Bệnh nhân suy thận có sức đề kháng kém, dễ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm. Khi khu vực 3 bệnh viện trung tâm thành phố bị phong tỏa, việc ra vào bệnh viện nhiều lần trong tuần trở thành mối hiểm nguy khôn lường đối với họ, vì vậy, Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện phương án đưa, đón và bố trí cho những bệnh nhân này tạm trú trong các khách sạn ở quận Sơn Trà để bảo đảm an toàn.
Nhân viên y tế mang cơm đến từng phòng cho các bệnh nhân khoa Thận nhân tạo đang cách ly tập trung tại khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: XUÂN DŨNG |
“Quy trình mới” trong mùa Covid-19
Từ chiều 27-7 đến nay, hơn 300 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng được tạm trú an toàn trong các khách sạn khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Khác với những bệnh nhân suy thận nặng phải nhập viện, hơn 300 bệnh nhân này là những trường hợp bệnh nhẹ hơn, tuy nhiên, họ vẫn phải đều đặn 3 lần/tuần đến khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận. Khi khu vực xung quanh Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng bị phong tỏa, việc ra vào khó khăn hơn, thêm vào đó, những bệnh nhân này thường có sức đề kháng yếu, đã mắc nhiều bệnh nền nên việc vào khu vực trung tâm của tâm dịch càng trở nên nguy hiểm. Vì vậy, Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện phương án đưa, đón họ vào tạm trú trong các khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà.
Mỗi tuần 3 lần, các bệnh nhân này được nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng thông báo rõ về ngày giờ mình đi chạy thận. Xe đến đón, họ nhanh chóng lên xe tiến thẳng vào bệnh viện. Sau khoảng 3 tiếng chạy thận, họ lại được xe của bệnh viện đưa về khách sạn. Dù hằng ngày phải chịu đựng đau đớn, khó chịu từ căn bệnh quái ác, các bệnh nhân chạy thận vẫn không quên cập nhập tin tức về diễn biến của Covid-19. Miệt mài đọc kỹ từng mẫu tin, bài báo cập nhập tình hình mới, họ xúc động với hình ảnh lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 nơi tuyến đầu.
Chị Nguyễn Thị Tám (bệnh nhân khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng, đang tạm trú tại khách sạn trên đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà) cho biết: “Cuộc sống của bệnh nhân chạy thận ở đây rất đầy đủ, có chỗ ở miễn phí, được cung cấp 3 bữa ăn/ngày vừa bảo đảm dinh dưỡng lại vừa ngon miệng. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như tôi, thật sự cảm thấy may mắn khi được gắn bó với thành phố Đà Nẵng. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các cấp chính quyền, đến Bệnh viện Đà Nẵng, đến các lực lượng đang ngày đêm chống dịch, cảm ơn người dân thành phố đã che chở, bảo vệ những bệnh nhân như chúng tôi”.
Những hy sinh lặng thầm
Trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có 2 khách sạn đang được sử dụng làm nơi lưu trú cho hơn 300 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng và một trên đường Hồ Nghinh. Để các bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái, các nhân viên khách sạn và nhân viên y tế là những người bận rộn nhất, họ làm việc trong môi trường không còn khái niệm thời gian và hầu như chỉ được ăn tối sau 20 giờ.
Hằng ngày theo lịch, họ điều tiết 3 chuyến xe đưa đón những bệnh nhân đến ngày chạy thận, mỗi chuyến từ 30 - 40 bệnh nhân về bệnh viện theo các khung giờ: Sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, trưa từ 11 giờ 30 đến 15 giờ 30 và chiều từ 15 giờ 30 đến 19 giờ 30. Khi chuyến xe này vừa về đến khách sạn, lập tức chuyến khác được chuẩn bị sẵn sàng lên đường di chuyển ngay, số bệnh nhân vừa chạy thận xong sẽ được nhân viên y tế đo thân nhiệt và hướng dẫn lên phòng.
Bên cạnh đó, các nhân viên y tế còn làm thêm những việc như nhận thực phẩm hỗ trợ rồi phát đến từng phòng, nắm vấn đề, nhu cầu của từng bệnh nhân… Tất bật luôn tay luôn chân, thế nhưng lúc nào trên môi họ cũng nở nụ cười để động viên, giúp các bệnh nhân vơi bớt nỗi đau do bệnh tật và cũng tự giúp mình xua tan đi mệt mỏi của công việc.
Các tổ chức từ thiện hỗ trợ cơm ăn, nước uống cho các bệnh nhân khoa Thận nhân tạo đang cách ly tập trung tại khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Nhân viên y tế Lê Viết Tuân (hiện đang tạm trú cùng các bệnh nhân chạy thận nhân tạo) cho biết, những bệnh nhân khoa Thận nhân tạo vốn là những bệnh nhân có sức đề kháng yếu vì đi kèm với nhiều bệnh nền như thiếu máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch... Do đó, để tăng sức đề kháng cho bệnh nhân trong những ngày này, các nhân viên y tế luôn chú ý kiểm tra, nhắc nhở họ ăn ngủ đúng giờ, đủ giấc, thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang ngay khi ở trong phòng.
Bên cạnh đó, điều tiết khẩu phần ăn hợp lý cho các bệnh nhân, tránh ăn nhiều thịt để hạn chế đau mỏi, khó thở do căn bệnh suy thận gây ra. “Trong trận chiến đương đầu với SARS-CoV-2 lần này, chúng tôi hy vọng các bệnh nhân đều kiên cường vượt qua, ai cũng khỏe mạnh, an toàn. Về phần mình, đây là công việc, trách nhiệm của chúng tôi, vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, anh Lê Viết Tuân chia sẻ.
Anh Lê Viết Tuân tâm sự, mệt mỏi thì ngủ một giấc dậy sẽ hết mệt, xa gia đình thì rồi cũng sẽ được gặp lại, nhưng cuộc chiến này chỉ có một lần duy nhất và chúng ta buộc phải chiến thắng. “Ngay bây giờ hoặc không bao giờ, mong tất cả người dân hãy chấp hành nghiêm chỉ đạo của thành phố, thành thật khai báo y tế và áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn theo khuyến cáo để thành phố nhanh chóng đẩy lùi Covid-19”, anh Tuân nói.
XUÂN DŨNG