Chuyện của những người tử tế

.

ĐNO - Trong bối cảnh Đà Nẵng đang ảnh hưởng bởi Covid-19, có những con người, những câu chuyện nhỏ, những hành động ý nghĩa khiến cộng đồng thấy ấm lòng và vững tin vào tình hình phòng, chống Covid-19 của thành phố.

Doanh nhân Phạm Thanh (thứ hai, từ trái qua) trao . Ảnh: XUÂN SƠN
Doanh nhân Phạm Thanh (thứ hai, từ trái qua) tặng khẩu trang, thức ăn, nước uống và tiền hỗ trợ cho bếp ăn tình thương của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vào tháng 2-2020. Ảnh: NVCC

"Vì một thành phố đáng sống"

Đó là tên gọi của quỹ thiện nguyện xã hội do ông Phạm Thanh, một doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô-tô, xe máy, khách sạn phát động thành lập. Theo ông Thanh, cần có một quỹ để hỗ trợ cho các cơ sở y tế, trung tâm cách ly trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Xuất phát từ đáy lòng, ông kêu gọi những doanh nhân, doanh nghiệp Đà Nẵng cùng các mạnh thường quân trong và ngoài nước đóng góp tấm lòng xây dựng quỹ.

Trước mắt, số tiền thu được vào quỹ sẽ dùng hỗ trợ cho các đơn vị “tuyến đầu” phòng, chống Covid-19 của thành phố: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199-Bộ Công an, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ...; ngoài ra còn giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch này.

Ngay sau lời kêu gọi xây dựng quỹ, ông Thanh đã đóng góp trước cho quỹ 100 triệu đồng và cam kết công khai, minh bạch mọi đóng góp từ các mạnh thường quân. Lời kêu gọi này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội facebook và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo mọi người. Tính đến ngày 13-3, quỹ đã tiếp nhận được 355 triệu đồng.

Được biết, trước đó ông Thanh và bạn bè cũng đã hỗ trợ khẩu trang y tế và thường xuyên động viên nhân viên y tế tại những nơi điều trị, cách ly người nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng. Đó đều là những hành động sẻ chia, để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, làm tốt công tác phòng, chống dịch. Ông Thanh cũng vừa đặt mua 3.000 khẩu trang y tế loại N95 để gửi tặng các đơn vị phòng, chống dịch. 

Trên trang Facebook cá nhân, ông Thanh chia sẻ: "Tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mức độ lây lan nhanh khủng khiếp. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, qua cơn hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", các bạn hãy nghĩ mình là công dân thành phố đáng sống này, mình yêu thành phố này xin hãy đóng góp nhẹ nhàng như “cho đời chút ơn”...".

“Đất nước Việt Nam không thiếu gạo... bà con không nên dự trữ quá nhiều"

Đây là những dòng chữ được bà Bùi Thị Hồng, chủ một cơ sở kinh doanh gạo trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) treo trước cửa hàng của mình. Việc làm của bà Hồng được nhiều khách cho là "lạ đời", bởi trong lúc nhiều cửa hàng, tạp hóa đang tranh thủ bán càng nhiều hàng càng tốt, thậm chí có nơi còn đội giá thì bà lại treo bảng "nhắn" khách không nên... mua nhiều gạo.

Bà Hồng Ảnh: H.N
Bà Bùi Thị Hồng tại cửa hàng gạo bình ổn giá của mình. Ảnh: X.S

Bà chủ chỉ cười rồi chia sẻ: "Tôi làm rứa để trấn an mọi người, thấy ai cũng lo lắng đổ xô đi mua, xếp hàng dài cực quá. Phải nhắn nhủ để mọi người an tâm". Lời nhắn nhủ được ghi chi tiết như sau: “Gạo Hồng, khuyến cáo: 1. Đất nước Việt Nam ta không thiếu gạo, do vậy mỗi gia đình nên mua vừa đủ lượng gạo để dùng như thường ngày, không nên dự trữ quá nhiều dẫn đến việc lo lắng quá mức để ảnh hưởng đến tình hình chung – 2. Cam kết bán đúng giá, bảo đảm đủ số lượng cung cấp để góp phần ổn định thị trường. Trân trọng cảm ơn!”.

Được biết, bà Hồng từng công tác tại Sở Công thương thành phố. Sau khi nghỉ hưu, bà lại về với cửa hàng gạo của gia đình suốt nhiều năm nay. “Xem trên mạng thấy cảnh nhiều người đổ xô đi mua gạo, về lâu dài sẽ khiến thị trường bị hỗn loạn và khiến giá gạo được đẩy lên cao, gây bất lợi cho chính người dân. Do đó, tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó để góp phần bình ổn thị trường và giúp mọi người hiểu được rằng, Việt Nam mình là nước xuất khẩu gạo nên sẽ không bao giờ có chuyện thiếu gạo. Việc bà con mua quá nhiều gạo tích trữ lâu ngày sẽ khiến chất lượng gạo không được tốt, ảnh hưởng đến sức khỏe nữa…”, bà Hồng cho biết.

Tiếc nuối trước cơ hội bị bỏ lỡ. Ảnh: XUÂN SƠN
Cửa hàng của bà Hồng cam kết bán gạo đúng giá và khuyên khách hàng không nên mua quá nhiều. Ảnh: X.S

Bà khẳng định, cửa hàng của bà vẫn cam kết bán tất cả các loại gạo theo bình ổn, đúng giá niêm yết như trước thời điểm Đà Nẵng có Covid-19. Trong kho gạo của cửa hàng vẫn còn hơn 200 tấn và số gạo này, theo bà Hồng vẫn đủ để cung cấp cho thị trường trong thời gian dài. 

“Nếu như vài hôm nữa, giá gạo ở miền Tây nhập về hoặc các nơi khác có tăng cao thì cửa hàng vẫn sẽ cố gắng bán giá thấp nhất có thể để hỗ trợ cho bà con mình. Để người dân ở thành phố có thể yên tâm về vấn đề lương thực, cũng như để Đà Nẵng xứng đáng là thành phố nghĩa tình, thành phố đáng sống”, bà cho biết.

Nhiều khách đến mua gạo không có khẩu trang cũng được bà Hồng tặng khẩu trang y tế. Trước cửa hàng có những chai cồn để khách rửa tay, sát khuẩn. Bà nói, tiền mua khẩu trang và cồn không bao nhiêu, chủ yếu để bản thân gia đình bà và nhân viên của cửa hàng, cùng với khách có thể tự bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch này.

Hỏi ra mới biết, bà Hồng cũng là một nhà hảo tâm, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Một phần lợi nhuận từ cửa hàng được bà trích ra cho việc giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi... Tới mua gạo ở cửa hàng của bà Hồng, bà Dương Thị Lê (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết: "Giữa nỗi sợ thị trường gạo, đồ ăn các thứ nháo nhào, sự trấn an của chủ cửa hàng này khiến người mua như tôi cũng an tâm hơn, không sợ thiếu hụt lương thực nữa".

Giữa mùa dịch, vẫn có những người, những câu chuyện khiến cộng đồng ấm lòng.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.

Đọc nhiều

.
.
.