Đàn bà vui buồn bé mọn

.

Đàn bà vui buồn bé mọn (NXB Thanh Niên, 2021) là tập tản văn gồm 38 bài viết với giọng văn mềm mại, gần gũi. Ở đó, tác giả Hoàng My thủ thỉ kể cho người đọc nghe những câu chuyện rất đời thường dưới góc nhìn của mình.

Ảnh: A.H
Ảnh: A.H

Hoàng My xuất hiện rất nhiều trên các báo của cả nước với các bài viết thể loại tản văn, tạp bút và cả truyện ngắn. Đề tài của Hoàng My thường mang tính thời sự, chiêm nghiệm, mới mẻ với ngay cả những chuyện tưởng quen thuộc, nhỏ bé nhất.

Ở tập sách thứ 6 - Đàn bà vui buồn bé mọn, Hoàng My kể cho người đọc nghe về câu chuyện, mà theo chị tự nhận chỉ là một người đàn bà bình thường, đến độ “Hồi trẻ, nỗi lo thường trực trong lòng tôi là sợ… ế!”. “Tôi” trong Đàn bà vui buồn bé mọn, như tác giả tự nhận, cũng “bé mọn” thôi, khi chạm tuổi 40 thì biết mình muốn gì, có gì và cần gì, sống chậm hơn, khóc cười ít hơn, thao thức nhiều hơn. “Sự tĩnh lặng như con nước, còn sâu sắc thì chắc chẳng được như trăng, mà nông nổi vui buồn đằng đẵng mãi”.

Cách kể chuyện gần gũi, ngôn từ không cường điệu đưa người đọc vào một thế giới phong phú của người đàn bà chạm ngõ tuổi 40 - độ tuổi mà theo chị, “sự trải nghiệm trở thành thứ quyền lực bí mật”.

Cầm trên tay cuốn sách này, cảm giác thú vị ngay tức khắc khi tất cả tựa đề đều bắt đầu bằng chữ Đàn bà: Đàn bà dại - khôn, Đàn bà văn phòng, Đàn bà một mình, Đàn bà đi du lịch, Đàn bà ghen, Đàn bà dạy con gái, Đàn bà dạy con trai…

"Bằng trải nghiệm của người phụ nữ đang trong độ tuổi chín đi qua bao thăng trầm, nhiều cung bậc của đời sống, và thông qua nhãn quan của nhà văn giỏi quan sát, tư duy, Hoàng My đã góp phần tạo thêm bức tranh sinh động về một nửa thế giới: thực tế nhưng vẫn luôn đáng yêu, bí ẩn, quyến dụ”

Nhà văn Tiến Đạt

Nhà văn Tiến Đạt nhận xét: “Bằng trải nghiệm của người phụ nữ đang trong độ tuổi chín đi qua bao thăng trầm, nhiều cung bậc của đời sống, và thông qua nhãn quan của nhà văn giỏi quan sát, tư duy, Hoàng My đã góp phần tạo thêm bức tranh sinh động về một nửa thế giới: thực tế nhưng vẫn luôn đáng yêu, bí ẩn, quyến dụ”.

Từ những chuyện tưởng chỉ là vặt vãnh, bé cỏn con, Hoàng My đã khéo léo gợi mở ra những giá trị lớn lao ít nhiều đọng lại trong tâm trí người đọc khi gấp cuốn sách lại. Đó là hình ảnh mẫu phụ nữ thể hiện lối sống phóng khoáng, hiện đại, thể hiện bình đẳng giới; phụ nữ có rất nhiều cách để được tôn trọng, yêu quý hơn.

Đàn bà nên làm gì khi buồn? - một tựa bài gây tò mò, Hoàng My vẫn bằng giọng văn khi vui có vui, khi tưng tửng có tưng tửng và khi chín có chín mặn mòi của mình đã mang lại những gợi ý chân tình để mong “bạn thấy mình đã có chút hứng thú để làm điều gì đấy cho bản thân”.

Đàn bà một mình, người đọc dễ dàng nhận thấy rằng, thì ra đàn bà một mình chẳng hề cô đơn, và trong cuộc sống đôi khi đàn bà thèm có một góc nào đó, khuất khuất một chút, để ngồi một mình, để rơi một vài giọt nước mắt...

Cứ vậy, là những điều bé mọn nhưng lại rất… đàn bà.

Đàn bà ấy mà, đôi khi chỉ cần một câu nói, một ánh mắt yêu thương, một chuyến đi, một lời khuyên… cũng có thể làm thành ngã rẽ tốt đẹp hơn cho cuộc đời mình. Và cũng có khi trên dặm đường cắm cúi mệt nhoài như đã từng, một ngày kia, ánh mặt trời làm ta bừng tỉnh bởi vẻ đẹp nguyên sơ ngay trước mắt mà chẳng phải tìm kiếm xa xôi tận chân trời nào.

Hạnh phúc đôi khi cũng chỉ là những điều bé nhỏ thế này: “Sau những ngày tận hưởng hay vất vả, thì cũng có lúc rũ bỏ bụi đường, loay hoay đứng trước cửa nhà, òa lên một niềm vui sướng bé mọn, rằng ta đã về rồi đây, với mái nhà mình…” (Đàn bà chân đi).

Giản dị vậy thôi, đàn bà cớ gì không tìm cho mình được niềm vui, dù là bé mọn mỗi ngày nhỉ?

ÁNH HƯỜNG

 

;
;
.
.
.
.
.