiện không có nội dung chi hỗ trợ cho các tàu cá khai thác hải sản gặp tai nạn do thiên tai trên biển. Do đó, quận Sơn Trà đề nghị UBND thành phố kiến nghị với Trung ương bổ sung nội dung hỗ trợ cho tàu thuyền khai thác hải sản gặp tai nạn do thiên tai”.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, do chưa có quy định về sử dụng phần được giữ lại tại địa phương của Quỹ phòng chống thiên tai cho mục đích mua sắm phương tiện phòng chống thiên tai và hỗ trợ cho các tàu thuyền khai thác hải sản gặp tai nạn do thiên tai trên biển, nên đơn vị sẽ tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Trung ương bổ sung chi cho 2 nội dung này.

Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: “Việc mua bảo hiểm thân tàu là việc tự nguyện của ngư dân và làm việc trực tiếp với đơn vị bảo hiểm. Để giảm bớt thiệt hại cho ngư dân do thiên tai, tai nạn trên biển, ngư dân cần liên hệ để mua bảo hiểm thân tàu”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.