"Mất me xưa" nghĩa là gì?

.

* Tết Tân Sửu vừa qua có người bạn đến thăm nhà tặng cho đứa cháu cái phong bao lì xì mừng tuổi nhưng cháu mắc cỡ bỏ đi một hơi. Người này bảo: “Năm mới không nhận là làm bác mất me xưa đó nghe”. Xin cho hỏi “mất me xưa” nghĩa là gì và nguồn gốc của cụm từ này? (Phạm Thị Yên, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Ở chợ, mỗi khi có ai đó sáng sớm đến “kỳ kèo bớt một thêm hai” mà không mua hàng thì người bán hàng (hầu hết là các bà, các cô) sẽ “năn nỉ” khách: “Trả thêm cho tui một tiếng nữa đi, mới sáng đừng làm tui mất me xưa”. Theo cách nói dân gian, “me xưa” nghĩa là mở hàng, là người mua đầu tiên trong ngày. Nhiều người bán hàng “nhún nhường”, chấp nhận bán thấp giá một chút để có cái “me xưa” tốt đẹp mà cầu mong “đầu xuôi đuôi lọt”.

“Mất me xưa” cũng có nghĩa là đã hẹn mà không tới. Tuy nhiên, người Huế nói khác đi một chút, là “mất mì xưa”. Bài viết Đừng làm “mất mì xưa” của tác giả Đình Nam đăng trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 25-1-2017 thuật một số chuyện liên quan đến thành ngữ này.

Như chuyện được mời ăn xôi chè ngày Tết. Sáng mồng Một, sau nghi thức thăm viếng, chúc Tết ông bà, chú bác xong, tác giả được mời ăn xôi chè. Mấy chị em đã no nê rồi, không muốn ăn nữa mà nội thì cứ như ra lệnh: “Ăn đi, chứ không có mô tê răng rứa chi hết. Bộ chê mệ nấu dở hay răng?”. Rồi mệ lại nài nỉ: “Đừng làm mất mì xưa của mệ”. Thế là mấy chị em đành bấm bụng ăn cái món ngon nhưng rất mau ớn đó để không làm “mất mì xưa” của nội. 

Tra Từ điển mở Tiếng Việt (tại địa chỉ vi.wiktionary.org), thấy thành ngữ “mất mì xưa” (Huế) nghĩa là “trái nghĩa mì xưa mì xớm, trỏ điềm dữ”. Ngược lại, “mì xưa mì xớm” (có nơi viết là mì xưa mì sớm - ĐNCT) nghĩa là “trái nghĩa mất mì xưa, trỏ điềm lành”. Tóm lại, theo từ điển này, “mì xưa” là điềm lành, “mất mì xưa” là điềm dữ.

Diễn đàn Quảng Trị online (quangtrionline.net) trong mục “Từ điển QT - nơi đăng từ mới” có giới thiệu từ “mề xưa” (có nơi viết là “mè xưa” - ĐNCT) nghĩa là “từ nói những người buôn bán sáng sớm ra bán hoặc mua cái đầu tiên”. Ví dụ: Buổi sáng đừng làm mất mề xưa của họ mà họ chửi bây giờ.

Về xuất xứ của “mất me xưa” (mất mì xưa; mất mề xưa), tác giả bài đã dẫn trên Báo Thừa Thiên Huế nói trên cũng đành chịu: “Tôi đã cất công đi tìm mãi trong từ điển nghĩa của từ “mất mì xưa” nhưng đến giờ vẫn chưa tra được. Nó là lời mời không thể từ chối được, là quy định bất thành văn buộc phải làm theo”.
Về phía chúng tôi, cũng đành phải chờ cao kiến của bạn đọc gần xa vậy.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.