ĐNO - Từng theo đuổi việc nuôi, sưu tầm và trao đổi các loại bò sát như một đam mê ở tuổi thiếu niên, Đặng Thái Tuấn (SN 2001, sinh viên Khoa Sinh - Môi trường của ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng) hiện trở thành người chuyên “giải cứu” động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép.
Đặng Thái Tuấn (giữa) cứu hộ một cá thể trăn đất bò vào trụ sở Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 5 trong tháng 10-2021. Ảnh: NVCC |
Từ người sưu tầm bò sát đến chủ nhiệm CLB bảo vệ môi trường
Đặng Thái Tuấn kể lại, gần 8 năm trước, phong trào nuôi và sưu tầm nhiều loại bò sát như rắn, kỳ đà, kỳ nhông… rất phổ biến, đến độ nhiều nơi có cả các hội, nhóm chuyên về loài này. Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. “Tôi từng nuôi trăn gấm, kỳ nhông… từ năm 2015 và tham gia vào một hội chơi bò sát. Đó là nơi các thành viên gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm nuôi và trao đổi, mua bán bò sát như một sở thích”, Tuấn cho biết.
Theo lời Tuấn, lúc đó ai cũng có quan điểm rằng, nếu nuôi và chăm sóc động vật hoang dã sẽ tốt hơn là để chúng tự sinh tồn ngoài tự nhiên. Vì thế mà những người nuôi bò sát khi ấy đều đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc vào việc tìm hiểu tập tính sống, lồng nuôi, thức ăn và cả đồ chơi cho chúng.
“Tôi từng nghĩ, chăm sóc động vật hoang dã với điều kiện đủ đầy thì tốt hơn thả về rừng. Nhưng sau này mới thấy điều đó vừa gây hại cho động vật vừa mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên”, Tuấn cho hay.
Từ sở thích cá nhân dần chuyển thành tình yêu thiên nhiên, yêu núi rừng. Trong những ngày chạy xe khám phá bán đảo Sơn Trà, ngắm khỉ vàng hay “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá chân nâu, Tuấn bắt đầu thay đổi nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã và môi trường nói chung. Từ bỏ việc nuôi bò sát, Tuấn tìm tòi thông tin, xin làm tình nguyện viên cho Trung tâm Bảo tồn đa dạng Sinh học nước Việt Xanh (Green Việt) - nơi có nhiều hoạt động nghiên cứu và bảo vệ môi trường thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà.
Đến 2018, Tuấn đăng ký tham gia CLB ENV Đà Nẵng (trực thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam - ENV, tổ chức phi chính phủ hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã - PV). Sau đó, cậu thiếu niên sinh năm 2001 trở thành tân sinh viên khoa Sinh - Môi trường của ĐH Sư phạm. Chính nhờ những môi trường này, Tuấn có cơ hội gặp gỡ cộng đồng những người yêu thiên nhiên, làm công tác bảo tồn động, thực vật.
Từ năm 2019, Tuấn trở thành Chủ nhiệm CLB ENV Đà Nẵng với trách nhiệm kết nối hơn 30 tình nguyện viên là những người trẻ có tâm huyết và nhiệt tình tham gia khảo sát, phát hiện những vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã như săn bắt, mua bán trái phép… để trình báo cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời, các hội viên tham gia tuyên truyền Luật Bảo tồn đa dạng sinh học, tuyên truyền hình ảnh về nét đẹp của thiên nhiên thành phố để nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Đặng Thái Tuấn (bìa phải) cùng các bạn trẻ yêu thiên nhiên trong một chuyến khảo sát, tham quan bán đảo Sơn Trà. Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước thời điểm có Covid-19. |
"Vào vai" khảo sát vi phạm về động vật hoang dã
Đặng Thái Tuấn kể lại, ngày trước, bản thân từng “ghét” các hoạt động của ENV vì thấy đi ngược với quan điểm nuôi bò sát của mình. Cho tới khi trở thành tình nguyện viên của CLB này, Tuấn chứng kiến và ám ảnh cảnh thú hoang bị nuôi nhốt trong môi trường bẩn thỉu hay được “hóa thân” thành “đặc sản” trên bàn nhậu…, để rồi nhận ra mình cần có hoạt động thiết thực bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, môi trường nói chung.
ENV Đà Nẵng có danh sách những địa điểm nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã do người dân cung cấp thông qua đường dây nóng của CLB. Từ đó, mỗi thành viên có nhiệm vụ khảo sát các địa điểm này, ghi nhận các trường hợp vi phạm nếu có và ghi hình khéo léo để trình báo cơ quan chức năng.
Để tìm hiểu thông tin về mua bán động vật hoang dã, Tuấn tham gia các hội, nhóm trao đổi, mua bán thú rừng hoặc thịt thú rừng trên facebook để tìm kiếm người bán, có lúc Tuấn vào vai người mua hàng liên lạc, lấy thông tin cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý. Đã có thời điểm, Tuấn để đầu trọc, ăn mặc bụi bặm thời gian dài để… vào vai “dân chơi” khảo sát các cơ sở nghi vấn có bán thịt rừng, mật gấu, vuốt hổ hay vảy tê tê…
“Nhiều nhà hàng, quán nhậu không bao giờ đưa những món thịt rừng quý hiếm, “độc lạ” vào thực đơn công khai mà chỉ khi có khách hỏi, họ mới đưa hình ảnh cho khách lựa”, Tuấn kể lại.
Thái Tuấn kể về kỷ niệm “giải cứu” một cá thể vích biển (thuộc họ rùa) được nuôi suốt 26 năm trong nhà dân. Sau khi được các tình nguyện viên báo cáo, lực lượng chức năng đã có biện pháp xử lý trong việc thả cá thể về với tự nhiên. “Sau vụ việc đó, tôi nhận ra việc đưa một cá thể lớn tuổi, được thuần hóa trong môi trường nước ngọt về lại với biển rất khó khăn. Vì thế, cần xem xét, tìm hiểu cách thức xử lý cụ thể cho từng trường hợp động vật hoang dã để tránh gây tổn hại cho chúng”, Tuấn cho biết.
Mới đây, vào tháng 10-2021, ngay trong đêm khuya, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 5 (quận Cẩm Lệ) báo tin về một cá thể trăn đất bất ngờ xuất hiện trong trụ sở đơn vị. Tuấn kịp thời có mặt cùng mọi người hỗ trợ. Ngay trong sáng hôm sau, cá thể trăn dài 1,3m, nặng khoảng 4kg được bàn giao cho lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn thả về môi trường tự nhiên.
Đến nay, các thành viên của ENV Đà Nẵng đã có hơn 500 đợt phát hiện, ngăn chặn, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các vi phạm về bảo tồn động vật hoang dã ở các quán nhậu, nhà hàng, tiệm thuốc Đông y, nhà dân… Hành trình của những người trẻ yêu thiên nhiên này còn rất dài và gian nan nhưng chưa ai có ý định bỏ cuộc, khi tâm huyết với rừng, với động vật hoang dã vẫn vẹn nguyên qua từng ngày.
XUÂN SƠN