Đàm phán hậu Brexit: 'Tối hậu thư' từ Anh

.

Chính phủ Anh cảnh báo sẽ rút khỏi đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào tuần tới. “Tối hậu thư” này càng khiến đàm phán có nguy cơ đổ vỡ.

Thủ tướng Boris Johnson khẳng định Anh không muốn không có thỏa thuận thương mại hậu Brexit nhưng nước này sẵn sàng “sống chung” với tình trạng như thế. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Boris Johnson khẳng định Anh không muốn không có thỏa thuận thương mại hậu Brexit nhưng nước này sẵn sàng “sống chung” với tình trạng như thế. Ảnh: Reuters

Hãng tin Bloomberg cho biết, Anh đang gây sức ép với EU bằng tuyên bố sẽ rút khỏi đàm phán nếu không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước ngày 15-10. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vào tối 7-10 với nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán. Ông Johnson cam kết hướng đến thỏa thuận, nhưng cũng sẵn sàng rời khỏi đàm phán mà không cần thỏa thuận trong tay.

Theo Bloomberg, đàm phán giữa Anh và EU có nguy cơ đổ vỡ trong vài ngày tới bởi London và Brussels khó tìm được tiếng nói chung. 9 vòng nghị sự đã trôi qua nhưng tiến trình đàm phán vẫn “chưa đột phá”. Đây không phải là lần đầu tiên ông Johnson ra “tối hậu thư” cho EU. Trước đó, vị Thủ tướng Anh từng dọa sẽ rút khỏi đàm phán, nghĩa là chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp, chuẩn bị rời thị trường đơn lẻ của EU vào ngày 31-12 mà không cần thỏa thuận.

Vương quốc Anh chính thức rời EU vào ngày 31-1-2020 và đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp. Các quy định của EU vẫn được áp dụng với Anh cho đến ngày 31-12. Nếu đạt được thỏa thuận thương mại, khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, các bên sẽ thực hiện một quy chế thương mại mới; trường hợp không có thỏa thuận, Anh sẽ trở lại các quy tắc do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đặt ra. Lúc đó, các mức thuế quan sẽ cao hơn hiện nay và các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn.

Văn phòng Thủ tướng Anh xác nhận ông Johnson muốn có thỏa thuận nhưng sẵn sàng rời đàm phán nếu mọi việc vẫn bế tắc trước ngày 15-10. Nếu kịch bản đó xảy ra, Anh sẽ duy trì mối quan hệ với 27 thành viên EU theo “kiểu Úc” từ ngày 1-1-2021, tức giao dịch thương mại theo quy định và thuế quan của WTO, dù đây là điều mà London cố tránh. “Tôi không muốn mối quan hệ “kiểu Úc”, nhưng chúng tôi có thể sống với trạng thái như thế”, ông Johnson nói.

Về phía EU, hãng AFP dẫn lời ông Michel thúc giục Thủ tướng Johnson làm rõ quan điểm của Anh trong đàm phán. Ông Michel khẳng định EU vẫn theo đuổi các cam kết, nhưng không nhất thiết phải đạt bằng được. “EU muốn có thỏa thuận, nhưng không bằng mọi giá”, ông Michel nhấn mạnh.
Vấn đề là EU không công nhận ngày 15-10 là “thời hạn cuối” cho một thỏa thuận với Anh. Các quan chức EU cho rằng, sẽ không thể đạt được thỏa thuận nếu Thủ tướng Johnson không lý giải kế hoạch của London trong việc đáp ứng yêu cầu của khối về quy định hỗ trợ của nhà nước cho các công ty tư nhân, phân chia quyền đánh bắt cá và giảm sát thỏa thuận - 3 vấn đề quan trọng còn vướng mắc giữa hai bên.

Theo các nhà ngoại giao, Thủ tướng Johnson phải đóng vai trò trực tiếp hơn nữa trong tiến trình đàm phán. Nhưng phía EU sẽ không phê chuẩn hoặc thực hiện bất kỳ thỏa thuận mới nào với Anh chừng nào London không tôn trọng hiệp ước “ly hôn” mà hai bên đã ký hồi đầu năm nay. Hãng Reuters dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh, ông David Frost, nói rằng “cánh cửa đàm phán không bao giờ đóng” và có rất nhiều việc phải làm trước khi tới “thời hạn cuối” 15-10.

 Ngày 15-10 cũng là thời điểm EU khởi động hội nghị thượng đỉnh của khối và các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá lại tiến độ đàm phán. Quỹ thời gian của cả Anh lẫn EU không còn nhiều để ký kết một thỏa thuận hậu Brexit, từ đó tránh rủi ro cho hoạt động thương mại song phương trị giá hàng nghìn tỷ euro mỗi năm. Song, Anh và EU dường như đang “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa muốn có thỏa thuận, vừa không muốn đưa ra những nhượng bộ cần thiết. Vấn đề là hai bên phải chịu bước qua “ranh giới” để mang lại kết thúc “có hậu” hơn cho một “cuộc ly hôn” vốn trải qua nhiều sóng gió.  

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.