Từ quê nhà Hòa Vang vào làm dâu đất Thăng Bình, bà Nguyễn Thị Hướng đã lưu danh hậu thế bằng công việc âm thầm ủng hộ các phong trào chống Pháp.
Ông Nguyễn Hữu Lâm Sanh (75 tuổi), cháu gọi bà Nguyễn Thị Hướng là bà cố, cho biết theo gia phả tộc Nguyễn Hữu làng Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), bà Hướng sinh năm Kỷ Mùi (1859) trong một gia đình gia giáo, có truyền thống khoa bảng ở làng Quan Nam, tổng Hòa An, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Chú ruột của bà là cử nhân Nguyễn Đức Phong, đỗ kỳ thi Hương vào năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện điển tịch, thăng Án sát sứ Quảng Bình, Bắc Kỳ tương tán quân vụ.
Chân dung bà Nguyễn Thị Hướng tại nhà ông Nguyễn Hữu Lâm Sanh. Ảnh: N.T |
Thân phụ bà là Nguyễn Đức Hiền (có tài liệu ghi là Nguyễn Đức Phổ); sau nhiều lần thi đều đỗ tú tài, đến khoa thi năm Giáp Tý (1864, niên hiệu Tự Đức thứ 17) mới đỗ cử nhân, được bổ Biên tu sử quán rồi thăng Tri phủ Thăng Bình. Là ái nữ của quan tri phủ nên khi cha nhậm chức nơi xa, bà theo cha vào Thăng Bình để vừa tiện chăm sóc cha, vừa để được cha dạy chữ nghĩa và đạo lý.
Vùng đất Hà Lam xưa nổi tiếng là vùng đất khoa bảng, trong làng có ông Nguyễn Hữu Lệ (Cử Lệ), là người học rộng chí cao, đậu cử nhân khoa thi hương năm Mậu Thìn (1868, niên hiệu Tự Đức thứ 21). Với tính tình nết na, thùy mị, đoan chính, bà được ông Cử Lệ hỏi cưới. Sau khi đỗ đạt, ông Cử Lệ được bổ làm Chủ sự sơn phòng sứ Quảng Nam, được thưởng Hàn lâm viện trước tác; chính vì lý do này mà người dân trong vùng còn gọi bà là “bà Chủ” - vì có chồng là Chủ sự sơn phòng. Tuy nhiên, làm quan chưa lâu thì năm 1880, ông đột ngột qua đời, để lại người vợ trẻ và con thơ, lúc bà mới tròn 21 tuổi.
Chồng qua đời, tuổi bà còn trẻ, lại có học vấn, có truyền thống gia đình nên sau khi mãn tang chồng, có nhiều người đánh tiếng để bà đi thêm bước nữa nhưng bà nhất định cự tuyệt, chỉ ở vậy thờ chồng, nuôi con, những đức tính gương mẫu của nữ giới đương thời được xưng tụng thì bà đều sẵn có. Tiếng tăm tiết hạnh vang khắp vùng nên vua ban tặng cho bà tấm biển “Tiết hạnh khả phong” để biểu dương tiết hạnh hiếm có nhưng bà một mực khước từ.
Năm 1885, Nghĩa hội Quảng Nam khởi xướng hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, lãnh tụ của phong trào tại xứ Quảng chính là đồng môn cùng đỗ khoa thi Hương với chồng mình - Chánh sơn phòng sứ Quảng Nam, TS. Trần Văn Dư. Vì vậy, bà ra sức giúp đỡ phong trào. Ngôi nhà của bà là nơi các nhà yêu nước thường xuyên lui tới để chuẩn bị khởi nghĩa.
Tại quê chồng Thăng Bình, bà nhiệt tình ủng hộ nghĩa quân của Tiểu La Nguyễn Thành. Tại quê nhà Quan Nam, bà vận động bà con trong làng tích cực ủng hộ nghĩa quân của tướng Hồ Học, hoạt động ở vùng núi kéo dài từ Hải Vân đến An Ngãi, Hòa Vang. Những việc của bà làm chỉ có những người đồng chí mới biết, công việc hoàn toàn bí mật.
Cụ ông Nguyễn Hữu Tửu (93 tuổi), làng Hà Lam, dẫn tài liệu từ cuốn “Hà Lam xã chí” do Hội đồng bảo tộc tiền hiền Hà Lam biên soạn năm 2003 (cụ có tham gia viết) cho biết, bên trong chiếc áo bà mặc có ấn chỉ của nhà vua, đây là một mật hiệu cho các nhà tài hào nghĩa hiệp khi bà đến vận động kinh tài. Chính những đóng góp của mình, bà được nghĩa quân tôn vinh là “Nữ Tiêu Hà”(1) của Nghĩa hội Quảng Nam.
Nhưng rồi, cuộc khởi nghĩa bị quân của Nguyễn Thân đàn áp. Nhân dân trong vùng rơi vào cảnh đói khổ lầm than. Bà cùng với người dân trong vùng, trong đó có vợ của Sơn phòng sứ Nguyễn Trường - cụ thân sinh của Tiểu La Nguyễn Thành - nấu cháo cứu đói, chôn cất người chết tại nghĩa trủng của làng.
Phong trào Cần Vương thất bại, “Nữ Tiêu Hà” âm thầm thủ phận trong một gia đình khuôn khổ, quanh năm lo việc đồng áng thờ chồng nuôi con. Trải qua gần 20 năm lặn lội với cảnh quê mùa, nhưng ít ai ngờ, trong phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, bà là một trong những người lo việc kinh tài cho phong trào, chuẩn bị tiền của cho các du học sinh Việt Nam xuất bôn sang Nhật Bản.
Và bà, từ một “Nữ Tiêu Hà” phong trào Cần Vương trở thành “Phiếu mẫu”(2) cho các bậc hiền sĩ trong phong trào Đông Du. Khi cụ Phan Bội Châu công cán đến Quảng Nam, chính bà thu xếp chu toàn các công việc ăn ở, liên lạc với các đồng chí. Những người coi sóc kinh tài cho phong trào Đông Du lúc bấy giờ có các cụ Tiểu La Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển, Thái Phiên đều xem bà như cánh tay phải đắc lực trong việc vận động nguồn kinh tài cho phong trào.
Lúc tiễn đưa đoàn học sinh lên đường, trao số tiền ba trăm đồng bạc, bà đã đọc câu đối: “Ba trăm đồng bạc trắng có là bao, tủi phận liễu bồ kính chúc xa đưa người ái quốc/ Hai mươi triệu đồng bào đâu phải ít, gặp cơn tang hải lấy ai dìu dắt chúng thư sinh”.
Ngày 4-2 năm Kỷ Mão (1939), bà Nguyễn Thị Hướng qua đời, thọ 81 tuổi. Bấy giờ, cụ Phan Bội Châu đang bị câu lưu ở Huế, nghe tin bà mất thì vô cùng thương xót, bí mật đưa người tâm phúc vào phúng điếu một câu đối: “Hận ngã bất vương tôn, quốc sĩ vị thường thanh cựu nhãn/ Phùng nhân đàm Phiếu mẫu, tuyền đài thượng đãi bạch sơ tâm”.
Câu đối được Cử nhân Hán học Hồ Ngận dịch: “Giận mình không phải vương tôn, quốc sĩ lắm phen nhìn mắt trắng/ Gặp ai cũng khen Phiếu mẫu, tuyền đài có đợi tỏ lòng son”.
NGUYỄN TRẦN
----------------------------
(1) Tiêu Hà là quan lo việc lương thảo thời Đông Chu, giúp Hán Cao Tổ đánh bại Hạng Võ.
(2) Phiếu Mẫu là người đàn bà đã giúp Hàn Tín có cơm ăn thuở hàn vi, nhờ đó mà thành danh.