Đại dịch Covid-19 là mối đe doạ vô cùng nguy hiểm đối với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Đến nay, nhiều nước đang phải chống chọi với đợt bùng phát thứ hai đại dịch Covid-19, số người lây nhiễm nhiều; không ít quốc gia đã tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội lần thứ hai để đối phó với dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Đà Nẵng nói riêng, cả nước ta nói chung cũng đang chống chọi với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai với sự lây lan nguy hiểm. Khác với lần trước, đợt dịch thứ hai của Việt Nam có những biến chuyển phức tạp, nguy cơ lây lan lớn, và lần này “tâm dịch” ở Đà Nẵng.
Thế nhưng trong bối cảnh tình hình “nước sôi, lửa bỏng” đó lại có một số người không thiện cảm, một số phần tử xấu và nhất là những thế lực thù địch đã dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin sai sự thật. Thậm chí một tài khoản Facebook tên “Trương Thị Bình” lại loan tải, chia sẻ trên trang cá nhân của mình những lời tàn độc, đòi “thiêu sống tất cả người dân ở Đà Nẵng”?! Đáng chú ý nhất là mới đây, Phạm Minh Vũ, một thành viên đắc lực của Việt Tân, trên facebook của mình, sau khi tung hô thành tích chống dịch của các nước phương Tây, y đã cho rằng: “Hiện tại ở Đà Nẵng ngoài những người có điều kiện mua nhà cửa ra, có nhiều sinh viên, lao động thu nhập thấp đang chật vật trong căn phòng trọ thiếu thốn đủ thứ, tiền kiếm tiêu ăn hằng ngày không đủ, thì làm sao mua tủ lạnh để bảo quản ngày này sang ngày khác? Thành phố Đà Nẵng chỉ ra một lệnh áp đặt cho thỏa mãn cái quyền lực, mà không tính đến hệ lụy của nó.
Tôi có nhiều đứa em đang học hay đi làm ở Đà Nẵng, kẹt lại nửa tháng qua ăn mì tôm và ăn cá khô, vì không có tiền cũng như không có tủ lạnh làm sao bảo quản được. Thành phố đáng sống hay nó đáng sợ?”.
Nhưng thực tế cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở thành phố Đà Nẵng này diễn ra như thế nào? Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh nhiễm Covid-19 ngày 24-7, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã kích hoạt ngay hệ thống phòng, chống dịch đã được thiết lập trong những tháng đầu năm 2020. Đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 lần này, Đà Nẵng đã nhanh chóng báo cáo và được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành liên quan để xây dựng phương án phòng, chống dịch hiệu quả nhất.
Đáng chú ý là dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, nhưng sau gần 100 ngày cả nước không có người nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng, các hoạt động kinh tế-xã hội mới bắt đầu khởi động trở lại, nên lượng khách du lịch trong nước đến với Đà Nẵng rất đông. Để giải quyết tình hình này, thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách rời thành phố trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh thì có hơn 1.000 du khách không rời được thành phố, nên chính quyền và các ngành có liên quan, các cơ sở lưu trú đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để du khách an tâm ở lại.
Cho đến khi thu xếp được với hãng hàng không, thành phố đã bố trí để toàn bộ du khách bị mắc kẹt có nhu cầu trở về đã rời Đà Nẵng về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong các ngày 12, 13 và 14-8, sau khi đã được xét nghiệm. Còn đối với công nhân, học sinh của các tỉnh bạn, thành phố cũng chỉ đạo các ngành, các địa phương, các trường học, động viên các nhà hảo tâm... tạo điều kiện về nơi ở, sinh hoạt thiết yếu trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Gần đây, chính quyền thành phố cũng đã có chủ trương để từng bước giải quyết số công nhân, học sinh nếu có nhu cầu trở về nhà một cách hợp lý, thuận tiện nhất, đồng thời tính toán để có thể hỗ trợ cho những đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi dịch bệnh kéo dài.
Thành phố đã huy động mọi nguồn lực tập trung vào những vấn đề cấp bách như: điều trị người nhiễm bệnh; tiến hành xét nghiệm trên diện rộng; điều tra dịch tễ; tiến hành giãn cách xã hội trên diện rộng và phong tỏa một số khu vực có người nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan; tuyên truyền, vận động để người dân nắm được thông tin, hợp tác với chính quyền nhằm tìm mọi cách phòng ngừa có hiệu quả nhất...
Do số ca nhiễm bệnh nhiều, nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân không thể trì hoãn, nên chỉ sau một thời gian ngắn, được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế, nhất là “Bộ Chỉ huy tiền phương” được thiết lập do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu, thành phố đã hình thành ngay hai trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 là Bệnh viện phổi Đà Nẵng và đưa Trung tâm Y tế Hòa Vang thành bệnh viện dã chiến. Đồng thời xây dựng thêm bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn với gần 1.000 giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân khi có yêu cầu. Đồng thời làm mọi cách để đưa Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng sớm trở lại hoạt động bình thường.
Cùng với lực lượng chi viện từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, các truờng đại học, cao đẳng y khoa..., đội ngũ các y, bác sĩ của thành phố ngày đêm vật lộn với khó khăn, phức tạp để vừa điều trị, chăm sóc bệnh nhân, vừa tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho hàng vạn người để kịp thời phát hiện, phục vụ cho công tác giám sát, cách ly nhanh chóng, chính xác. Thành phố cũng đã huy động hàng chục cơ sở là trường học, trung tâm y tế, doanh trại quân đội... thành các khu cách ly cho hơn 10 ngàn người.
Đặc biệt, huy động lực lượng tổ dân phố, dân quân tự vệ... thành lực lượng giám sát cộng đồng để giúp cộng đồng nắm kịp thời diễn biến dịch bệnh và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Lực lượng công an, quân đội suốt ngày đêm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự, huy động binh chủng hóa học để xử lý môi trường ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Thành phố đã huy động mọi nguồn lực nhằm bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống. Trong đó, các cửa hàng, chợ buôn bán nhu yếu phẩm đều hoạt động để phục vụ tốt cho người dân. Để giãn cách xã hội có hiệu quả, các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý những người không chấp hành tụ tập đông người để đua xe, đánh bạc, nhậu nhẹt... Ngoài ra, các địa phương cũng tiến hành giám sát số người đi vào chợ trong mỗi ngày bằng hình thức cấp phiếu, để số người có mặt trong chợ không quá đông, nắm được thông tin đầy đủ khi phát hiện có người nhiễm bệnh, kịp thời thông báo cho mọi người biết được tự cách ly, giám sát y tế... là một cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Như chúng ta đã biết, phòng, chống đại dịch Covid-19 được xem là một cuộc chiến khốc liệt để chống lại kẻ thù vô hình. Hơn thế, đã là cuộc chiến thì tất yếu có sự hy sinh, mất mát. Hơn 20 bệnh nhân đã ra đi vì Covid-19 là một tổn thất vô cùng to lớn đối với gia đình, đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Hàng trăm người bị nhiễm bệnh là một nỗi đau mà cả cộng đồng chúng ta cùng nhau chia sẻ, và đội ngũ các y, bác sĩ “nơi tuyến đầu chống dịch” đang nỗ lực suốt ngày đêm để đưa họ sớm trở về với cuộc sống. Có thể nói, cùng với sự trợ giúp đắc lực của Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương bạn, và sự động viên, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các phương tiện truyền thông trong cả nước..., những nỗ lực không mệt mõi của Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng trong gần một tháng qua, không có mục đích nào khác hơn là vì cộng đồng, vì cuộc chiến phòng, chống Covid-19.
Tất cả những hiện thực đó càng vạch trần những thông tin, luận điệu sai trái, cố tình bóp méo của kẻ xấu và các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng cũng như của cả nước nói chung; càng thôi thúc chúng ta hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đẩy lùi Covid-19, để sớm khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tuyết Minh