Hoạt động khởi nghiệp tại thành phố Đà Nẵng đã và đang khởi sắc, có những bước chuyển biến tích cực. Cộng đồng khởi nghiệp được hình thành và phát triển, sự liên kết trong cộng đồng khởi nghiệp lẫn các thành tố của hệ sinh thái ngày càng chặt chẽ. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách đã và đang được thành phố chú trọng xây dựng, hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển các yếu tố trên, vấn đề sở hữu trí tuệ cho hoạt động khởi nghiệp cần được quan tâm và tiếp tục đẩy mạnh để đi vào chiều sâu.
Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai những chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các startup Đà Nẵng. Trong ảnh: Một startup giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng tại hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp quốc tế tại Đà Nẵng - SURF 2019. Ảnh: XUÂN BÌNH |
Thời gian qua, chính quyền thành phố rất quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp, từ đó các chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đã được xây dựng và ban hành như: Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 6-3-2017 của UBND thành phố về triển khai đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13-1-2020 của Thành ủy triển khai thực hiện chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”; đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên”; kế hoạch của UBND thành phố thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp hằng năm; chỉ đạo hỗ trợ phát triển các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và tích cực triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố. Những chính sách trên có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng là điểm đến của khởi nghiệp, sáng tạo của Việt Nam và khu vực.
Không chỉ dừng lại ở các chính sách, UBND thành phố đã chỉ đạo thông qua Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực cho các đối tượng khởi nghiệp, kết nối mạng lưới khởi nghiệp trong và ngoài thành phố, khu vực; tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng; ban hành và xây dựng cơ chế chính sách; hỗ trợ phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; ươm tạo các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố với 6 vườn ươm; 2 không gian sáng tạo; 10 không gian làm việc chung; 10 CLB khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng và 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách về khởi nghiệp, hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký sở hữu công nghiệp cần được nhà quản lý đẩy mạnh để các nhà khởi nghiệp quan tâm. Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò bảo đảm cho môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo - kỹ thuật; bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT; từ đó giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Đặc biệt, SHTT cũng khẳng định vị trí độc quyền của việc sáng chế, nghiên cứu và ghi nhận của xã hội về những nghiên cứu, sáng chế của người làm nghiên cứu. Đối với các startup, SHTT có vai trò hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp khởi nghiệp.
SHTT giúp cho các startup có lợi thế cạnh tranh lớn so với những sản phẩm cùng loại, cùng phân khúc. SHTT hiện diện trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp nói riêng trong kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và nhãn hiệu.
Nhằm hiện thực hóa cho chiến lược SHTT và hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp phát triển tài sản SHTT trong quá trình hoạt động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Quan điểm chỉ đạo của chiến lược là nhằm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,…
Trong nhiệm vụ của chiến lược, việc thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ phải bảo đảm được việc thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao…
Kế thừa các nội dung chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và thực hiện định hướng của chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 có nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Sở KH&CN đang tham mưu trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định về nội dung và tài chính thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tham mưu UBND thành phố ban hành chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Hiện tại, một số startup tại Đà Nẵng đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc đăng ký SHTT như: Công ty CP GREEN BELI với dự án “Bản đồ du lịch xanh”; Công ty TNHH Công nghệ VOOC với dự án Umbalena - ứng dụng di động đọc sách dành riêng cho trẻ em Việt Nam; Công ty Xanh Sutech với một số mô hình và giải pháp bảo vệ môi trường và một số doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ thông tin tại Đà Nẵng như Enouvo Space, SURFSPACE, IoT Space…
Trong thời gian tới, với mục tiêu tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp cần đẩy mạnh đăng ký SHTT... đặc biệt ở giai đoạn đầu hình thành phát triển, trong đó ưu tiên cho các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới; các dự án phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, có lợi thế cạnh tranh cao và các dự án đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp của thành phố cũng như cuộc thi cấp vùng, cấp quốc gia.
Sở KH&CN sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh cũng như hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu liên quan tên địa danh cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương giúp việc quản lý và phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc thù của các địa phương thuận lợi và hiệu quả hơn, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát triển các nghề, các sản phẩm truyền thống của thành phố.
XUÂN BÌNH