Tập trung công tác giải tỏa đền bù ở quận Sơn Trà

.

Những năm qua, công tác đền bù, giải tỏa trên địa bàn quận Sơn Trà đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại địa phương này.

Tại quận Sơn Trà, trong 5 năm qua, thành phố đã triển khai 53 dự án, 2.595 hộ giải tỏa; đã vận động 875 hộ bàn giao mặt bằng, bố trí đất tái định cư 384 hộ; có 20 dự án hoàn thành, 25 dự án đang triển khai dở dang với 1.332 hồ sơ. Trong năm 2020 triển khai mới 8 dự án với 388 hồ sơ. Các dự án kéo dài nhiều năm đến nay đã hoàn thành như: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Trần Quang Khải, Trương Định, Lê Văn Thứ, Vương Thừa Vũ…

Đặc biệt, dự án tái định cư (TĐC) cuối tuyến Bạch Đằng Đông (phạm vi giáp làng cá) tại phường Nại Hiên Đông kéo dài hàng chục năm, đến cuối năm 2019 mới hoàn thành bàn giao các hộ cuối cùng. Theo Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Cao Đình Hải, để hoàn thành giải tỏa dự án này, tổ tuyên truyền, vận động của phường đã gặp gỡ người dân để động viên, phân tích chủ trương, chính sách của thành phố. Bản thân Chủ tịch UBND phường cũng thường xuyên hỏi thăm, động viên số hộ dân giải tỏa.

Ông Đặng Đình Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Mân Thái cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa, lãnh đạo phường thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để kiến nghị cấp trên quan tâm, xử lý dứt điểm.

Dự án cải tạo đường Trương Định là một điển hình để kéo dài. Để vận động người dân di dời, giải tỏa, giao mặt bằng thi công dự án này, phường cử cán bộ thay phiên nhau đến từng hộ dân nắm nguyện vọng, để từ đó có những kiến nghị xác đáng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Từ đó, dự án mới có mặt bằng, triển khai thi công và hoàn thành.

Bà Hồ Thị Lan, nguyên Trưởng ban Dân vận quận Sơn Trà cho hay, để có được kết quả tốt trong công tác đền bù giải tỏa, vai trò dân vận khéo là rất lớn. “Để công tác dân vận hiệu quả, cán bộ phải gần dân, sâu sát, hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó tiếng nói mới có hiệu lực. Bên cạnh đó, cán bộ phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có kế hoạch vận động tạo sự nhất trí, đồng thuận cao”, bà Lan nói.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, còn số hộ dân không đồng thuận với việc bố trí TĐC. Một phần là do dự án kéo dài nhiều năm, phương án TĐC tổng thể không còn phù hợp do biến động về giá cả. Giá trị đất TĐC tại thời điểm lập phương án không bắt kịp tình hình thực tế hiện nay.

Đơn cử, dự án KDC kho thiết bị phụ tùng An Đồn giai đoạn 2, các hộ dân được đền bù theo giá đất ở chưa đến 10 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường đất ở tại khu vực này dao động khoảng 100 triệu đồng/m2. Hay dự án vệt 200m cầu Sông Hàn ra biển, đơn giá đền bù đất là 2,8 triệu đồng/m2 (vị trí 1 đường Lý Thánh Tông), trong khi giá đất thị trường khoảng 70 - 80 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, qua triển khai, việc quy hoạch một số điểm còn chưa phù hợp, Hội đồng GPMB quận đã đề nghị điều chỉnh cục bộ, tuy nhiên, quá trình điều chỉnh còn chậm so với tiến độ. Đối với hộ dân giải tỏa liên quan đến đất nông nghiệp, đất khác tại một số dự án, theo quy định, không được xem xét bố trí đất TĐC, khiến hộ dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Quỹ đất TĐC đường 5,5m và 7,5m hiện thiếu rất nhiều so với nhu cầu để lập phương án TĐC đối với dự án mới triển khai, nhất là khu vực các phường trung tâm (dự án tuyến đường 30m nối từ tuyến đường Lê Tấn Trung đến tuyến đường Ngô Quyền, Khu đông bắc Khu công nghiệp An Đồn, nâng cấp mở rộng tuyến đường Võ Duy Ninh, tuyến đường 10,5m nối từ KDC mở rộng đến tuyến cống Thọ Quang- Biển Đông...), cũng như giải quyết kiến nghị đối với hộ giải tỏa thuộc dự án đang triển khai dở dang.

Theo bà Tâm, còn có những khó khăn xuất phát từ chủ quan, như việc phối hợp xử lý, vận động tại cơ sở thật sự chưa tốt. UBND các phường tiếp dân ghi nhận ý kiến của người dân là chính, còn ngại phản ứng của hộ dân trong quá trình giải quyết. Việc xử lý vướng mắc đối với từng hồ sơ cụ thể còn kéo dài, phải xử lý nhiều nội dung và qua nhiều bộ phận liên quan, gây chậm tiến độ của dự án. Cán bộ phụ trách dự án chưa thật sự “đều tay”, còn bị động, chưa chủ động trong công tác tham mưu đề xuất nhằm xử lý dứt điểm các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Theo kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2020 (Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 22-1-2020), quận Sơn Trà có 27 dự án, trong đó nhóm I/2018 có 2 dự án,  nhóm I/2020 có 12 dự án và 13 dự án nhóm II/2020. Có tổng 1.142 hồ sơ, trong đó có 1.078 hồ sơ đất ở, 22 hồ sơ đất nông nghiệp, 42 hồ sơ đất khác và 890 hồ sơ mộ chưa di dời. Tổng vốn kế hoạch cấp năm 2020 là 84,4 tỷ đồng, tổng hồ sơ giải tỏa trong năm 2020 là 485; năm 2021 giải tỏa 657 hồ sơ.

TRỌNG HUY




 

;
;
.
.
.
.
.